Đón Tết dân gian ở Bảo tàng dân tộc học
Từ mùng 6 đến mùng 7 Tết (tức ngày 28, 29/1 Dương lịch) Bảo tàng dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức Hội Vui Xuân Tết Nhâm Thìn 2012 với những hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam.
Teen hào hứng tham gia các trò chơi dân gian tại bảo tàng dân tộc học. (Ảnh Tiền Phong) |
Trẻ em đến chơi xuân có cơ hội làm nhiều loại đồ chơi dân gian như nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp, tô vẽ 12 con giáp bằng gốm,…
Năm nay, lần đầu tiên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, teen có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa cổ truyền của vùng đất tổ Phú Thọ như: bắt chạch trong chum, làm bánh tai, múa hát, đi cà kheo, thả đũa vào chai của người Cao Lan.
Đặc biệt có hát xoan do phường xoan làng An Thái (Phú Thọ) sẽ trình diễn điệu “trống quân” rộn ràng, điệu “bỏ bộ”, “chèo thuyền”… và đặc biệt là điệu “đúm” đối đáp rất sôi động và lôi cuốn giữa trai làng với các đào xoan...
Hát xoan là loại hình hát kết hợp múa, gắn với tục thờ cúng thần - tháng 11/2011 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Các chàng trai cô gái người Cao Lan đến từ làng Ngọc Tân (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) góp vui bằng múa xúc tép, múa chim câu, múa trống, đồng thời họ còn đem tới một trò vui thử tài khéo léo là đi cà kheo bỏ đũa vào chai.
Bên cạnh đó, hàng chục người từ các tộc người Tày, Mường,..sẽ biểu diễn những giai điệu âm nhạc mừng năm mới, cầu an, cầu mùa. Một số làng quê Việt sẽ biểu diễn múa rối nước, nghệ thuật thư pháp, in tranh Đông Hồ. Teen cũng có thể tự in bức tranh mình thích.
Teen cũng sẽ được tìm hiểu cách làm bánh tai - một đặc sản của vùng Phú Thọ - cũng như bánh bác và bánh cuốn của vùng Đan Phượng (Hà Nội).
Hương vị ẩm thực Tày xứ Lạng sẽ do người Tày đến từ Lạng Sơn chế tác, như: lợn quay, xôi màu, cơm lam, bánh sừng bò, bánh phồng, bánh chưng Tày.
Dạo Bờ Hồ ngắm đèn, ngắm pháo hoa
Những con đường khu vực Hồ Gươm chắc chắn sẽ là địa điểm không thể bỏ qua để teen chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh sáng và tha hồ chụp ảnh. Năm nay, đồng loạt bốn tuyến đường ở quanh hồ được trang hoàng bởi những chùm đèn đầy màu sắc. Ngoài ra còn có hoa đào, hoa mai, đồng hồ đếm ngược.
Ra Bờ Hồ hoà vào dòng người xem bắn pháo hoa đêm giao thừa đã trở thành nét văn hoá đặc trưng của Tết người Tràng An. |
Năm nào cũng vậy, ra Bờ Hồ hoà vào dòng người xem bắn pháo hoa đêm giao thừa đã trở thành nét văn hoá đặc trưng của Tết người Hà thành. Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, những con đường quanh hồ Gươm luôn chật kín người. Để có được địa điểm ngắm pháo hoa lý tưởng, teen phải chịu khó đi thật sớm. Thậm chí có những người phải đặt chỗ trước ở các nhà hàng ăn uống xung quanh Bờ Hồ.
“Vui chơi Tết, đón Lộc xuân” ở công viên Hồ Tây
Công viên nước Hồ Tây sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật trong suốt 7 ngày Tết từ mùng 1 đến mùng 7 (tức ngày 23/1-29/1 Dương lịch).
Sự chuẩn bị kỹ càng của công viên Hồ Tây hứa hẹn đem đến cho teen những trò chơi sôi động. (Ảnh 24h). |
Các em nhỏ và các bạn trẻ sẽ thực sự thấy hào hứng khi được giao lưu cùng những chú hoạt hình: Vịt Donald, Chuột Mickey, Heo mập, Gấu Pooh, Mèo Sonic… ngộ nghĩnh trong những điệu nhảy Hiphop sôi động.
Công viên Hồ Tây luôn là điểm đến thân thuộc của teen Hà thành trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Đến rạp xem phim Tết
Các rạp chiếu phim ở Hà Nội như Megastar Vincom, Platinum Cineplex (BigC The Garden), Trung tâm chiếu phim Quốc gia, rạp Ngọc Khánh, rạp Tháng Tám,…đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ teen trong những ngày Tết.
Lời nguyền huyết ngải - bộ phim Tết được nhiều teen mong đợi. |
Phim Việt trình làng năm nay bao gồm các thể loại phim hài, phim tình cảm, phim kinh dị và cả phim võ hiệp, sự phản ánh và phương thức tư duy của các nhà làm phim đa dạng hơn so với những năm trước, có thêm những chiêu thức mới lạ nhằm cuốn hút khán giả.
Kim Minh