Ô tô là một cỗ máy với hàng vạn chi tiết, nó cũng dễ bị xuống cấp và hỏng hóc theo thời gian. Ảnh: Ô tô Hui |
Thông thường các hãng khuyến cáo bảo dưỡng lớn và thay thế nhiều phụ tùng ở giai đoạn 8 van-10 vạn km( hoặc tương đương với 5-7 năm) . Từ giai đoạn này, chiếc xe có thể có nhiều lỗi vì bắt đầu lão hoá, xộc xệch.
Do đó, mốc 7 năm thường được cho là ô tô có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mặt khác, sau 7 năm các bộ phận mới - cũ không đồng bộ với nhau nữa, do vậy chiếc xe cần phải có chế độ chăm sóc khác so với lúc mới.
Dưới đây là một số lỗi thường gặp của hầu hết các dòng xe cũ đã sử dụng trên 7 năm:
1. Lỗi động cơ:
Lỗi động cơ là bệnh khá thường gặp đối với các dòng xe cũ, thường được chiếc xe tự phát hiện và báo đến người lái qua đèn “Check engine” trên bảng tap-lô.
Nhiều trường hợp, đèn báo lỗi động cơ phát sáng nhưng xe vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên các chuyên gia về ô tô cho rằng, khi có đèn báo thì chủ xe buộc phải cho xe vào gara để kiểm tra, nhiều khả năng một (hoặc vài) bộ phận nào đó liên quan đến động cơ đang gặp vấn đề.
Đèn “Check engine” hay còn được gọi là đèn “cá vàng” nổi lên khi động cơ đang gặp phải một lỗi gì đó liên quan đến động cơ. |
Có rất nhiều nguyên nhân với các mức độ khác nhau dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ sáng như: Hỏng dây cao áp, bộ chia điện; hỏng bu-gi; hỏng cảm biến đo gió, cảm biến ô-xy; hỏng van hằng nhiệt; hỏng bộ lọc khí thải,…
Đối với các xe đã sử dụng trên 7 năm, lỗi có thể đến từ bất cứ đâu. Nếu như hỏng hóc đến từ bộ phận cấp điện như dây cao áp, bu-gi thì chiếc xe sẽ có hiện tượng như khó khởi động, máy yếu, bỏ máy, xe rung giật,…
Nếu lỗi đến từ các bộ phận khác thì có thể làm cho bộ điều khiển tính toán sai, khiến động cơ làm việc không hiệu quả, tốn nhiên liệu.
Để khắc phục, thợ sửa xe có thể dùng máy đọc để phát hiện chính xác mã lỗi, từ đó có phương án sửa chữa phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên rằng, kể cả khi đã phát hiện ra một bộ phận gặp trục trặc, chủ xe cũng nên kiểm tra, vệ sinh và thay thế các bộ phận khác đã xuống cấp theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
2. Hộp số không trơn tru
Giống như hầu hết các bộ phận trên xe, bộ phận hộp số khi sử dụng thường xuyên sẽ trở nên xuống cấp, không được trơn tru, êm ái. Nếu tình trạng này để quá lâu có thể dẫn tới lỗi, hỏng hộp số.
Đối với những xe phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt như trọng tải lớn, chạy liên tục, đường sá gập ghềnh hiểm trở,.. sẽ đẩy nhanh hơn sự xuống cấp của các chi tiết bên trong hộp số.
Để giảm bớt cặn bẩn, sự ăn mòn và gia tăng nhiệt độ trong hộp số, phải cần đến dầu bôi trơn đặc thù nhằm làm mát cũng như giảm ma sát cho những bề mặt tiếp xúc.
Với hộp số tự động, nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo dành cho hộp số này thay mới dầu bôi trơn khi xe chạm mốc khoảng 150.000 km. Còn đối với số sàn thì nên thay dầu hộp số ở ngưỡng 100.000 km.
Dầu hộp số cần được thay định kỳ và đúng chủng loại |
Nhưng xét về điều kiện đi lại đặc thù ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là quá nhiều. Nên thay dầu hộp số tự động khi chiếc xe lăn bánh được khoảng 100.000 km và với khoảng 60.000 km đối với số sàn.
Với quãng đường như vậy, đa số ô tô cũ đã sử dụng được trên 7 năm đều buộc phải thay dầu hộp số này. Việc thay loại dầu này đúng hoặc trước thời gian khuyến cáo sẽ giúp tăng độ bền và phòng tránh các hư hỏng đáng tiếc liên quan đến hộp số.
3. Hệ thống giảm sóc, khung gầm xuống cấp
Hầu hết các xe sử dụng trên 7 năm, hệ thống gầm, giảm sóc và các chi tiết đều ít nhiều bị lão hoá. Chiếc xe sẽ phát ra những tiếng kêu hoặc không còn êm khi đi trên những địa hình xấu.
