Theo số liệu của GfK, nhu cầu về TV màn hình lớn tăng rất mạnh tại Việt Nam những năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2019, TV màn hình kích thước 55 inch trở lên gia tăng doanh số lần lượt theo các năm là 63%, 75%, 55%.
Năm nay, dù ảnh hưởng của Covid-19 song Sony Việt Nam vẫn dự báo mức tăng doanh số TV trên 55 inch toàn thị trường sẽ đạt 25% so với năm ngoái.
Một phóng viên đang thử chức năng điều khiển giọng nói trên TV. Ảnh: Hải Đăng |
“Do nhu cầu của thị trường, chúng tôi cũng tập trung nhiều hơn vào phân khúc TV 55 inch trở lên. TV màn hình lớn đang chiếm khoảng 40% sản lượng TV Sony tại Việt Nam”, ông Yuji Kano - Giám đốc tiếp thị Sony Việt Nam - nói với PV ICTnews.
Trong loạt TV hãng điện tử Nhật Bản ra mắt tại Việt Nam năm nay, rất nhiều mẫu có kích thước 55, 65, 75 inch và lên tới 85 inch. Các kích thước nhỏ hơn như 49, 43 inch không nhiều.
“Người dùng có xu hướng thích mua TV màn hình lớn để trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, giá TV vài năm gần đây đã giảm so với trước cũng khiến khách hàng chịu bỏ tiền hơn”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh - trả lời ICTnews.
Mức giá TV kích thước 55 inch trở lên dao động khá lớn tuỳ theo công nghệ được tích hợp. Từ 10 đến hơn 13 triệu đồng, người dùng có thể chọn mua TV của LG, TCL. Chạm mốc 14 triệu đồng sẽ có sản phẩm của Samsung. Tầm 15-16 triệu đồng sẽ mua được TV Sony, không kể những trường hợp giảm giá đặc biệt.
Để tiếp cận những mẫu TV mới ra mắt, sở hữu màn hình chất lượng cao của Sony, LG, Samsung thì người dùng phải bỏ nhiều tiền hơn, từ trên 20 triệu đồng. Chẳng hạn, mẫu Sony 55 inch phiên bản 2020 sử dụng chip X1, màn hình 4K công nghệ Triluminos có giá 20,4 triệu đồng. Nếu là mẫu dùng màn hình OLED giá sẽ hơn 40 triệu đồng.
Tương tự, các TV Samsung hay LG sử dụng công nghệ màn hình cao cấp mới ra mắt gần đây có giá phổ biến từ gần 30 triệu đến hơn 40 triệu đồng cho kích thước 55 inch.
Trên thị trường chung, phân khúc TV giá 10-15 triệu đồng đang có doanh số tốt nhất. Ở tầm giá này, người mua có thể sở hữu TV 43 inch, 49 inch, và một số TV 55 inch.
“Tuy nhiên chúng tôi quan sát thấy phân khúc TV trên 20 triệu đồng cũng tăng trưởng tốt”, ông Yuji Kano nói.
Ở mức giá từ 20 triệu đồng trở lên, người dùng sẽ có nhiều tuỳ chọn, mua được các sản phẩm ra mắt năm 2020 với nhiều công nghệ cập nhật, màn hình lớn. Người tiêu dùng Việt Nam có đặc thù thích sản phẩm chất lượng và theo dõi những nội dung online nhiều hơn các thị trường khác trong khu vực. Đây là động lực khiến các sản phẩm TV chất lượng cao, màn hình lớn ngày càng được ưa chuộng, phía Sony giải thích.
Mặc dù có tăng trưởng ở phân khúc màn hình lớn nhưng Covid-19 khiến thị trường TV giảm. Thống kê của GfK cho thấy sau nhiều năm tăng trưởng, lần đầu thị trường TV tại Việt Nam giảm 3% vào năm ngoái. Sony Việt Nam dự báo thị trường chung có thể giảm 6% trong năm nay.
Hải Đăng
Trung Quốc vượt xa Hàn Quốc về thị phần TV toàn cầu trong quý 2/2020
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu và Phân tích chiến lược toàn cầu Omdia, Trung Quốc vượt trội so với đối thủ Hàn Quốc trên thị trường TV toàn cầu vì xuất xưởng nhiều sản phẩm hơn trong quý 2 dù bị tác động bởi dịch bệnh.