Làng trầm Trung Phước, xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là làng đại gia của xứ sở gió trầm. Nơi đây có hàng trăm ông chủ phất lên nhờ thương hiệu trầm cảnh. Không những vậy, họ còn mang tham vọng đưa thương hiệu trầm Trung Phước vươn ra khỏi biên giới Việt Nam.
Từ thời "ngậm ngải tìm trầm"
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, chúng tôi vượt hơn 80 cây số từ TP.Đà Nẵng men theo con đường DT611 về cội nguồn Sông Thu Bồn, nơi tọa lạc của làng trầm cảnh Trung Phước. Con đường như ngắn hơn khi chúng tôi băng qua Đèo Le, nơi nổi tiếng với suối nước mát và món gà tre đặc sản. Huyện Nông Sơn như rầm rộ chuyển mình từ khi làng trầm phát triển. Những ngôi nhà to, ô tô, xe tải, rồi tiếng người qua lại, các thợ trầm làm việc hăng say, tạo nguồn thu nhập lớn. Nhưng ít ai biết nơi đây khi xưa là một làng quê nghèo, khi còn chưa tách huyện, người dân một thời khăn gói đi tìm trầm, mong có cơ hội đổi đời.
Chúng tôi được nghe ông Trần Đáng, một thợ trầm hơn 20 năm nay, kể về việc "ngậm ngải tìm trầm", từ khi làng trầm hương mỹ nghệ Trung Phước chưa xuất hiện. Ông Đáng cho biết, ngày xưa cư dân ở đây rất nghèo, địa hình chủ yếu là đồi núi nên người dân khó phát triển kinh tế. Những ngày đó, giao thông đi lại rất vất vả, những cục đá to án giữa đường, nước lũ thì liên tục đổ về, cô lập nơi đây.
|
Nhiều người đau ốm đành chờ chết, chứ không thể đưa xuống miền xuôi trị bệnh. Để phát triển kinh tế, từ những năm 1980, những thợ trầm đã bắt đầu đùm cơm, gói gạo vượt núi tìm trầm mong thần linh dẫn lối. "Lúc đó, có hàng trăm người đổ xô đi tìm trầm, một chuyến đi cả tháng trời mới quay về nhà, ai cũng mong ước mình tìm được kỳ nam có giá trị tiền tỷ để cuộc sống đỡ vất vả", ông Đáng nói.
Nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công, ông Đáng nhớ lại chuyến đi của mình với đầy rẫy nguy hiểm rình rập, lúc đó tại địa phương có cả hổ, heo rừng và rất nhiều rắn độc. Sợ nhất là vắt lá, chúng búng lia lịa trên các cành cây hút máu người không thể chịu nổi, ban đêm khi ngủ lại rừng phải lấy khăn bịt mặt, lấy bông nhét vào lỗ tai để tránh vắt rúc vào. Đối diện với nguy hiểm nên mỗi nhóm tìm trầm phải liên kết với nhau, băng rừng vượt núi vào đến làng Hồi (huyện Phước Sơn) rồi băng qua các huyện miền núi như vùng Hiêng, Giằng (cũ), có khi lại vào tới tỉnh Quảng Ngãi, ra Huế...
"Nhiều chuyến đi có người bị lạc giữa rừng kiểu "ma trác" cứ suốt ngày quanh quẩn theo một vòng tròn về vị trí như cũ không thể thoát được. Họ phải lấy nước tiểu rửa mặt mới tìm ra lối về, khổ sở không thể nào tả hết", ông Đáng nhớ lại. Khi đó, người dân nơi đây chỉ biết khai thác dó trầm bán thô ra thị trường. Việc tìm trầm thế này, họ chỉ trông mong vào thần linh và may mắn trong chuyến đi. Nhưng những phận đời tìm trầm nơi đây vẫn luôn bị nghèo đói đeo bám.
Quá vất vả khi sống ở khu vực thâm sơn cùng cốc này, nhiều người đã bỏ xứ ra đi tìm sinh kế. Những người ở lại cũng chỉ lam lũ với những gốc khoai, con bò. Rồi sau đó, những thanh niên đi học nghề tạo trầm dó ở tỉnh Khánh Hòa về dựng trại, mở cơ sở tạo trầm cảnh thì làng quê nơi đây mới có bước chuyển biến. Ban đầu, họ chỉ nhận gia công sản phẩm trầm đơn giản, đục đẽo tạo góc cạnh rồi chuyển giao cho các cơ sở khác. Sau đó, nghề dạy nghề, họ dần làm theo một hướng riêng. Những nghệ nhân nơi đây đã lắp ghép, tạo ra những sản phẩm lạ mắt để trang trí nội thất. Được biết, để lấy được trầm trên cây dó phải chờ qua hàng chục năm, cây bị cọ xát hoặc mục nát tạo trầm nên lượng trầm không đủ, người dân ở đây đem cây dó nấu lên để lấy trầm.
