Mới đây, ngày 4/1, Công an TP Hà Nội cho biết, vừa bắt khẩn cấp Kiều Văn Tiến (SN 1995, trú tại Long Biên, Hà Nội) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Căn cứ vào lời khai, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an xác định, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, vào tháng 5/2021, Kiều Văn Tiến (khi đó là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tâm thần) tự ý trốn ra ngoài, điều hành “đàn em” cho vay lãi nặng tại quận Long Biên; huyện Gia Lâm (Hà Nội) và TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
Điểm lại những trường hợp phạm tội và có bệnh án tâm thần hay từ bệnh viện tâm thần vẫn chỉ đạo gây án cũng không hiếm.
Hồi tháng 6/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”, SN 1986, ở Hai Bà Trưng) và đồng phạm ra xét xử phúc thẩm tội Cố ý gây thương tích.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 23h30 ngày 27/10/2017, Tùng cùng nhóm bạn đến quán bar trên phố Hàng Tre (Hà Nội) ngồi uống rượu, nghe nhạc.
Đến 1h30 hôm sau, lúc ra về, Tùng gặp anh Đỗ Hoàng Hiệp (SN 1989, ở Hoàng Mai) cùng nhóm bạn. Do mâu thuẫn với nhau từ trước, bị cáo nảy sinh ý định trả thù nhóm anh Hiệp. Người này kiếm con dao quắm, phục sẵn ở khu vực bảo vệ trông xe.
Vụ "loạn đả" xảy ra khi nhóm của Tùng dùng gậy gỗ, tuýp sắt, chai bia dồn đuổi nhóm của Hiệp chạy về phía phố Nguyễn Hữu Huân. Anh Hiệp bị Tùng truy đuổi, dùng dao quắm chém một nhát vào đầu, tổn hại sức khỏe 47%.
Đến ngày 19/1/2018, Tùng bị công an bắt theo quyết định truy nã. Tại CQĐT, "đại ca" Hà Thành tỏ thái độ bất hợp tác, không thừa nhận hành vi phạm tội và khai về việc bị bệnh tâm thần, có bệnh án tại Bệnh viện Tâm thần TƯ 1.
Kết quả điều tra cho thấy, thông qua một người phụ nữ (chưa xác định), Tùng được đưa đến BV Tâm thần TƯ 1 gặp Nguyễn Tuấn Sơn (nhân viên Khoa dinh dưỡng) để làm giả bệnh án tâm thần với giá 85 triệu đồng.
Sau đó "đại ca" Hà Thành này được đưa vào viện làm thủ tục điều trị nội trú, nhưng không ở lại mà chỉ khi có đoàn kiểm tra, anh ta mới vào nằm...
Tuy nhiên "màn diễn" của Tùng đã bị CQĐT lật tẩy. Kèm theo đó, Tùng bị khởi tố thêm tội Đưa hối lộ. Những người giúp "đại ca" Hà Thành làm giả bệnh án tâm thần cũng bị khởi tố, đưa ra xét xử về các tội Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ.
Bản án sơ thẩm cho rằng, hành vi của Tùng và đồng phạm rất nguy hiểm, thể hiện sự coi thường sức khỏe người khác, gây mất trật tự an toàn xã hội. Các bị cáo đều là những người có nhân thân xấu, có nhiều tiền án.
HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của Tùng, chấp nhận kháng cáo đòi tăng hình phạt của bị hại. HĐXX quyết định tăng mức án của bị cáo Tùng lên thành 7 năm 9 tháng tù.
Đại ca nằm viện tâm thần, chỉ đạo đàn em gây tội
Trong một diễn biến khác, vào ngày 31/5/2021, Công an Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi do Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng ốt) cầm đầu.
Các đối tượng bị bắt giữ, trong đó có đối tượng Nguyễn Việt Dũng cũng có bệnh án tâm thần |
CQĐT xác định, Dũng là bị can trong vụ án giết người xảy ra năm 2011 trên địa bàn quận Cầu Giấy. Sau khi gây án, trong thời gian bỏ trốn, Dũng làm bệnh án tâm thần.
Từ năm 2014, mặc dù bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), Dũng vẫn thường xuyên chỉ đạo đàn em hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Dũng thường xuyên tập hợp đàn em lấn chiếm các khu đất trống sát với các dự án xây dựng, dựng lán để trông giữ xe, buôn bán vật liệu xây dựng, tổ chức đánh bạc, chốt sổ công nợ, thu tiền "họ" hàng ngày.
Cuối tháng 5/2021, khi triệt phá băng ổ nhóm này, Phòng Cảnh sát hình sự đã thu giữ hàng chục dao kiếm, vũ khí thô sơ các loại.
Hàng trăm tài liệu giấy tờ, sổ sách liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng cũng như bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng của nhóm này cũng bị thu giữ.
Phòng Cảnh sát hình sự còn phong tỏa hơn 300 triệu đồng trong tài khoản của các đối tượng. Ngoài ra, nhiều két sắt, bảng thống kê hơn 500 khách vay nợ nặng lãi của đường dây này cũng bị thu giữ.
Liên quan đến vụ việc Lê Thanh Tùng bỏ 85 triệu đồng ra “chạy” bệnh án tâm thần, Công an Hà Nội cho rằng, hành vi của những cán bộ tiếp tay cho kẻ tội phạm trốn tội là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, hành vi này còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc bị xử lý, gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử, gây nguy hại cho xã hội, bức xúc trong dư luận xã hội.
T.Nhung
Hy hữu chuyện 'nữ quái' 4 lần đi chữa bệnh tâm thần, 9 lần phạm tội
Hồ sơ phạm tội của Nguyễn Thị Bình (Hà Nội) thể hiện, “nữ quái” này đã 4 lần bị bắt buộc đưa đi chữa bệnh tâm thần và 8 lần phạm tội.