Để trị những đứa con bướng bỉnh, nhiều cha mẹ đã nghĩ ra những hình phạt hà khắc với trẻ. Cách dạy dỗ này cũng gây nên nhiều tranh cãi.
Nhờ cảnh sát bắt để dạy con
Chiquita Hill, một bà mẹ 33 tuổi tại thành phố Columbus thuộc tiểu bang Georgia, Mỹ, đã nhờ cảnh sát địa phương dạy cho con mình một bài học vì tội ngỗ nghịch trên lớp. Sean, cậu bé học lớp 5 thường xuyên bị giáo viên phê bình là "thô lỗ, vô lễ, không nghe lời, cãi bướng và không làm bài tập". Người mẹ đã khiển trách con trai mình, nhưng cậu bé vẫn cãi lại mẹ mình rằng: “Con không biết và con không quan tâm”.
“Nếu con không quan tâm, mẹ sẽ gọi điện cho cảnh sát”, Chiquita dọa con trai mình trong cuộc tranh cãi.
Nói là làm, Chiquita đã gọi điện đến đồn cảnh sát để giải thích tình hình
hiện tại và nhờ cảnh sát giúp đỡ. Sau đó, cô dọa con trai của mình rằng nếu
không chịu thay đổi thái độ sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Cậu bé Sean không tin vào lời đe dọa của mẹ mình, cho đến khi cảnh sát ập tới. Bất chấp sự sợ hãi và những dòng nước mắt của cậu bé, cảnh sát vẫn còng
tay và dẫn cậu bé 10 tuổi này ra xe cảnh sát ở bên ngoài. Sau khi bị giữ 5 phút ở trên xe và được thả ra, cậu bé Sean đã
lập tức chạy về phía mẹ và ôm chầm lấy, đồng thời hứa rằng sẽ không bao giờ có
thái độ như vậy nữa.
Cảnh sát còng tay và dẫn cậu bé 10 tuổi đi. Ảnh: ABC News |
“Tất cả mọi chuyện diễn ra quá nhanh”, bà mẹ trẻ kể. “Thằng bé còn không kịp
phản ứng. Nó rất sợ hãi”.
“Tôi rất vui vì đã làm như thế”, Hill nói. “Con trai tôi tròn 11 tuổi vào tháng
này và bắt đầu bước vào ngưỡng vị thành niên. Tôi hiểu những gì con sẽ phải đối
diện, nhưng với những điều tồi tệ thằng bé đã làm, tôi muốn ngăn chặn tất cả
ngay khi còn chưa muộn. Tôi muốn con hiểu rằng, nếu tiếp tục vô lễ và ngỗ
nghịch, đó sẽ là kết quả dành cho con”.
Phạt con ăn ớt cực cay
Jamie Oliver, đầu bếp nổi tiếng ở Anh, tiết lộ trên
một chương trình ti vi rằng anh đã phạt con gái Poppy 12 tuổi bằng cách cho ớt
scotch bonnet (một loại ớt cực cay) vào quả táo của cô bé.
Gia đình Jamie Oliver. |
Anh kể lại: "Poppy đã không tôn trọng và khá thô lỗ với tôi. Khi tôi còn bé, nếu làm vậy thì đã bị đánh đòn rồi, nhưng bây giờ chúng ta không được phép đánh trẻ con. Năm phút sau, bé tưởng tôi đã quên và đến xin tôi một quả táo. Tôi cắt táo và trét ớt vào. Tôi nấp ở cầu thang và nhịn cười khi thấy bé chạy vào khóc trong lòng mẹ".
Phạt con khoả thân quỳ giữa đường ngoài trời lạnh
Truyền thông Trung Quốc hôm 13/3 đưa những bức ảnh chụp một người phụ nữ mang dép đứng bên lề đường, bên cạnh là một cậu bé đang quỳ. Cậu bé không mặc bất cứ thứ gì trên người, kể cả giày và quần lót. Người phụ nữ một tay ôm bó quần áo và một cái bát inox to, tay kia cầm roi, vẻ mặt vô cùng tức giận.
Cậu bé bị mẹ phạt trần truồng quỳ ngoài trời lạnh. |
Theo nhiều người đi đường kể lại, thời tiết lúc đó vẫn còn khá lạnh, nhìn cậu bé với thân thể trần truồng quỳ trên mặt đường khiến đám đông xung quanh vô cùng thương xót. Lúc đầu, cậu bé vẫn mặc nguyên quần áo, quỳ xuống giữa đường nghe mẹ quát mắng. Tuy nhiên một lúc sau, cậu bé bị yêu cầu cởi sạch quần áo trên người.
Được biết, do cậu bé đánh bạn cùng lớp, làm gia đình mất tiền bồi thường nên bị mẹ phạt quỳ giữa đường.
Cha bắt con bò trên đường gần 1 km vì chơi game
Chiều 9/6/2011, Đỗ Văn C. lúc đó là học sinh lớp 10 và em ruột là Đỗ Văn T.
(học sinh lớp 8) , bị cha bắt bò lê gần 1 km trên đường Hai Bà Trưng, thị xã Gia
Nghĩa tỉnh Đăk Nông.
Trong lúc hai con đang bò thì người cha ngồi trên xe máy vừa hối thúc vừa chửi
bới. Sau khi T. và C. hoàn thành hình phạt với đoạn đường dài gần 1 km, người
cha mới chịu tha và chở về nhà.
