Chỉ một câu “không sao” của bác sĩ hay sự thờ ơ, lơ là của ca trực đã đẩy bao bệnh nhân không đến nỗi phải chết rơi vào vòng xoáy tử thần. Giá trị đồng tiền đánh bại cả y đức và chuyên môn.

TIN BÀI KHÁC:


Sau cái chết oan của bệnh nhân Dương Thị Thu Huyền (17 tuổi, hay còn gọi là Hiền ở Năm Căn, Cà Mau) đã khiến dư luận một lần nữa dấy lên những nghi vấn xung quanh câu chuyện y đức và chuyên môn của một bộ phận y bác sĩ – những người xưa nay vẫn luôn được gọi là “lương y như từ mẫu”.

Nhầm lẫn không phải là… tội

Lâu nay những câu chuyện về việc nhầm lẫn… tai hại của bác sĩ đối với bệnh nhân đã không còn mới. Từ việc chẩn đoán, xét nghiệm nhầm đến mổ nhầm, bỏ quên dụng cụ trong ổ bụng… không còn là hy hữu.

Trường hợp mới nhất là bệnh nhân Nguyễn Phạm Khánh Chi (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bị chấn thương gối phải trong khi vận động thể thao, đến điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Khánh Hòa vào ngày 23/6. Các bác sĩ tại đây sau khi chụp MRI cho biết gối phải của bệnh nhân bị viêm khớp, tụ dịch lượng ít.


Cái chết oan của bệnh nhân Dương Thị Thu Huyền khiến dư luận vô cùng bức xúc (Ảnh: Dân trí)

Đến ngày 28/6, sau khi chẩn đoán lần 2, chị Chi tiếp tục được bác sĩ Phan Vương Huy Đổng chấn đoán chân trái của chị Chi cũng bị chấn thương dập sụn, kẹt khớp, cần mổ cả 2 chân. Trưa cùng ngày, chị Chi được kíp mổ phẫu thuật chân trái trước vì cho rằng chân này bị thương nặng hơn. Gia đình có thắc mắc thì được bệnh viện khẳng định rằng đã mổ đúng, duy chỉ có lỗi… là không báo trước cho người bệnh.

Có trường hợp bệnh nhân đau dạ dày nhưng lại được bác sĩ cắt ruột thừa, có trường hợp đau ruột thừa lại được chẩn đoán là nhiễm giun, chị Xuân (TP.HCM) bị u nang buồng trứng trái nhưng các bác sĩ tại Bênh viện Đa khoa Phú Thọ (TP.HCM) lại cắt luôn bên phải… Tuy nhiên trường hợp nhầm lẫn nghiêm trọng hơn là người này đau lại đè người kia mổ.

Bệnh nhi Trần Quốc Toản (14 tuổi, Quảng Ngãi) là một ví dụ điển hình. Cháu Toản nhập viện ngày 4/7/2005 để phẫu thuật lấy đinh vít ở đùi. Cùng thời điểm này, bệnh nhân Phạm Văn Quảng cũng nhập viện để mổ do thoát vị bẹn phải.

Đến sáng 6/7, khi điều dưỡng đọc tên bệnh nhân Quảng vào thực hiện phẫu thuật, nhưng do không nghe rõ tên nên gia đình đưa Toản vào phòng mổ. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, bác sĩ M. khi đó là trưởng kíp phẫu thuật thông báo ca mổ thoát vị bẹn đã thành công dù bệnh nhi Toản không hề có bệnh lí gì liên quan đến bẹn. Chỉ đến khi gia đình bệnh nhân Quảng ú ớ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì các bác sĩ mới biết mình mổ… nhầm.

Thăm, khám … qua điện thoại

Nhiều năm trở lại đây, dư luận đã nhiều lần bàng hoàng, bất bình trước những cái chết oan ức tức tưởi do sự tắc trách của một số y bác sĩ hay kíp trực gây ra. Tuy nhiên thay vì xin lỗi, khắc phục hậu quả, một số lương y kiên quyết chối tội, đổ vấy trách nhiệm hay thậm chí bỏ trốn để thoát tội.

Vào năm 2004, cái chết oan của sản phụ Lê Thị Ngọc Hà (sinh năm 1972, ngụ tại TP. Đà Lạt) đã từng khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài.

Vào tháng 8/2009, một sản phụ khác tại quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) cũng đã bị chết oan tại bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Người nhà chị Nguyễn Ngọc Phước (sinh năm 1969) cho biết chị Phước nhập viện vào ngày 1/8/2009 và đến khoảng 23g30 cùng ngày thì được ca trực của bác sĩ Nguyễn Minh Quang tiến hành mổ đẻ thành công.

Tuy nhiên đến ngày 3/8, chị Phước có dấu hiệu đau bụng và bụng trướng to. Gia đình chị Phước xin chuyển viện nhưng bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long hội chẩn lần đầu và kết luận chị bị cường giáp nên giữ lại điều trị.

Một ngày sau, tình trạng chị Phước ngày càng trầm trọng, bệnh viện hội chẩn lần hai và kết luận chị bị choáng nhiễm trùng huyết sau mổ. Lần này gia đình kiên quyết xin chuyển viện nên bệnh viện đồng ý chuyển chị Phước sang bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nhưng đến 19g30 cùng ngày, chị Phước tử vong. Bác sĩ Nguyễn Minh Quang sau đó đã bị VKSND quận Cái Răng truy tốt về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”.

