"Khoảng một năm trở lại đây, tôi chơi game khá nhiều trên laptop. Chiếc laptop của tôi đã cũ vì thế trải nghiệm sử dụng không được tốt, máy chậm và màn hình nhỏ. Đầu năm nay, tôi dự định mua một bộ máy tính bàn để có thể chơi game thoải mái hơn. Tuy nhiên, cơn sốt Bitcoin đã thổi bay mong muốn này của tôi", Trần Huy, một sinh viên sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Huy cho biết anh đã tiết kiệm được số tiền hơn 30 triệu đồng để có thể tự thưởng cho bản thân một dàn máy tính cấu hình khủng, phục vụ mục đích chơi game.
Với số tiền này vào đầu năm ngoái, Huy "dư sức" mua được dàn máy tính với những chiếc card tầm trung hay thậm chí là cao cấp. Tuy vậy, với cùng số tiền này ở hiện tại, Huy chỉ có thể mua được bộ máy với sức mạnh bằng một nửa vì giá linh kiện đã tăng cao, nhất là card đồ họa.
Những người làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, dựng video cũng đang gặp phải hoàn cảnh tương tự. Hải Dương, một người sáng tạo nội dung YouTube cho biết bộ máy tính của anh đã sử dụng được gần 3 năm vì thế anh quyết định nâng cấp thiết bị để tăng hiệu suất công việc.
"Công việc của tôi gắn liền với máy tính cũng như các phần mềm chỉnh sửa ảnh, video. Tôi có dự định nâng cấp bộ máy tính tại nhà từ hai tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Giá bán của các thành phần linh kiện đều bị đẩy lên cao, thậm chí card đồ họa còn tăng giá gấp đôi, vượt quá ngân sách dự tính ban đầu của tôi", Dương nói.
Từ cuối năm 2020 đến nay, Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác liên tục tăng giá. Điều đó khiến cho hàng loạt "trại trâu" hoạt động trở lại. Nguồn cung linh kiện máy tính, đặc biệt là card đồ họa dần trở nên cạn kiệt trên thị trường.
Mức giá của chúng cũng vì thế mà bị đẩy lên cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với trước đây. Những chiếc VGA GTX 1660Ti trước đây chỉ có giá khoảng 6-7 triệu đồng, thì hiện đã bị "thổi" giá lên 13-14 triệu đồng. Các dòng card tầm trung và cao cấp như Nvidia GeForce RTX 3060-3080, hay AMD RX5700-6900 liên tục trong tình trạng cung không đủ cầu.
Mỗi khi thấy tin tức Bitcoin hay những đồng tiền điện tử khác giảm giá, không chỉ Huy và Dương, nhiều người dùng khác lại lên những hội nhóm trao đổi, mua bán linh kiện máy tính với hy vọng mua được một chiếc card đồ họa với giá hợp lý.
Dù vậy, theo chia sẻ từ một số chuyên gia, mức giảm của thị trường hiện nay chưa đủ để khiến các "nông dân" từ bỏ việc "đào" tiền điện tử.
"Người dùng phổ thông chưa thể kỳ vọng giá card đồ họa sẽ bình ổn trở lại hay xuất hiện những đợt xả hàng từ các "trại trâu". Hiện tại, việc duy trì "đào" coin vẫn mang về mức lợi nhuận tốt hơn so với việc bán card giá rẻ", ông Đức Tiến, đại diện một hệ thống bán lẻ linh kiện điện tử tại Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ ảnh hưởng đến người dùng phổ thông, tình trạng trên cũng gây ra không ít thiệt hại cho các đại lý. Theo chia sẻ từ một số chủ cửa hàng, bản thân họ cũng đang phải cạnh tranh với các "chủ trại" coin để có đủ nguồn hàng phục vụ khách.
"Đối tượng khách hàng chính mà chúng tôi phục vụ là các game thủ. Nguồn cung khan hiếm khiến cho giá nhập của card đồ họa tăng cao. Điều đó kéo theo nhu cầu lắp ráp thiết bị của người dùng giảm xuống", ông Hoàng Phúc, chủ một đại lý kinh doanh linh kiện máy tính tại Lê Trọng Tấn, Hà Nội chia sẻ.
Gần đây, một số nhà sản xuất linh kiện máy tính đã giới thiệu các dòng card đồ họa thế hệ mới với tính năng giảm hiệu suất "đào" tiền điện tử. Dự kiến, chúng sẽ được bán ra thị trường vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, với cơn sốt "đào" coin như hiện nay, khó có thể đảm bảo rằng các "chủ trại" sẽ không gom cả loại hàng này, bất chấp hiệu suất của chúng có bị giảm hay không.
(Theo Dân Trí)
"Cá con", "cá mập" đua nhau bắt đáy Bitcoin
Giá Bitcoin giảm kỷ lục hôm 19 và 21/5 đã tạo ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mua vào ở mức giá đẹp.