Đồng thời, khi di chuyển có tiếng ồn phát ra từ dưới gầm xe, đặc biệt tiếng kêu lại phát ra to hơn, rõ hơn khi đi qua các con đường gồ ghề, nhiều ổ gà. Trong trường hợp này, có thể do các bạc lót và ro-tuyn trụ lái của xe ô tô bị mòn và lỏng.
Đây như một lời báo hiệu cần thay thế thanh càng A càng nhanh càng tốt trước khi nó hư hỏng nặng hơn và gây ảnh hưởng đến các chi tiết khác trong hệ thống khung hầm, ảnh hưởng đến quá trình vận hành xe.
Nếu tiếng động cơ phát ra quá lớn từ khu vực gầm xe, có thể ống xả (pô) của bạn sau nhiều năm sử dụng đã bị thủng hoặc biến dạng do va chạm. Hãy kiểm tra và có cách khắc phục hợp lý như hàn ống xả hoặc thay thế từng phần.
4. Điều hoà trục trặc
Điều hoà ô tô là bộ phận không thể thiếu trong mỗi hành trình, đặc biệt là vào mùa hè. Nếu như trong khoảng 5-7 năm đầu tiên, hệ thống điều hoà trên xe hoạt động vẫn khá tốt thì sau năm thứ 7, ít nhiều ô tô sẽ gặp những vấn đề về hệ thống này.
Những lỗi liên quan đến điều hoà như: Làm mát kém, không lạnh sâu và nặng hơn là chết điều hoà, lúc này nó không còn tác dụng làm mát.
Điều hòa là một hệ thống khá phức tạp và dễ trục trặc trên những chiếc xe cũ. Ảnh: Bogspot.com |
Những vấn đề liên quan đến điều hoà trên ô tô có khá phức tạp và có thể do nhiều nguyên nhân như bụi bẩm bám vào lọc gió hay dàn nóng; thiếu ga, thừa ga, phin lọc ga lâu ngày bị tắc hay nặng nhất là do bộ cảm biến nhiệt và lốc lạnh bị hỏng.
Đối với những chiếc xe đã được sử dụng lâu năm thì có thể do nguyên nhân khác như dây cu-roa dẫn động lốc máy bị chùng hoặc trượt; đường ống bị lão hóa gây rò rỉ, các gioăng bị hở, đứt dây điện.
Hệ thống điều hoà của xe hơi khá phức tạp, do vậy, nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, bạn nên mang chiếc xe của mình đến những gara sửa chữa uy tín đề kiểm tra.
Đồng thời, chủ xe luôn có ý thức vệ sinh định kỳ các bộ phận của điều hoà như tấm lưới lọc, giàn nóng; thay thế lọc gió định kỳ; kiểm tra dây cu-roa,…
5. Lệch thước lái
Khi sử dụng lâu, thước lái của xe sẽ bị mòn và gây cảm giác lỏng lẻo ở vô lăng. Bạn nhận thấy hướng xe bị lệch hướng (nhao lái) khi đi với tốc độ cao và khó khăn để giữ nó đi đúng làn đường, gây cảm giác rất khó chịu.
Đồng thời, những chiếc xe sử dụng trên 7 năm thường mắc bệnh vô lăng khi đánh lái bị trễ. Tức là khi bạn đánh vô lăng sang phải hoặc trái nhưng bánh xe vẫn không chuyển hướng ngay, khi đó rất có thể cơ cấu thước lái ô tô của xe bạn đã bị mòn dẫn đến việc trễ vô lăng.
Những hiện tượng trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Lốp mòn không đều, hết dầu trợ lực, các bộ phận lái bị mòn hoặc chiếc xe đã từng bị đâm đụng, va chạm ảnh hưởng đến thước lái.
Để khắc phục, bạn chỉ có cách phải đưa xe đi cân chỉnh lại thước lái ô tô tại những cơ sở uy tín. Việc cân chỉnh lại thước xe ô tô nên được các tư vấn viên giàu kinh nghiệm thực hiện.
Cân chỉnh thước lái, độ chụm hiện nay chủ yếu thực hiện bằng máy với độ chính xác cao. Ảnh: Bridgestone |
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, tiếng kêu từ hệ thống lái cũng có thể giúp tài xế “bắt bệnh” được chiếc xe của mình. Khi đánh hết lái mà nghe thấy tiếng kêu "re re" có thể là do mức dầu trợ lực ở mức quá thấp, hay bơm trợ lực hoạt động kém hiệu quả.