Vào tháng 10/2008, vụ việc điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thái bị bác sĩ Đinh Trọng Toàn đổ vấy trách nhiệm làm chết bệnh nhân đã khiến báo chí ồn ào một thời gian dài.
Theo hồ sơ, bệnh nhân Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1937, ngụ Q.6, TP.HCM) nhập viện tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quận 11 từ tháng 6/2010. Bác sĩ Nguyễn Việt Tùng, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bà Mai cho biết bà bị ung thư phổi, di căn xương, rối loạn thần kinh thực vật. Ngày 19/10, bà Mai có dấu hiệu nặng hơn, nên bác sĩ Tùng đã ra y lệnh gắn máy monitor để theo dõi.


Bệnh nhân Xuân bị cắt nhầm buồng trứng nhưng khiếu kiện gần 1 năm vẫn bị bệnh viện chối trách nhiệm (Ảnh: Tiền Phong)

Đêm 24/10, theo lịch phân công tại bệnh viện, ca trực gồm có Bác sĩ Đinh Trọng Toàn (trực chính) và 2 điều dưỡng là Nguyễn Thị Thanh Thái và Huỳnh Thị Hoàng Lam. Đến 2 giờ ngày 25/10, BS Toàn cho người tháo máy monitor đang theo dõi bà Mai đem xuống trực cấp cứu. Các điều dưỡng đã nhắc lại tình trạng của bệnh nhân và xin không mang máy đi, vì cần phải theo dõi sát để xử lý kịp thời. Nhưng BS Toàn cho rằng tình trạng bà Mai trước sau gì cũng như vậy nên không cần phải dùng máy nữa và buộc các điều dưỡng làm theo y lệnh của mình.

Đến 4 giờ 10 phút, khi nghe các điều dưỡng báo cáo rằng bà Mai đang sốt rất cao (41oC), BS Toàn không hề lên thăm, khám mà chỉ ra y lệnh qua điện thoại cho điều dưỡng Thái truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân một chai Perfangan 1 g/100 ml.

Lúc 5 giờ 50 phút, bà Mai bỗng có dấu hiệu tím tái và ngáp cá. Điều dưỡng Thái báo gấp cho bác sĩ Toàn xin đem gấp máy monitor lên. Tuy nhiên khi đem máy đến nơi thì bệnh nhân đã tắt thở. Khi truy cứu trách nhiệm, bác sĩ Toàn một mực chối tội, đổ vấy cho điều dưỡng Thái buộc điều dưỡng  Thái phải làm đơn kiến nghị lên bệnh viện để minh oan.

Tại Hà Nam vào tháng 6/2008, bệnh như Đỗ Thị Hoài (sinh năm 1994, ngụ tại xã Thanh Tâm, Thanh Liêm) đã tử vong sau 1 đêm tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Liêm do sự tắc trách, vô kỷ luật của bác sĩ trực ca Lê Văn Thuyết.

Ngày 7/6 cháu Hoài nhập viện, đến 4h chiều, thấy con bị ho và sốt cao nên người nhà có nguyện vọng xin chuyển lên tuyến trên, nhưng bác sĩ Thuyết (trực ca) khi đó khua tay và khẳng định: “Bệnh này nằm dưới tầm tay của chúng tôi” và nhất định không cho làm giấy chuyển viện. Bác sĩ Thuyết kết luận đây chỉ là bệnh phụ nữ, người nhà không phải lo. Khi gia đình nài nỉ xin chuyển viện, bác sĩ Thuyết gắt giọng “"Nếu gia đình không tin vào năng lực của tôi thì cũng tin vào tấm bằng bác sĩ do Nhà nước đào tạo chứ?".

Tuy nhiên đến tận 3h sáng ngày 8/6, người nhà vẫn không thấy bác sĩ Thuyết đến kiểm tra tình hình sức khỏe cháu Hoài. Khi thấy cháu Hoài bất tỉnh, người nhà gọi cho bác sĩ Thuyết thì được ông chỉ đạo cho 2 y tá xuống chụp điện tim. Đến khoảng 7h sáng ngày 8/6, cháu Hoài tử vong.

Sau vụ việc, bác sĩ Thuyết lẩn trốn khỏi bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện tự ý chuyển xác nạn nhân về quê mà không thông báo cho người nhà. Khi người nhà đi tìm gặp bác sĩ Thuyết để yêu cầu giải thích thì bác sĩ Thuyết tìm cách lẩn tránh rồi tranh thủ lúc người nhà cháu Hoài nghe điện thoại, bác sĩ Thuyết đã nhảy qua cửa sổ trốn thoát…

Vẫn biết “nhân vô thập toàn” nhưng vì sự tắc trách của y bác sĩ mà khiến bao bệnh nhân phải bỏ mạng, bao đứa trẻ không được sinh ra hoặc mất cha, mất mẹ ngay khi chào đời là điều khó chấp nhận. Tính mạng bệnh nhân đặt trọn trong tay y bác sĩ, nhưng một bộ phận trong số đó đang lơ là với trách nhiệm của chính mình, coi rẻ tính mạng con người.

Đức Tâm (tổng hợp)