Được biết, do T. và C. trốn nhà đi chơi game nên đã bị cha phạt bằng hình thức bò trên đường.
Phạt đeo biển “Tôi là thằng ăn cắp”
Ngày 17/6/2011, trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), một thiếu niên đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”.
Cậu bé tên N. (13 tuổi, quê ở Hải Dương). Chú ruột cậu bé đã phạt N. đeo tấm bảng có nội dung trên. Người này bắt cháu đứng trước nhà cho mọi người qua lại nhìn thấy.
Theo chia sẻ của người chú, bố mất sớm, mẹ nuôi ba con nhỏ nhưng N. rất mải chơi và suốt ngày rình rập ăn cắp khắp mọi nơi để lấy tiền. Tối 16/6, N. định ăn cắp một chiếc xe thì bị phát hiện. Công an phường Bình Hưng Hòa điện thoại về cho gia đình lên bảo lãnh. “Tôi thà đau xót bắt cháu làm vậy để nó biết xấu hổ mà thay đổi...”, người chú tên Kha nói. Sau khi biết tin, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, công an, hội phụ nữ phường đã đến khuyên gia đình đưa N. vào nhà, không nên phạt khiến trẻ thêm mặc cảm.
HỆ LỤY
Sau khi câu chuyện dạy con "lạ đời" của bà mẹ Mỹ Chiquita Hill được lan truyền trên mạng, nhiều người ủng hộ và khen ngợi cách dạy con của bà mẹ trẻ. Hill cho biết con trai mình đã thay đổi đáng kể từ sau lần áp dụng biện pháp "thiết quân luật" ấy. Giáo viên cũng vui mừng gọi điện đến báo cho gia đình rằng cậu bé đã cư xử tốt hơn rất nhiều so với trước đây và biết tôn trọng giáo viên cũng như bạn cùng lớp. Tuy nhiên không ít người lên án vì lo ngại nhiều hệ lụy về sau.
Lem Miller, trợ lý giám đốc sở cảnh sát Columbus cho rằng, có thể việc này hù dọa trẻ con rất tốt, nhưng cũng có thể làm tổn thương chúng và khiến chúng nghĩ xấu mỗi khi thấy cảnh sát trên đường.
Còn với câu chuyện của Oliver, Tiến sĩ John Coleman, nhà tâm lý trẻ em và là tác giả cuốn Vì sao con trẻ vị thành niên không nói chuyện với tôi nữa? (Why won't my teenager talk to me?) chia sẻ: "Một trong những cảm xúc của trẻ con mà ai trong chúng ta cũng biết là chúng không thích bị hạ thấp, chọc quê hoặc cười cợt chúng. Người lớn sử dụng quyền của mình để làm những điều này là không nên. Nếu người lớn phạt trẻ bằng cách cười nhạo, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy bị sỉ nhục".
Janey Downshire, đồng tác giả cuốn Giải mã tuổi vị thành niên (Teenagers translated) nói: "Chơi khăm trẻ như Oliver là điều không nên trong việc xây dựng sự tin tưởng giữa bố mẹ và con cái. Điều quan trọng là trẻ em cần được thấy cha mẹ như những hình tượng uy tín. Cũng không nên trừng phạt bé khi sự việc đã qua rồi. Điều này chỉ làm bé thêm bối rối khó hiểu về hành vi của bố, mà không nghĩ rằng đó là hệ quả của việc mình thiếu tôn trọng bố. Thay vào đó, Oliver có thể báo trước với bé, ví dụ như nếu con còn thiếu tôn trọng bố lần nữa, thì bố sẽ trét ớt vào quả táo của con. Như vậy, ít nhất trẻ sẽ có sự chọn lựa hành động của mình".
Ở các trường hợp tiếp theo, phụ huynh đã lạm dụng hình phạt sỉ nhục trẻ. Họ nghĩ rằng trẻ rất sợ bị xúc phạm, chửi mắng trước mặt đông người, nên làm như vậy trẻ sẽ chừa thói xấu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công, giảng viên tâm lý, ĐH Nguyễn Huệ cho biết trên báo SGGP: Rất ít người lường được khi bị xúc phạm trước mặt đông người, trẻ có tâm lý như bị đẩy đến đường cùng, rất dễ nghĩ đến hành động dại dột. Không ít trẻ có tâm lý sau khi bị phạt bằng cách sỉ nhục trước đông người thì càng trở nên lì lợm, chống đối hơn.
Nếu trẻ đã “lì đòn” thì thật sự đáng báo động, vì tâm lý bất cần đó khiến trẻ rất khó có thể giáo dục, dạy bảo thành người tốt. Do vậy, việc bêu riếu những lỗi lầm của trẻ trước mặt nhiều người là điều hết sức tối kỵ trong mối quan hệ giữa người và người, cũng như trong cách giáo dục trẻ. Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn và khi trẻ bị chính những người thân xúc phạm trước mặt mọi người, đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương. Có thể lúc bị phạt trẻ sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối. Đặc biệt, nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần, không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Vì thế, dù phạt hay la mắng trẻ, người lớn cũng phải lưu ý giữ thể diện cho trẻ.
N. Anh (tổng hợp)