Thể thao điện tử đang dần trở thành một phần không thể thiếu đối với lớp trẻ. Tuy nhiên đi cùng sự phát triển luôn là những mặt tối lẩn khuất đằng sau đó. Cùng điểm mặt lại những sự kiện eSports đáng tiếc trong năm qua.
Vụ bán độ gây chấn động làng DOTA 2 thế giới
"Bán độ" có thể sẽ là một trong những từ khóa được sử dụng nhiều nhất trong làng DOTA 2 trong năm nay. Khởi đầu chỉ là việc Mineski và MSI Evo GT bị tố cáo dàn xếp tỉ số trong một trận đấu không có nhiều ý nghĩa, lần lượt nhiều tên tuổi của cộng đồng DOTA 2 châu Á đã bị kéo vào cuộc. Nổi bật nhất trong đó chính là vụ bán độ của Arrow Gaming và những scandal đi kèm với đó.
Ban đầu, mọi nghi vấn đều đổ lên đầu hai thành viên chủ chốt là DDZ và Lance. Sau đó hai game thủ này đã phủ nhận mọi cáo buộc và đưa ra các bằng chứng để chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, các bằng chứng này đều có dấu hiệu bị làm giả và các mũi dùi được chĩa về phía bạn gái của Lance. Cuối cùng, các game thủ này đã thú nhận việc mình tham gia dàn xếp kết quả trận đấu, tuy nhiên họ cho rằng mình buộc phải làm theo yêu cầu từ người quản lý của Arrow Gaming. Dù ai là người thực sự đứng sau vụ việc này đi nữa, danh tiếng của Arrow Gaming đã bị phá hủy hoàn toàn. Vì sự việc này, không chỉ DDZ và Lance mà toàn bộ Arrow Gaming đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn tại Synergy League, giải đấu mà các game thủ trên đã bán độ.
Gần đây, đội hình mới của Arrow Gaming đã quay trở lại thi đấu với tên gọi We Are Sorry.
Việt Nam dậy sóng vì nghi vấn bán độ của đội tuyển CS:GO trong nước ở một trận đấu giải khu vực.
Tin này đến vào thời điểm đầu tháng 5 giữa team Legends của Việt Nam và TyLoo đến từ Trung Quốc. Cụ thể, một thành viên trong team Legends đã ra mặt tố cáo đồng đội của mình về những trận thua khó hiểu với TyLoo và NBDALE tại giải 5eplay. Theo đánh giá chung của người hâm mộ cũng như giới chuyên môn, cả 2 đối thủ của Legends đều dưới cơ hơn đội tuyển này rất nhiều. Việc để thua là một điều hết sức khó hiểu.
Căng thẳng càng được đẩy lên cao khi các đoạn chat giữa Huyak và một đại diện của TyLoo được công bố, cho thấy phía TyLoo đã gửi các món quà cho Legends, bao gồm 4 khẩu AK47 Fire (giá trung bình 55USD/khẩu) và 3 khẩu AK47 Redline (30USD/khẩu). Ngoài ra, còn thêm một đoạn trao đổi giữa Huyak và một trader (người môi giới) cho thấy trader này sẵn sàng trả 1.000USD để Legends thua.
Về phía các thành viên còn lại, lời giải thích được đưa ra là do đường truyền mạng không ổn định, cảm thấy khó khăn nên các tuyển thủ này quyết định đặt tiền cược vào phe TyLoo để "gỡ gạc lại chút tiền". Phía TyLoo sau khi nhận được một khoản lớn từ tiền thưởng, cùng tiền cá độ game, đã quyết định chia sẻ cho team Legends một "phần quà" là 7 khẩu AK, tổng trị giá gần 400 USD. Đây được coi như phần hỗ trợ của Tyloo cho các thành viên của Legends có tiền cho chuyến du đấu sắp tới.
Sau vụ rắc rối này team Legends đã chính thức tan rã. Về phía cộng đồng, đa phần đều phản đối rất dữ dội. Dù với lý do gì đi chăng nữa, thi đấu với tâm lý không thể thắng và đặt cược cho đối thủ là một điều không thể chấp nhận được.
