Anh P.M.T (31 tuổi, ở Hà Nội) có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian gần đây khiến bé phải làm quen với việc học trực tuyến. Anh T cho biết, gia đình trở nên bối rối bởi không có kiến thức tương tác và can thiệp cho trẻ đúng cách.

“Nếu như trước đây có thể đưa con đến trung tâm và có sự hỗ trợ của giáo viên đến tận nhà, thì khi giãn cách xã hội, gia đình phải “tự lực cánh sinh” trong việc giao lưu với con. Mặc dù sẵn sàng chi tiền để giúp con tiến bộ, mời giáo viên về tận nhà can thiệp nhưng việc đi lại giữa các chốt cũng là một vấn đề”, anh T chia sẻ.

Ở nhà quá lâu cùng áp lực khi học trực tuyến cũng khiến trẻ gặp vấn đề tâm lý. Các vấn đề cảm xúc và tâm lý biểu hiện rõ ràng hơn với nhiều hành vi không phù hợp khi nếp sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn.

Cô Trịnh Thị Quỳnh Liên (Hà Nội), giáo viên có hơn 5 năm làm việc trong mảng giáo dục đặc biệt tâm sự, khi giãn cách xã hội, việc can thiệp cho trẻ “đã khó còn khó hơn”.

“Bình thường, can thiệp cho các con đã là một thách thức lớn đối với thầy cô, yêu cầu sự kiên nhẫn và bền bỉ từ ngày này sang ngày khác thì giờ đây, thách thức đó được đặt lên vai của các bố mẹ. Việc hướng dẫn bố mẹ các kiến thức chuyên môn là một khó khăn không nhỏ bởi phụ huynh không có hình mẫu để so sánh, đối chiếu, lý thuyết đưa ra vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết. Giáo viên hoang mang, bố mẹ loay hoay còn trẻ thì bối rối và áp lực”, cô Liên nói.

Nhiều trường hợp, sự tiến bộ của trẻ tiến vào trạng thái “đóng băng” hay tệ hơn, quay trở lại con số không.

{keywords}
Lớp học của trẻ tự kỷ tại trung tâm, khi chưa có dịch Covid-19

Theo các chuyên gia giáo dục, trong giai đoạn chăm sóc trẻ đặc biệt tại nhà, cha mẹ cần bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lý, giúp con duy trì các thói quen tốt và giữ tâm lý ổn định. Đồng thời, tự trang bị thêm các kiến thức cần thiết từ nguồn tham khảo chính thống, đáng tin cậy để hướng dẫn con.

Ngoài ra, có thể áp dụng các ứng dụng điện tử chăm sóc trẻ như ứng dụng A365 (ứng dụng tập trung vào nhóm đối tượng trẻ có rối loạn phát triển bằng cách cung cấp cho phụ huynh, giáo viên và cán bộ y tế hệ thống gần 200 video hướng dẫn can thiệp tại nhà cho trẻ).

A365 là ứng dụng miễn phí, được Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế và Mạng lưới tự kỷ Việt Nam phát triển từ năm 2014.

Bộ công cụ ASQ3 và M-CHAT sử dụng trong A365 đã được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt. Hiện có hơn 112.000 trẻ em trên 63 tỉnh thành được làm sàng lọc trên A365 và gần 6.000 phụ huynh sử dụng A365 để hỗ trợ can thiệp cho con.

Quỳnh Anh

Ban nhạc đặc biệt của 6 chàng trai tự kỷ

Ban nhạc đặc biệt của 6 chàng trai tự kỷ

6 cậu bé là 6 gam màu khác nhau về đặc điểm, tính cách. Họ gắn kết lại trở thành một nhóm nhạc, truyền đi cảm hứng tốt đẹp về người tự kỷ.