Khi đánh lái xe nhẹ mà xuất hiện các tiếng kêu lục khục dưới gầm thì có thể là do bạc lái bị rơ hoặc bị mòn. Khi đánh lái có tiếng kêu rít khó chịu có thể là do đai dẫn động bị chùng (đối với các xe ô tô được trang bị đai dẫn động riêng biệt).
Nếu phát hiện những tiếng kêu lạ xuất phát từ hệ thống lái, việc đầu tiên hãy kiểm tra dầu trợ lực và bổ sung thêm nếu cần.
6. Phanh không ăn, bó phanh.
Phanh (thắng) là bộ phận quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lái và an toàn của xe. Sau một quá trình sử dụng, hệ thống này cũng rất dễ xảy ra những lỗi và hỏng hóc.
Nếu phanh không ăn, độ nhạy kém, nguyên nhân có thể là do đường dầu hoặc khí của hệ thống phanh bị rò rỉ; pis-ton bánh trước bị bó thường ở phanh đĩa; bầu trợ lực hơi và phớt giữa tổng trên bị hỏng; cup-pen phanh bị hỏng; dây phanh tay bị đứt hoặc bị bó; má phanh quá mòn,…
Trong trường hợp này, cần chỉnh lại hành trình bàn đạp phanh; siết chặt lại các đầu khớp nối; thay thế các đệm; xả khí lẫn trong dầu phanh; thay thế bầu trợ lực và phớt giữa tổng trên; thay cup-pen, dây phanh và má phanh mới.
Nhiều chiếc xe cũ sau 7 năm sử dụng cũng bị bó phanh, điều này khiến động cơ hoạt động kém, tốn nhiên liệu, dễ sinh nhiệt và gây khó chịu, không an toàn khi di chuyển.
Phanh xe sau nhiều năm sử dụng sẽ dễ bị trục trặc, hỏng hóc |
Nguyên nhân của việc bó phanh có thể do phanh tay điều chỉnh sai; lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị má phanh bị hỏng; xi-lanh phanh chính bị hỏng; khi bị nước ngập do khớp nối tang trống phanh tay bị sét gỉ dẫn đến bó phanh; do khô dầu hoặc nước vào.
Để khắc phục, cần điều chỉnh lại hành trình bàn phanh; điều chỉnh lại tay phanh; thay lò xo kéo ở cơ cấu phanh; thay thế xi lanh bánh xe; thay thế xi lanh bánh chính; tháo khớp nối và bảo dưỡng bằng cách đánh rỉ sét phần khớp tang trống; đánh sạch và cho thêm dầu, mỡ cho phù hợp.
7. Đèn pha bị kém sáng
Sau trên 7 năm sử dụng, những bóng đèn pha, nhất là loại halogen sẽ giảm độ sáng khoảng 20-40%, điều này khiến tầm quan sát của lái xe bị hạn chế đi rất nhiều so với lúc còn mới.
Đồng thời, đối với các xe cũ, choá đèn dần bị xuống cấp, ố vàng; các gioăng đèn hở cùng với việc hay rửa xe không đúng cách khiến hơi nước ngưng tụ cũng khiến đèn pha bị ảnh hưởng, giảm chất lượng sáng.
Một chiếc xe cũ bị hấp hơi nước trong pha đèn |
Để khắc phục điều này, chủ xe có thể tới các trung tâm chăm sóc xe để đánh bóng lại choá đèn, vệ sinh pha và gắn keo vào các vị trí gioăng bị hở. Điều này có thể cải thiện độ sáng và tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống đèn của những chiếc xe cũ.
Nhiều chủ xe cũng mạnh tay độ đèn từ các bóng halogen sang đèn Led với tuổi thọ và độ sáng cao hơn. Chi phí cho mỗi đôi đèn dao động từ khoảng 1-5 triệu đồng tuỳ vào chất lượng và chủng loại đèn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những chiếc xe cũ sử dụng trên 7 năm, thậm chí hơn 10 năm tuổi vẫn còn rất tốt nếu được chủ xe sử dụng và chăm sóc đúng cách. Việc bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ cộng thêm chút kiến thức về xe sẽ giúp chiếc xe cũ vận hành ổn định, bền bỉ và ít hỏng hóc hơn.
Hoàng Hiệp
Chiếc xe cũ mà bạn đang sử dụng còn gặp phải những trục trặc gì hay vấn đề gì? Mời các bạn góp ý kiến và cộng tác bằng việc gửi tin bài, video từ cam hành trình về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Điểm danh những nguyên nhân gây cháy nổ trên xe ô tô
Trong thời gian gần đây hàng loạt vụ cháy xe liên tiếp xảy ra khiến không ít người lo lắng. Dưới đây là 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.