- Những chuyện “bi hài” nhất ở huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) bây giờ không chỉ là chuyện một mảnh đất được cấp 4 sổ đỏ, cứ đào đất là thấy xăng  mà còn là chuyện cán bộ “gối đầu” án kỉ luật vẫn ứng cử và trúng cử Hội đồng nhân dân… như thường.

Làm xiếc với tiền tuất, tiền của người có công với cách mạng


Rất nhiều người dân ở huyện Hiệp Hòa còn nhớ được vẹn nguyên bản án số 23/2010/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Theo nội dung bản án này thì các cán bộ gồm Văn Hữu Năm trong thời gian làm cán bộ lao động thương binh xã hội xã Thường Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để thực hiện các hành vi phạm tội tham ô tài sản.

Từ tháng 1/1990 đến tháng 12/2006 lợi dụng việc trên địa bàn xã có nhiều đối tượng là thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong diện được hưởng trợ cấp xã hội đã chết và các đối tượng có tên trong danh sách chi trả mà không sống tại xã Thường Thắng. Văn Hữu Năm đã không làm thủ tục báo giảm và đề nghị thôi chi trả trợ cấp ưu đãi xã hội theo quy định với phòng Lao động Thương binh Xã hội mà hàng tháng vẫn ứng tiền của các đối tượng đó sau đó chỉ trả một phần nhỏ cho thân nhân người đã mất còn lại chiếm đoạt.

Ngoài ra y còn chiếm đoạt tiền tuất của nhiều người dân đã mất trong xã bằng cách hoãn thời gian, không khai tên người mất, lập hồ sơ hưởng tiền trợ cấp 1 lần...

Tổng số tiền chính sách theo bản án 23/2010/HSST mà Văn Hữu Năm chiếm đoạt là hơn 479 triệu đồng.

Ngoài ra trong bản án này còn đề cập đến một số cán bộ xã khác, có thông đồng với Năm. Đặc biệt là chủ tịch xã Văn Hữu Tứ, theo bản án thì vì thiếu trách nhiệm, tin tưởng kí giấy tờ cho em ruột là Năm đi lĩnh tiền và thực hiện nhiệm vụ, Tứ làm thiệt hại của nhà nước hơn 243 triệu đồng.

Đánh giá về tính chất của vụ án, thẩm phán xét xử cho rằng: Đây là một vụ án là nghiêm trọng, xâm hại đến lợi ích nhà nước, gây hoang mang về chính sách của nhà nước tại địa phương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, gây sự hoài nghi, thiếu tin tưởng trong dân.

“Án” kỉ luật mới, dân bất bình nhiều nhưng cán bộ vẫn thong dong ứng cử và trúng cử.
Các cán bộ liên đới vẫn ứng cử hội đồng nhân dân


Có thể nói bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nghiêm khắc xem xét tội và việc khắc phục hậu quả của các bị cáo Văn Hữu Năm và Văn Hữu Tứ để xử lý thích đáng. Tuy nhiên các cán bộ khác được đề cập trong bản án và có liên đới trong vụ việc “chẳng bị ảnh hưởng gì” khiến nhân dân địa phương bất bình.

Trong bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang có đặc biệt đề cập đến các đối tượng liên quan khác. Đó là ông Nguyễn Văn Nghiệp và Nguyễn Văn Năm là các cán bộ giữ chức vụ phó chủ tịch xã Thường Thắng, vào thời điểm phát hiện các hành vi tham ô, tham nhũng của chủ tịch xã Văn Hữu Tứ và cán bộ thương binh xã hội Văn Hữu Năm.

Theo như bản án này thì hai phó chủ tịch xã gồm Nguyễn Văn Nghiệp và Nguyễn Văn Năm có kí xác nhận vào bảng tổng hợp để Văn Hữu Năm quyết toán số tiền gây thất thoát gần 60 triệu đồng. Trong đó ông Nguyễn Văn Nghiệp làm thất thoát hơn 39 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Năm làm thất thoát gần 18 triệu đồng.

