Trong danh sách trên, có nhiều cái tên rất nổi tiếng như ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Trung Nguyên; ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse; ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Điện Quang, cùng sinh năm 1971…

Bên cạnh đó, những doanh nhân thành đạt tuổi Hợi không thể không kể đến: Bà Lê Thị Băng Tâm (1947) - Chủ tịch HDBank; ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT; ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons; bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tân Tạo; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco (cùng sinh năm 1959)...

Theo các chuyên gia phong thủy, người tuổi Hợi vốn mang nhiều phúc khí, gặp được nhiều may mắn và có khát vọng lớn về sự giàu sang, phú quý. Thành công đến với họ không quá khó khăn nhưng cũng không quá nhanh mà từ từ từng bước vững chắc. Với người tuổi Hợi, trở nên thành đạt, giàu có nhìn chung có phần thuận lợi hơn một số con giáp khác.

Bà Lê Thị Băng Tâm (1947, Đinh Hợi)

{keywords}
Bà Lê Thị Băng Tâm

Bà Băng Tâm từng công tác nhiều năm liền trên cương vị giảng viên của trường Trường ĐH Tài chính kế toán Hà Nội. Năm 1974 bà về Bộ Tài chính làm cán bộ, Phó trưởng phòng Vụ cân đối tài chính.

Với trình độ tiến sĩ kinh tế trường ĐH Kinh tế tài chính Leningrat (Liên Xô) và có chứng chỉ tài chính quốc tế của trường Noth University London (Anh Quốc), bà Lê Thị Băng Tâm còn giữ nhiều cương vị quan trọng như Phó cục trưởng, Cục trưởng, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước khi làm Thành viên HĐQT rồi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank).

Năm 2017, tại Đại hội cổ đông của Công ty CP Sữa (Vinamilk), bà được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay bà Mai Kiều Liên.

{keywords}
Những doanh nhân nổi tiếng tuổi Kỷ Hợi. Từ trái qua phải, trên xuống dưới: Bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Vũ Văn Tiền, ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Bá Dương.

Ông Trương Gia Bình (1959, Kỷ Hợi)

Ông Trương Gia Bình được biết đến là một trong những đại gia đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi FPT lên sàn vào cuối năm 2006.

Hiện tại, ông vẫn đang là Chủ tịch HĐQT tại công ty có vốn hoá thị trường gần 26.000 tỷ đồng này, ông Trương Gia Bình là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 43,2 triệu cổ phiếu FPT, chiếm tỷ lệ 7,05% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Bá Dương (1959, Kỷ Hợi)

Năm 2002, ông Nguyễn Bá Dương đã sáng lập Xí nghiệp xây dựng Cotec. Năm 2004, công ty được cổ phần hoá và đổi tên thành Coteccons với vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng.

Hiện tại, Coteccons đã một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu cả nước. Tổng tài sản của công ty đạt gần 16.000 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 27.000 tỷ đồng năm 2017, lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Dương hiện sở hữu trên 3,8 triệu cổ phiếu CTD, chiếm 4,9% vốn điều lệ Coteccons, trị giá khoảng 613 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (1959, Kỷ Hợi)

Bà Hoàng Yến từng là một trong nữ doanh nhân nổi tiếng, 3 năm liền xuất hiện trong danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (2008 - 2010). Bà thành lập nên Tân Tạo từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này kể từ năm 1996 tới nay.

Ông Vũ Văn Tiền (1959, Kỷ Hợi)

Sau gần 10 năm làm việc tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp, đến năm 1992, ông Vũ Văn Tiền đã thành lập Tập đoàn Geleximco. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép xuất nhập khẩu trực tiếp.

Tập đoàn này nổi danh với những dự án như KĐT mới dầu khí - Geleximco, tổng vốn đầu tư 10.322 tỷ đồng; dự án Cống hoá Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng (1.016 tỷ đồng); KĐT mới Lê Trọng Tấn (3.000 tỷ đồng)…

{keywords}
Những doanh nhân nổi tiếng tuổi Tân Hợi. Từ trái qua phải, trên xuống dưới: Ông Nguyễn Xuân Phú, ông Hồ Quỳnh Hưng, ông Tô Như Toàn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (1971, Tân Hợi)

Ông Vũ được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là Vua cà phê Việt Nam. Ông được ca ngợi là nhân vật "từ vô danh đến anh hùng" (zero to hero) bởi câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân này chỉ từ chiếc xe đạp cọc cạch.

Nhưng với niềm tin và ý chí mãnh liệt của tuổi trẻ cùng khát vọng xây dựng một thương hiệu cà phê nổi tiếng, Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa hương vị cà phê Việt Nam lan toả khắp thế giới.

Ông Tô Như Toàn (1971, Tân Hợi)

Với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Invest, ông Tô Như Toàn đang sở hữu 40 triệu cổ phiếu công ty. Giá trị tài sản của ông Tô Như Toàn tại Văn Phú vào khoảng 1.694 tỷ đồng, là một trong những đại gia nghìn tỷ trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Toàn vốn là 1 kiến trúc sư và khá kín tiếng trong giới kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Phú (1971, Tân Hợi)

Là Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú được biết đến nhiều hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. Từng khởi nghiệp khi trong tay chỉ có 50 triệu đồng, nhưng sau 17 năm ông Phú nhanh chóng lọt vào danh sách người giàu và nắm trong tay doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng nằm trong top 5 của thị trường.

Ngoài mảng đồ gia dụng, công ty của ông Phú còn tham gia đầu tư tài chính, cổ phiếu và khởi nghiệp. Không tiết lộ chi tiết về các chỉ tiêu tài chính, nhưng báo cáo của công ty cho thấy doanh thu Sunhouse dao động quanh mức 1.500 - 2.000 tỷ đồng.

Ông Hồ Quỳnh Hưng (1971, Tân Hợi)

Ông Hồ Quỳnh Hưng đang "chèo lái" Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang vượt qua những khó khăn khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệu. Hiện, ông nắm giữ 2,5 triệu cổ phần DQC, tương đương giá trị trên 69 tỷ đồng, chiếm 8,06% cổ phần. Ngoài điều hành Điện Quang, ông Hưng còn là Ủy viên Ban chấp hành VCCI.

(Theo Kinh tế Đô thị)