Nghiên cứu do International SOS, một đơn vị Quản lý Rủi ro An ninh và Y tế Quốc tế công bố cho thấy những điểm đến được dự báo là nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2022 là Afghanistan, kế đến là Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Iraq.
Bảng xếp hạng dựa trên đánh giá các quốc gia từ rủi ro thấp đến cực đoan, bên cạnh các mối đe dọa như bạo lực chính trị, bất ổn xã hội, chăm sóc sức khỏe và tác động của đại dịch và các nhóm tội phạm nhỏ.
Năm nay, "đánh giá rủi ro" thường niên cũng bao gồm các rủi ro liên quan tới đại dịch Covid-19, bao gồm những gián đoạn về đi lại và sức khỏe tâm thần.
Chiến tranh và bất ổn chính trị kéo dài khiến Afghanistan luôn là điểm đến nguy hiểm nhất của thế giới. Ảnh: UN News |
Afghanistan có mức độ "rủi ro cực đoan" cao nhất về an ninh cũng như mức độ "kiểm soát của chính phủ, luật pháp và trật tự xã hội gần như không tồn tại", bên cạnh "nguy cơ rất cao đối với chăm sóc sức khỏe cộng đồng".
Trong khi đó, những điểm đến an toàn nhất thế giới đều tập trung ở Châu Âu. Đứng đầu danh sách là Na Uy. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Phần Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxembourg.
Na Uy là quốc gia an toàn nhất thế giới theo International SOS. Ảnh: Norway.org |
Vương quốc Anh cũng được coi là một điểm đến có mức rủi ro thấp về cả an ninh và y tế. Tuy nhiên, những hoạt động trong nước liên quan tới Covid-19 ở Anh lại bị đánh giá ở mức rủi ro trung bình.
Tiến sĩ Neil Nerwich, Giám đốc Y tế của Tập đoàn International SOS cho biết “Trong năm 2022, thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn tới môi trường. Bước sang năm thứ ba của đại dịch, bên cạnh sự lây lan của COVID-19, bụi phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân cũng là những tác nhân gây gián đoạn lớn cùng những rủi ro khác đang hiện hữu khi các chuyến du lịch được nối lại".
Ông cũng cho biết nhiều chính phủ và hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải đối mặt với "sự căng thẳng gia tăng" do Covid-19 dẫn đến nhiều vấn đề hơn.
Các dự đoán về rủi ro năm 2022 bao gồm các vấn đề liền quan đến sức khỏe tâm thần do Covid-19 kéo dài, cũng như các hoạt động tiếp tục bị gián đoạn do đại dịch, mặc dù dự đoán những rủi ro này sẽ dần trở nên ổn định vào năm 2023.
Biến đổi khí hậu và biến động địa chính trị cũng được cảnh báo có nguy cơ tồi tệ hơn thời kỳ tiền đại dịch và sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn cầu.
Nghiên cứu năm 2020 của SOS quốc tế chỉ ra Mali là điểm đến nguy hiểm nhất, trong khi Afganistan xếp ở vị trí thứ chín.
Đức và Áo là hai quốc gia xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất thế giới. Ảnh: AP |
Và một nghiên cứu khác cho thấy Tokyo, Singapore và Osaka là những thành phố an toàn nhất trên thế giới. Trong khi, Đức và Áo là hai quốc gia xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất.
Đỗ An (Theo The Sun)