Bản án nhấn mạnh, hành vi của ông Nghiệp và Nguyễn Văn Năm có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xét thấy chưa đến mức phải xử lý hình sự. Ngày 2/9/2009 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang có công văn đề nghị Huyện ủy và UBND huyện Hiệp Hòa xử lý kỉ luật đối với những người này.

Điều đáng nói ở đây là vụ án xử xong ngày 26/5/2010 và án kỉ luật được đề nghị từ Cơ quan điều tra công an tỉnh (11/2009) tất cả còn mới toanh, cán bộ Nguyễn Văn Năm đã ứng cử hội đồng nhân dân trong tháng 5/2011 và “trúng cử” lạ thường?!

Cùng với câu chuyện nổi tiếng “một mảnh đất có 4 sổ đỏ”, cứ đào đất là thấy xăng thì chuyện của cán bộ Nguyễn Văn Năm là một chuyện oái oăm ở địa phương.

Lựa án kỉ luật để cán bộ còn đi ứng cử…?

Người dân bất bình gửi đơn đi nhiều nơi thắc mắc về chính sách cán bộ của huyện Hiệp Hòa.
Phóng viên báo VietNamNet về địa phương vào những ngày đầu tháng 6. Người dân như được mở lòng mở dạ, họ tâm sự rằng: Chuyện bản án trong xã ai ai cũng biết, bức xúc nhiều những ngày trước bầu cử thấy cán bộ Năm vẫn ứng cử, họ tìm gặp lãnh đạo địa phương nhưng “kêu chẳng thấu”. Chuyện đã rồi nay chỉ biết thuật lại với phóng viên.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Xuân Thảo (Trưởng phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa) cho biết: Ông Nguyễn Văn Năm có một chút sai phạm và đã bị xử lý kỉ luật bằng hình thức khiển trách. Thời gian vừa qua ông Năm có tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân cấp xã và đã trúng cử.

Việc ông Nguyễn Văn Năm có những sai phạm, bị kỉ luật nhưng hoạt động về mặt chính quyền hoàn toàn bình thường là do nhiệm kì của phó chủ tịch xã là từ 2004 đến 2011.

Một cán bộ địa phương đề nghị giấu tên cho biết, ông Nguyễn Văn Năm là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban thường vụ Huyện ủy huyện Hiệp Hòa, muốn được ứng cử, giữ chức vụ gì thì đều được giới thiệu bởi ban thường vụ huyện ủy.

Thắc mắc về một cán bộ có liên đới trong một vụ án lớn tại địa phương vẫn được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân được ông Nguyễn Văn Quảng (Phó trưởng ban tổ chức Huyện ủy huyện Hiệp Hòa) trả lời: Ông Nguyễn Văn Năm đã bị kỉ luật đảng tại xã Thường Thắng. Còn việc ông Năm ứng cử, trúng cử do một quá trình quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ tại địa phương.

Ông Quảng dẫn điều 40 của Điều lệ đảng viên- “Ðảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn”. Phải chăng, nó đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Văn Năm sau án kỉ luật đảng 1 năm nên vẫn được giới thiệu để tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân bình thường và hợp luật?

Thế nhưng hỏi về tiêu chí ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân đối với đảng viên ở riêng Hiệp Hòa: “Ông Nguyễn Văn Năm có phù hợp với tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân theo Luật bầu cử Hội đồng nhân dân, với điều kiện cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện cửa quyền, tham ô, tham nhũng…?” Thì cán bộ này không nói thêm.

Khi phóng viên hỏi nhiều thì ông Quảng lúng túng, cho rằng: Đó là việc của nội bộ Đảng, không thể cung cấp cho báo chí.

Người dân đi thắc mắc việc tín nhiệm và sử dụng cán bộ thì không được giải quyết. Dư luận thắc mắc thì cho là chuyện nội bộ. Vậy đâu mới là dân chủ giữa chính quyền với nhân dân ở Hiệp Hòa? Những chuyện đó người dân gọi thành tên là chuyện “oái oăm” tại địa phương phải chăng là hợp lý?
 
Hùng Sơn