“Liệu cô giáo có đánh con không? Con ra nhiều mồ hôi có được cô lau không?...” là những băn khoăn của bất cứ phụ huynh nào khi bắt đầu cho con đi học. Và để giải quyết những băn khoăn trên, việc phụ huynh cần làm ngay từ đầu đó là chọn cho trẻ một ngôi trường tốt.

1. Giấy phép hoạt động

Nếu là trường công lập thì không phải lo về điều này. Ngược lại với trường tư, thì đây là điều bố mẹ cần hết sức lưu ý xem có giấy phép hoạt động hay không và còn hạn hay đã hết. Tuyệt đối không gửi con vào các cơ sở trông giữ trẻ mà không có giấy phép hay biển hiệu.

{keywords} 

2. Cơ sở vật chất

Bao gồm sân chơi trong nhà, ngoài trời, phòng học và bếp ăn.

* Sân chơi trong nhà: Không gian thông thoáng, mặt sàn không trơn trượt để trẻ chạy nhảy thoải mái. Đồ chơi cần phong phú, không có các đồ chơi làm từ nhựa kém phẩm chất độc hại với trẻ em.

* Sân chơi ngoài trời:

Đảm bảo mặt sân bằng phẳng không lồi lõm (nếu có sân cỏ thì càng tốt). Đồ chơi phải an toàn với trẻ, không có cạnh sắc hoặc các góc kẹt khiến trẻ mắc chân vào gây ngã.

Đặc biệt trường nào có sân chơi cát thì quá tuyệt, vì chơi cát là việc cực kì cần thiết và quan trọng với sự phát triển trí não của trẻ. Trường có sân chơi cát là đã chứng tỏ người đứng đầu trường có hiểu biết sư phạm mầm non rất rất tốt.

* Phòng học:

Cũng như sân chơi, phòng học cần đảm bảo thoáng mát và nhiều ánh sáng. Dụng cụ học và chơi cần đa dạng để trẻ có điều kiện phát triển trí thông minh.

Các đồ chơi tốt bao gồm: đồ chơi xếp hình, đồ chơi lắp ghép, đồ chơi đồ hàng, đồ chơi phát triển trí tuệ, khám phá khoa học, sách truyện tranh, giấy - màu vẽ, nhạc cụ…

Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần quan sát:

- Điều hòa có hoạt động tốt không.

- Không gian xung quanh yên tĩnh hay ồn ào, có gần khu vực bị ô nhiễm như cống rãnh bẩn hoặc ao hồ dễ ngã… hay không.

- Đồ chơi trong phòng học có đa dạng phong phú không, có được sử dụng thường xuyên không, trẻ có dễ lấy không (nhiều nhà trẻ có nhiều đồ chơi nhưng cất nguyên bộ trong túi nilon và khóa trong tủ kính trên cao cho mới)

- Chỗ rửa tay và vệ sinh cho trẻ (trẻ chơi xong tay sẽ rất bẩn nhưng nhiều lớp học không có chỗ cho trẻ rửa tay).

- Khăn mặt được giặt thế nào, có đảm bảo sạch sẽ không.

- Trẻ sẽ ngủ trưa trong điều kiện như thế nào (nằm trải chiếu sẽ mất vệ sinh và dễ ốm, tốt nhất là mỗi trẻ có một giường riêng và có chăn gối riêng của mình).

- Nền lớp học có được vệ sinh sạch sẽ hay không (điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ).

- Tủ y tế: đảm bảo đầy đủ dụng cụ cần thiết để xử lý khi trẻ bị ốm.

{keywords} 

* Bếp ăn:

Phụ huynh cần quan sát độ thông thoáng của bếp (có sạch sẽ hay cáu bẩn). Bát ăn của trẻ sau khi rửa có được tráng bằng nước sôi hay không. Thực đơn hàng ngày của trẻ gồm những món gì, có đa dạng không.

Và một điều rất quan trọng đó là phụ huynh cần kiểm tra giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở trông trẻ tự phát chắc chắn sẽ không có giấy này.

3. Trình độ giáo viên

Thực tế là có không ít các cô giáo không có bằng cấp tham gia hoạt động dạy trẻ, vì thế bạn cần phải biết cô giáo sẽ dạy con mình có bằng cấp loại gì. Ngoài ra, một điều nữa mà phụ huynh cần ở một giáo viên đó là một người thực sự yêu trẻ. Một người giáo viên tốt sẽ khiến trẻ tin tưởng người khác, tự tin vào bản thân, biết cách tự giải quyết vấn đề và nhiều lợi ích khác nữa. Vậy nên phụ huynh cần quan sát kĩ khi đưa con tới thăm lớp hoặc tham khảo các phụ huynh đã từng gửi con trước mình về:

- Ngoại hình và giọng nói của giáo viên

- Tình yêu và sự quan tâm tới trẻ: bạn có thể kiểm tra điều này thông qua việc tìm hiểu xem giáo viên có hiểu rõ đặc điểm của từng trẻ trong lớp hay không.

- Trình độ, đào tạo nâng cao: Nên tìm hiểu về trình độ của giáo viên và kế hoạch đào tạo nâng cao của nhà trường.

- Giáo viên có mỉm cười thân thiện với trẻ không, có nói chuyện ngang tầm mắt với trẻ không.

- Giáo viên có chủ động hỏi han, nói chuyện và lắng nghe trẻ không

- Giáo viên có kiểm soát được tình hình của lớp không (nhiều giáo viên tỏ ra “bất lực” khi trẻ la hét, khóc mếu, không tập trung, hoặc tỏ ra mất bình tĩnh và cũng la hét hoặc thậm chí, đánh trẻ).

- Giáo viên có công bằng khi đối xử với các trẻ không.

- Giáo viên có kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ thực hiện các kỹ năng mới không.

Để chắc chắn con bạn không bị đánh đập, bạn có thể yêu cầu trường ký cam kết với bạn về điểm này trước khi bắt đầu cho con vào học.

4. Chương trình học

Phụ huynh xem xét xem chương trình học của trường có phù hợp với con mình không. Ngoài ra cần lưu ý về chương trình dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa.

Trong đó cần lưu ý về chương trình tiếng Anh như: Số giờ học tiếng Anh mỗi tuần, giáo viên người Việt hay giáo viên người nước ngoài (với giáo viên người Việt thì nên để ý cách phát âm và giáo viên nước ngoài thì cần tìm hiểu bằng cấp). Trang thiết bị phục vụ học ngoại ngữ có đủ không (giáo trình, băng đĩa…)…

Khi đã chọn được trường tốt cho con, phụ huynh sẽ không còn phải quá băn khoăn hay lo lắng.

Minh Thùy (tổng hợp)