Tuy nhiên một vấn đề tương tự như những tựa game ăn theo phim bom tấn ra mắt hàng năm, như chúng tôi đã từng phân tích, đó là chúng rất khó lòng chiều chuộng các fan cuồng. Nếu nó quá sát với cốt truyện, phim sẽ trở nên nhàm chán vì chẳng còn gì mới mẻ. Nhưng nếu chúng quá mới lạ, khai thác hẳn một hướng cốt truyện khác như series phim Resident Evil đã làm, thì những fan gộc của series game đó sẽ "nổi cáu" vì cho rằng các đạo diễn đã phá hoại cả dòng cốt truyện mà những nhà làm game đã dày công phát triển.
Vậy, trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi điểm lại những bộ phim liên quan tới game, hoặc ăn theo game đình đám được đánh giá là đáng xem nhất từ trước tới nay.
Summer Wars
Theo cảm nhận của cá nhân tôi, đây là bộ phim có đề tài game online đáng xem nhất, khi mọi chuyện không chỉ xảy ra trong thế giới ảo. Những người tham gia thế giới ảo đầy màu sắc OZ vẫn có cuộc sống thật, nơi tình cảm, gia đình, những nỗi lo luôn đeo đuổi họ từng giờ từng phút.
Street Fighter II: The Animated Movie
Dưới bàn tay của bậc thầy Gisaburo Sugii, thế giới Street Figher hiện lên một cách khó lòng có thể ấn tượng hơn nếu xét tới việc bộ phim đã ra mắt từ năm 1994. Khi đó, chúng tôi vẫn còn là những cậu học sinh ngày ngày đến lớp khóc nhè vì nhớ mẹ, và trong trí tưởng tượng của một cậu bé khi đó mới chỉ biết tới điện tử băng SNES, thì đây quả là một bộ phim đúng với nghĩa "tuổi thơ dữ dội".
Nếu như phiên bản phim feature do Jean Claude Van Damme không giành được thành công như dự kiến, thì Street Fighter II: The Animated Movie lại là một bộ phim ăn theo game không thể bỏ qua với mọi độ tuổi.
Mortal Kombat
Từ rất lâu, Mortal Kombat đã được so sánh với Street Fighter như hai đối trọng ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Một tập trung vào những đòn kết liễu máu me, khủng khiếp và bạo lực nhất, trong khi tựa game còn lại thì khai thác sâu hơn vào vẻ đẹp và đường nét của những chiêu thức.
Tuy nhiên bộ phim Mortal Kombat lại suýt chút nữa rơi vào vết xe đổ của Street Fighter của Van Damme. Cũng ra mắt vào năm 1995, thế nhưng cốt truyện nghèo nàn, đối thoại có phần "troll" khán giả và diễn xuất không thực sự tốt đã khiến bộ phim không được lòng nhiều người hâm mộ. May mắn một nỗi, không khí của giải đấu Mortal Kombat và cả bầu không khí trong phim lại được thực hiện tốt, đem lại trải nghiệm giống như những tựa game đến fan hâm mộ.
Wreck-It Ralph
Nhiều người cho rằng Wreck-It Ralph đơn thuần chỉ là một bộ phim dành cho trẻ con sau khi xem đoạn trailer giới thiệu đầy màu sắc và vui nhộn. Thế nhưng nếu không phải là một người từng ăn ngủ cùng game, từng ôm bát cơm ngồi trước cỗ máy NES phải "thổi băng" mãi mới chơi được như chúng ta, thì khó lòng có thể cảm nhận được cảm giác trở về với tuổi thơ khi xem bộ phim của Disney này.
Ban đầu các bạn có thể nghĩ đây là một nồi lẩu thập cẩm, với hàng loạt hình ảnh gợi nhớ tới nhiều tựa game, từ Halo, Call of Duty, Sonic the Hedgehog, Mario Kart. Thế nhưng món lẩu đó có một kết cấu và được sắp xếp gần như hoàn hảo, tạo ra một trong những phim hay nhất về thế giới ảo mà bạn có thể thưởng thức.
Prince of Persia
Chắc chắn chẳng có ai trong số chúng ta lại không biết tới chàng hoàng tử vô danh trong series game cùng tên của Jordan Mechner. Việc nhà phát triển game kỳ cựu chắp bút không biến Price of Persia trở thành bom tấn, thế nhưng việc thay đổi một chút cốt truyện, tạo ra plot twist cùng dàn cast khủng với Jake Gyllenhaal, Gemma Arterton và Ben Kingsley vô hình chung lại biến Prince of Persia trở thành bộ phim về game ở mức tương đối, vượt qua những cái tên như Tomb Raider hay Silent Hill.
Tron
Tôi phải thừa nhận một điều, trước khi xem Tron Legacy, ngoài Star Wars, Back to the Future và Star Trek ra, tôi mù tịt về những bộ phim khoa học viễn tưởng khác của phương Tây. Thế nhưng trong một lần Cinemax chiếu lại Tron phiên bản 1982, tôi mới giật mình nhận ra, gần như chẳng có bộ phim hành động nào trong thời điểm đó khai thác đề tài thực tại ảo tốt như Tron.
Những cỗ máy cũng có tình cảm, cũng có tham vọng và hoài bão. Ấy là chưa kể, phong cách mỹ thuật của bộ phim thậm chí còn tồn tại đến 3 thập kỷ sau đó.
Final Fantasy: Spirits Within
Đâu là lý do khiến cho bộ phim này bị khán giả chê bai, dẫn tới việc Square Enix phải thực hiện Advent Children 4 năm sau đó? Đó là phần "hồn" của cốt truyện. Thế nhưng các nhà làm phim sẽ phải làm thế nào để nhồi nhét cốt truyện của một series game có tổng thời lượng khám phá lên tới cả chục tiếng đồng hồ vào một bộ phim 90 phút?
Suy cho cùng, Spirits Within bị chê bai đơn giản vì không có... Strife Cloud. Ngay cả công nghệ animation của bộ phim cũng đã đặt ra một chuẩn mực mới cho Hollywood. Hãy bớt chút phần khó tính để thưởng thức một trong những sản phẩm của Hironobu Sakaguchi.
GameSao.vn