Không phải tới khi đám tang Duy Nhân được cử hành, người ta mới cảm thấy bức xúc và khó chịu với những chuyện không hay ho xảy ra trong lúc tang gia bối rối.

Bi hài chuyện đám tang nghệ sĩ

Trước đây, trong mọi đám tang của những người nổi tiếng, gia đình luôn buộc phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối phó với những chuyện dở khóc, dở cười có thể sẽ xảy đến với người nghệ sĩ, ngay cả khi họ đã nằm yên nghỉ trong chiếc quan tài.

Nghệ sĩ càng nổi tiếng thì khi họ qua đời, số lượng người tò mò, hiếu kỳ tìm tới đám tang lại càng nhiều.

Một phần nhỏ tới để bày tỏ sự tiếc thương, tình cảm yêu quý đối với thần tượng, nhưng những người này chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Số đông còn lại đến đám tang với tâm trạng của những người đi xem náo nhiệt hay ... lễ hội, chứ không phải tới chia tay lần cuối cùng người nghệ sĩ.

 

{keywords}

Nghệ sĩ Hoài Linh phải vô cùng vất vả để len ra khỏi đám đông xin chữ ký.

Không khó để bắt gặp những đối tượng kiểu này trong đám ma của nghệ sĩ. Không chỉ là những cô, cậu bé tuổi teen, có cả những người đứng tuổi cũng hào hứng tham gia công cuộc ... góp vui với đám tang.

Họ đứng ngồi lộn xộn, chỉ trỏ, gọi tên từng ngôi sao tới việc, bàn tán xì xào chuyện họ ở ngoài đời xấu hay đẹp, thậm chí còn cuồng nhiệt vỗ tay khi có một ngôi sao lớn xuất hiện.

Dường như đôi khi họ quên bẵng mất việc đám ma không phải là một sự kiện hay show diễn, nên không ít người còn thản nhiên chạy lại xin chữ ký, xin chụp ảnh chung, hoặc khó tin hơn là yêu cầu xin ... đĩa CD ngay khi nghệ sĩ tới thắp hương lần cuối cho đồng nghiệp.

Trong đám tang của Wanbi Tuấn Anh, những người tới viếng chàng ca sĩ xấu số còn gặp những câu chuyện chẳng biết nên khóc hay cười.

Nhà Wanbi nằm trong một con hẻm nhỏ khá chật chội, không đủ chỗ để xe. Những người tới viếng anh lại quá nhiều, nên xe cộ buộc phải để ở ngoài, có người trông nom cẩn thận.

Dù vậy, vẫn có không ít cư dân "nhanh nhẹn" đã nắm bắt cơ hội để mở luôn dịch vụ trông xe, với giá cắt cổ dành cho  những người tới viếng.

 

{keywords}

Một bức hình ghi lại cảnh trẻ con hò hét khi thấy nhiều người nổi tiếng đến viếng Wanbi Tuấn Anh

Tệ hơn, họ rất nhiệt tình chào mời "cứ để xe đó cô/chú trông" mà không hề đả động tới tiền công và chỉ tới khi "khổ chủ" ra lấy xe mới ngã ngửa trước chi phí dành cho sự "nhiệt tình" đó.

Không chỉ vậy, lý do để họ đưa ra bao biện cho hành động của mình còn "đáng sợ" hơn cả chuyện chặt chém tiền bạc trong đám ma nghệ sĩ.

Một cô đứng tuổi còn chép miệng giải thích: "Chả mấy khi có ... nghệ sĩ chết, với cả tụi tui cũng bỏ công ra trông nom chứ đâu có phải lấy không tiền của các người?"

Khó tin hơn, còn có cả những "đạo chích" chuyên nghiệp trà trộn, lảng vảng trong đám ma nghệ sĩ.

Thường thường, những kẻ trộm này chỉ xuất hiện tại các sự kiện lớn, tụ tập đông người như đón sao ngoại tại sân bay, những show ca nhạc, giải trí lớn.

Tuy nhiên hiện tại, đám tang nghệ sĩ cũng được chúng đưa vào "lịch trình" hành nghề.

Đã có không ít người hâm mộ, phóng viên và thậm chí là cả người nhà nghệ sĩ đã trở thành nạn nhân của những tên "đạo chích" chuyên nghiệp, ngay trong chính đám tang.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những vị khách không mời đặc biệt cũng mang tới không ít sự khó chịu cho gia đình, nhất là trong cảnh tang gia bối rối.

Gia đình và người thân của Wanbi Tuấn Anh từng hết sức khó chịu khi một fan hâm mộ nữ lặng lẽ mang tới đặt trên quan tài anh một ... con mắt giả.

Chị gái của Duy Nhân thậm chí còn ngất xỉu khi một người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong đám tang của chàng siêu mẫu để kiếm chuyện và kiếm cớ đòi tiền.

Không chỉ ngoài đời thật, những vị khách vô duyên còn xuất hiện cả trên mạng xã hội, với vô số những câu chuyện bịa đặt không đầu cuối nhưng đầy mùi mẫn, cảm động về người quá cố, chỉ với mục đích ... câu views hoặc thu hút sự quan tâm.

Tất cả những điều đó đã góp phần tạo nên sự hỗn độn khó kiểm soát xung quanh tang lễ của người nổi tiếng - nơi mà sự đau buồn và bối rối gia đình phải chịu đã là quá đủ.

Văn hóa đám đông và đám tang nghệ sĩ

Thật ra, thói quen cư xử tệ hại trong đám tang của người nổi tiếng đã có từ rất lâu.

Trong đám tang của cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh, có tới hàng ngàn người tới viếng, nhưng trong số đó chỉ có một phần mười là người thân quen của anh, còn lại thì đều là ... người dân tò mò, hiếu kỳ muốn tới coi mặt người nổi tiếng.

Không chỉ khiến không gian buổi lễ thiếu đi sự trang trọng cần thiết, sự có mặt của những "vị khách" không mời này còn đem tới vô số sự phiền hà, khó chịu cho gia chủ và cả những người quen biết tới viếng thăm.

Đông Nhi thậm chí còn bị những "khách đám ma" trẻ tuổi níu kéo, xô đẩy suýt ngã khi tới viếng Wanbi Tuấn Anh, dù cô và Ông Cao Thắng đã cố gắng tới muộn để tránh những người hâm mộ xấu tính đang phục sẵn.

Mới đây, Hoài Linh còn nhận được những tràng vỗ tay đầy vô duyên của đám đông khi anh xuất hiện với gương mặt buồn bã tới viếng Duy Nhân.

Rất nhiều nghệ sĩ khác cũng phải "cúi gằm mặt" để đi, trước những ánh mắt soi mói và những bình luận khó tả của đám đông đang vây kín quanh quan tài nghệ sĩ.

Nếu không trang điểm, để mặt mộc tới nhìn đồng nghiệp lần cuối, lập tức họ sẽ bị nhận hàng tràng mỉa mai: "Ở ngoài nhìn thấy ghê luôn, chứ đâu có giống như trong ảnh!".

Còn nếu lỡ tay đánh chút son phấn lên mặt, hoặc vì vội vàng chưa kịp tẩy trang đã tới, họ sẽ nhận ngay lấy hàng đống "gạch đá" vì "điệu đà, làm quá, đi đám ma mà cũng lòe loẹt như đám cưới!".

Quả thật, bên cạnh nỗi buồn, những mất mát vì sự ra đi của đồng nghiệp, hẳn những người tới viếng đám ma còn mang theo về cả một nỗi buồn trĩu nặng đến từ cách cư xử của những người được gọi chung với cái tên "khán giả".

Theo Trí thức trẻ