Đưa trầm xuất ngoại
Hiện nay, người trồng dó sẽ khoan tạo trầm trực tiếp trên thân cây theo ý tưởng sản phẩm. Nguồn nguyên liệu trầm cảnh ở đây chủ yếu được lấy ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), còn những loại cây Mã Lai, gốc trầm lớn thì được lấy từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình với giá thô hàng trăm triệu đồng về để chế tác.
Ông Võ Công Minh, một thợ lâu năm khoe: "Nghề trầm cảnh Trung Phước có nét riêng không trùng lẫn với một nơi nào khác, chỉ nhìn như một khúc gỗ nhưng qua óc sáng tạo và kỹ nghệ điêu luyện của nghệ nhân mà những cây trầm cảnh có giá trị lên đến tiền tỷ là một minh chứng". Đảo một vòng quanh làng trầm Trung Phước, tiếng đục, gõ loạn lên, tiếng nói chuyện của người làm rộn rã, tất cả cùng nhịp nhàng tạo nên những cây trầm cảnh giá trị không tưởng.
Ông Trương Văn Ba là một trong những đại gia đi lên từ chân đất, ông cũng là một phu trầm năm xưa, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng chỉ sau vài năm, tài sản ông đã lên đến nhiều tỷ đồng. "Trầm mỹ nghệ ở đây chủ yếu để trang trí nội thất, người Á Đông quan niệm có trầm hương trong nhà sẽ sang trọng, sung túc và gặp nhiều phúc thọ, tuy giá cao nhưng vẫn thu hút ào ào lượng người mua", ông Ba nói.
Trầm hương được tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt, mỗi người làm một bộ phận và lắp ghép một cách tinh tế, chạm khắc thành những hình thù đẹp mắt, có khi là phá cách, tạo ra những sản phẩm ấn tượng cho người xem. Từ những chi tiết rất nhỏ, người thợ phải mài dũa, tạo góc cạnh. Ông Ba cho hay: "Chúng tôi ăn nên làm ra cũng là nhờ vào lộc trầm, việc phát triển mạnh thương hiệu trầm hương này sẽ đưa người dân nơi đây có cuộc sống đầy đủ của một cư dân "phố núi" đầy triển vọng".
Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu cho sản phẩm dó trầm ở đây là Trung Quốc, Nhật Bản... Mỗi năm, hàng trăm cơ sở đưa sản phẩm qua đây để quảng bá thương hiệu, tạo lợi nhuận gấp nhiều lần. "Thị trường trong nước dần bế tắc, chúng tôi lần theo các mối quan hệ để đưa sản phẩm ra nước ngoài, những ngày đầu chân ước chân ráo không thông thuộc việc kinh doanh ở nước bạn nên gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi sản phẩm cũng trụ được, là mặt hàng tiềm năng thu hút cư dân bản địa", ông Ba nhớ lại lần xuất ngoại đầu tiên. Tại cơ sở trầm Chính Nhung, trầm hương mỹ nghệ làm ra chủ yếu xuất ra nước ngoài cho lợi nhuận gấp nhiều lần. Những cây trầm cảnh to, hình thù đặc dị, bắt mắt thì càng được nhiều đại gia yêu thích và tất nhiên giá trị lên đến tiền tỷ.
"Chứng kiến cảnh xe cộ vào ra vận chuyển sản phẩm làm, tôi rất hãnh diện về làng trầm, ở đây dân làng làm giàu từ chính trí óc và bàn tay khéo léo, chứ không còn thời ngậm ngải, rúc rừng để mong đổi đời như xưa", ông Đáng bộc bạch. Đặc biệt, thu nhập ổn định từ làng trầm, những thanh niên bỏ xứ làm ăn xa bây giờ quay về học nghề và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Cây dó tiếp tục được ươm trồng để làng trầm phát triển về lâu dài. Từ khi làng trầm phát triển mạnh, người dân nơi đây đã bỏ bớt ruộng đất, đàn ông thì làm trầm, phụ nữ chuyển sang buôn bán phát triển đời sống, rất nhiều nhà lên xe con, biệt thự làm diện mạo nơi đây thay đổi nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Hai (phó chủ tịch UBND xã Quế Trung) cho biết: "Về cơ bản, làng trầm giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân, tạo doanh thu để phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương đã khuyến khích phát triển mạnh làng nghề để đưa thương hiệu trầm cảnh vươn xa, tạo thu nhập, làm thay đổi diện mạo địa phương hơn nữa".
(Theo NĐT)