Ảnh minh họa |
Sinh viên lao đao vì giá phòng trọ tăng
Tại TP.HCM, giá một phòng trọ dao động từ 1-3,5 triệu đồng/ tháng, diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 8-12m2. Tại làng ĐHQG TP.HCM năm nay nhiều dãy nhà trọ bị giải tỏa khiến các chủ trọ khác “ém phòng” đợi tân sinh viên lên để nâng giá.
Giá phòng cao nhưng phần lớn nhà trọ tạm bợ, chật chội, ẩm thấp do cung không đủ cầu nên các chủ trọ tha hồ hét giá trên trời khiến sinh viên lao đao.
Báo Công an Nhân dân cho biết, khảo sát nhiều dãy trọ quanh khu vực các trường đại học, hầu hết các nơi đã dán bảng hết phòng hoặc chỉ tìm người ở ghép. Mức giá phòng, điện, nước năm nay tăng khoảng 20-40% so với năm trước. Những nhà trọ được xem là đắt đỏ nhất phải kể đến khu vực gần trường. Nếu trước đây các dãy trọ gần Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn cơ sở 2 có giá trung bình khoảng 700 – 800 ngàn đồng/phòng cho 2 người thì nay tăng từ 900 – 1,5 triệu đồng. Những phòng có diện tích chưa đến 16m2 gần Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cơ sở 2 đều bị các chủ trọ “treo” giá ngất ngưởng: từ 1,2 triệu đối với phòng không có gác, 2 - 3 triệu đồng đối với phòng có gác.
Quá tải trường côngNăm học 2012-2013 xu hướng phụ huynh cho con học trường công nhiều hơn đáng kể do cơ sở vật chất các trường này cũng khá tốt cộng với mức học phí hợp lý, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn về tài chính như hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng này dẫn tới sĩ số ở các lớp học của nhiều trường công quá lớn, khiến phụ huynh không khỏi lo lắng.
Một phụ huynh khác cho biết: “Năm ngoái, lớp con tôi chỉ hơn 50 cháu đã đông lắm rồi, năm nay có tới hơn 60 cháu. Sĩ số tăng, nhà trường lại chuyển lớp sang học phòng bé hơn, khiến các cháu ít có không gian vui chơi”.
Theo Điều lệ trường mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành có quy định: mỗi lớp mầm non công lập đảm bảo tối đa 35 trẻ/lớp/2 giáo viên và cứ thêm 10 trẻ thì phải bổ sung thêm một giáo viên. Diện tích lớp học cho mỗi trẻ phải đạt từ 1,5-1,8m2/trẻ. Theo điều lệ này, rất ít trường mầm non công lập ở Hà Nội đáp ứng được tiêu chuẩn khi sĩ số các lớp ở nội thành chủ yếu dao động từ 50-70 trẻ - gần gấp đối so với quy định.
Lạm thu
Báo Tuổi trẻ phản ánh, từ nhiều năm nay đã tồn tại một nghịch lý học phí thấp nhưng phụ phí cao, phụ huynh vẫn phải đóng hàng chục khoản tiền từ bắt buộc đến tự nguyện.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường phải thông báo, niêm yết công khai và có căn cứ về pháp lý về các khoản thu đầu năm học.
Báo Pháp luật TP.HCM cho biết Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đang cùng Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng danh mục các khoản thu khác ngoài học phí trong trường học. Danh mục này sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vào đầu năm học 2012-2013 để người dân biết và cùng giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng thu nhiều, thu sai.
Học thêm, dạy thêm – “bình mới rượu cũ”
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phổ thông không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường THCS, THPT ở TP.HCM đều có dạy tăng tiết với nhiều hình thức khác nhau.
Báo Tuổi trẻ phản ánh, để “lách luật”, nhiều trường THPT đã xin phép thành lập trung tâm văn hóa ngoài giờ của trường với tính chất “bình mới rượu cũ”: đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất đều là của trường. Trung tâm đảm nhận việc dạy tăng tiết cho HS với mức học phí cao hơn gấp nhiều lần so với học phí chính khóa.
Trả lời báo Thanh niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng “quan trọng là địa phương phải chủ động và thực sự quyết tâm”, chứ Bộ không phải là cơ quan quản lý trên địa bàn về hoạt động GD-ĐT.
Phân loại mô hình trường học
Nhiều phụ huynh tin vào quảng cáo của các trường cộng với suy nghĩ “tiền
nào của nấy” đã sẵn sàng chi những khoản tiền lên tới hàng trăm triệu
với hi vọng con mình được học ở một môi trường vượt trội. Ảnh minh họa |
Trong một bài viết mới đây, báo Tiền phong phản ánh hiện tại các cơ quan chức năng chưa xác định được tên gọi từng mô hình trường cũng như định nghĩa kèm theo mô hình đó nên dẫn đến việc phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc chọn trường cho con. Điều này cũng tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tự gắn cho mình những cái mác cao cấp như “trường chất lượng cao”, “trường quốc tế”, “trường song ngữ”… và tự đưa ra những mức học phí không tương xứng với chất lượng đào tạo của trường.
Theo ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay Sở đã có dự thảo tiêu chuẩn đánh giá giáo dục chất lượng cao trình UBND thành phố, mỗi bậc học sẽ có tiêu chuẩn riêng, mỗi tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí khác nhau.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, dù Bộ GD-ĐT chưa có quy định về trường chất lượng cao nhưng sắp tới thành phố cũng sẽ ban hành quy định tạm thời.
TP.HCM thiếu giáo viên nghiêm trọng
Theo Tuổi trẻ, năm học tới TP.HCM có 23 ngôi trường mới, thêm 1.500 phòng được đưa vào sử dụng, tuy nhiên, thành phố vẫn thiếu hơn 400 giáo viên, đặc biệt thiếu ở bậc mầm non. Giải pháp trước mắt, nhiều quận huyện đưa giáo viên THCS xuống dạy tiểu học.
Theo báo Người Lao động, lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT khẳng định rằng số giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm, có hộ khẩu TP.HCM không thể nào đáp ứng nhu cầu tuyển hơn 4.000 GV cho năm học 2012-2013 của TP này. Một số trường mầm non mới xây dựng chưa được sử dụng hết công suất do thiếu giáo viên.
Các loại phí đồng loạt tăng
Theo phản ánh của các báo Tuổi trẻ, Pháp luật TP.HCM, Sinh viên Việt Nam, năm học tới đây nhiều trường từ cấp mầm non tới đại học đồng loạt tăng các loại phí, từ tiền ăn, tiền đồng phục tới học phí.
Một số trường từ cấp mầm non tới phổ thông ở TP.HCM tăng mức tiền ăn từ 5-15%. Mức thu phổ biến hiện này của các trường tư đang là 40-45.000 đồng/ ngày, trong khi các trường công chật vật với mức thu trên dưới 30.000 đồng/ ngày.
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin nhiều trường phổ thông tăng học phí từ 20-30%, đặc biệt là trường công lập, cá biệt có những trường tăng gần 100% học phí. Ở bậc đại học, cao đẳng, nhiều trường ngoài công lập thu những mức học phí khủng như ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Sài Gòn…
- Nguyễn Thảo (Tổng hợp)