Bài viết là quan điểm của cây viết Bogdan Petrovan, Android Authority.
Tuần qua, Meizu lặng lẽ ra mắt chiếc Meizu 16T. Mặc dù sở hữu cấu hình với chip Snapdragon 855, dung lượng RAM 6 GB hoặc 8 GB, bộ nhớ trong cũng lên tới 256 GB và giá khởi điểm từ 300 USD, Meizu 16T chẳng mấy đặc biệt hay nổi bật.
Nhan nhản những chiếc "sát thủ iPhone"
Một chiếc điện thoại như Meizu 16T trước đây có thể được gọi là "sát thủ iPhone", danh từ gọi chung cho những máy cấu hình cao, giá hấp dẫn. Năm 2014, OnePlus One có thể coi là chiếc "sát thủ iPhone" đầu tiên ra mắt khi nó có nhiều điểm thu hút hơn chiếc smartphone Android đầu bảng lúc đó là Galaxy S5, trong khi mức giá chỉ 299 USD, tức là bằng phân nửa chiếc Galaxy.
OnePlus là hãng đi đầu trong cuộc đua cấu hình cao, giá rẻ. Tuy nhiên gần đây họ đổi chiến lược, smartphone OnePlus không còn ở mức giá tầm trung nữa. Ảnh: Android Authority. |
OnePlus One không thể coi là một chiếc smartphone đầu bảng, nhưng nó đáp ứng nhiều tiêu chí của máy đầu bảng, đặc biệt là cấu hình, trong khi mức giá rẻ hơn nhiều. Nhưng rồi sau vài năm, OnePlus dần phải bỏ đi định hướng đó và tăng giá smartphone. Giờ đây, sân chơi máy cấu hình cao, giá rẻ được nhường cho các thương hiệu khác.
Ngoài Meizu 16T, nửa năm qua một loạt máy với công thức tương tự đã được giới thiệu: Nubia Z20, Reame X2 Pro, Xiaomi Mi 9T Pro, Remi K20 Pro... Chúng đều có chung đặc điểm là cấu hình mạnh mẽ, thường có màn hình chất lượng cao, thậm chí là công nghệ AMOLED, pin lớn, nhiều camera, nhưng mức giá chỉ 300-500 USD.
OnePlus, Xiaomi hay Asus đều là những hãng từng chạy theo cuộc đua cấu hình cao, giá tầm trung. Ảnh: Android Authority. |
Nếu nhìn thoáng qua, những chiếc smartphone này có thể đọ được cấu hình với những máy có giá gấp nhiều lần. Thực tế là những máy đầu bảng như Galaxy Note10+ hay Huawei Mate 30 Pro còn nhiều tính năng hấp dẫn, cao cấp hơn, dễ nhận thấy nhất là chất lượng camera. Tuy nhiên, với nhiều người thì những máy tầm trung cấu hình cao đã là đủ.
Có lẽ chưa năm nào trào lưu này nở rộ như 2019. Mới năm ngoái, chiếc Pocophone F1 vẫn còn gây tiếng vang nhờ cấu hình tốt so với mức giá. Năm nay, thậm chí chính Xiaomi cũng phải phân vân có ra mắt Pocophone F2 hay không.
Thị trường nhàm chán, nhưng người dùng hưởng lợi
Các hãng smartphone đang nghĩ ra rất nhiều thương hiệu mới để phát triển dòng điện thoại cấu hình cao, giá tầm trung. Hầu hết thương hiệu được kể tên phía trên mới chỉ xuất hiện trong vài năm nay. Khi mà lợi nhuận smartphone ngày càng giảm, người dùng cũng ngày càng "khôn" ra, thì phân khúc này sẽ được quan tâm nhất.
Các công nghệ trên smartphone giờ đây cũng được phổ cập nhanh hơn. Những kẻ đi sau như Realme hay Honor có thể phát triển những tính năng gần bắt kịp các thương hiệu hàng đầu như Samsung.
Cái tên đáng chú ý nhất trong cuộc đua này chính là Qualcomm. Ngoài những thiết bị của Huawei và Samsung, Qualcomm là hãng duy nhất cung cấp vi xử lý cao cấp, cùng hàng loạt công nghệ đi kèm trên smartphone. Ai cũng có thể mua được chip cao cấp từ Qualcomm, do vậy sự khác biệt trên thị trường gần như không còn.
Khi Qualcomm gần như độc quyền thị trường chip, smartphone Android giống nhau cũng là điều dễ hiểu. Ảnh: Qualcomm. |
Sự sáng tạo trên smartphone cũng phải đi theo hướng mới chứ không còn là cấu hình. Những công ty công nghệ hàng đầu vẫn biết cách tạo sự khác biệt. Google tích hợp cảm biến Soli vào Pixel 4, Samsung phát triển điện thoại màn hình gập, Huawei tập trung vào tính năng camera còn Oppo có sạc siêu nhanh.
Không phải tính năng nào cũng sẽ thành công và thu hút người dùng, nhưng giống như cấu hình, việc các nhà sản xuất thúc đẩy các tính năng mới có thể giúp chúng trở thành thứ phổ biến, được tích hợp trên sản phẩm giá rẻ hơn trong tương lai. Người dùng sẽ tiếp tục được lợi.
Do đó, tôi tin rằng các hãng càng ra nhiều máy tầm trung cấu hình cao càng tốt. Sẽ chẳng ai thấy khó chịu cả.