Làng Counter Strike "sụt sùi" vì nghi án hack game của các tuyển thủ chuyên nghiệp.
Mọi chuyện bắt đầu khi Simon "smn" Beck, game thủ bán chuyên nghiệp người Đức, bị phát hiện gian lận khi chơi trên hệ thống server của tổ chức E-Sport Entertainment Association (ESEA). Người ta đã điều tra hàng loạt số liệu thống kê của các game thủ chuyên nghiệp, những người đã từng thi đấu tỏa sáng tại các giải đấu lớn như DreamHack. Tất cả đã dẫn tới một kết luận rằng, không phải một mà rất nhiều đội game lớn, nhiều game thủ chuyên nghiệp có tiếng tăm đã gian lận (sử dụng hack) ở vòng loại online để giành chiếc vé tới vòng chung kết LAN cũng như một khoảng tiền thưởng không hề nhỏ.
Sau một thời gian, một người chuyên viết code các phần mềm gian lận của Counter Strike cũng lên tiếng vạch trần thị trường này. Những phần mềm này được phân chia thứ tự rất rõ ràng. Đối với các game thủ chuyên nghiệp muốn sử dụng một phần mềm cao cấp, họ phải liên lạc trực tiếp tới những coder nổi tiếng trong "ngành" và cho họ biết mình cần gì trong bản hack. Từ đó, coder sẽ tạo ra các bản config khác nhau cho các game thủ này. Chính điều này đã làm cho việc phát hiện các phần mềm này rất khó khăn, bên cạnh đó các coder sẽ liên tục update phần mềm của mình. Bên cạnh khoản tiền trả ban đầu cho các bản hack, game thủ chuyên nghiệp sẽ phải trích ra phần trăm giải thưởng đạt được cho các coder.
Người hâm mộ Việt Nam nhận trái đắng khi Full Louis bị loại khỏi GPL mùa hè.
Theo quy định của ban tổ chức giải đấu GPL "Không có bất kỳ game thủ nào được coi là đủ điều kiện tham gia vào bất kỳ trận đấu nào của giải GPL khi chưa qua sinh nhật lần thứ 17, được định nghĩa là chưa sống đủ 17 năm". Trong khi đó, Full Louis có tới 2 thành viên chủ chốt là Sofm và Jeff không đủ 17 tuổi. Hậu quả:
1. Neolution E-sports Full Louis bị loại khỏi mùa giải GPL Summer 2014.
2. Neolution E-esports Full Louis sẽ không nhận được bất kỳ điểm du đấu (Circuit Points) từ mùa giải GPL Summer 2014.
3. Neolution E-sports Full Louis sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng từ mùa giải GPL Summer 2014
4. Neolution E-sports Full Louis sẽ mất quyền chơi ở Bán kết 2 với đội ahq.
Theo một số thông tin từ thành viên của đội tuyển này cho biết, lúc đăng ký có trao đổi với thành phần tổ chức của Garena Việt Nam về trường hợp này và đã nhận câu trả lời là được tham gia.
Tiếp sau đó là hàng loạt sự việc liên quan đến nền eSports nước nhà khiến người hâm mộ trăn trở với cách làm của ban tổ chức sự kiện trong nước.
Fnatic rút lui khỏi DreamHack vì quy định không rõ ràng.
Cụ thể trong trận đấu giữa hai đội Fnatic và LDLC ở vòng đấu tứ kết, Fnatic đã giành chiến thắng. Nhưng ngay sau đó LDLC đưa ra bức xúc về việc Fnatic đã lợi dụng "Pixel-walking" (đây là thủ thuật lợi dụng những điểm vô hình để đứng hay ngồi trên đó) trên bản đồ Overpass để cung cấp tầm nhìn của toàn bộ bản đồ cho mình. Sau trận đấu, một thành viên của LDLC đã đăng tải tấm hình liên quan đến thủ thuật này của đối thủ trên Twitter và tỏ ra vô cùng bức xúc. Tranh cãi nổ ra và Fnatic cũng "phản pháo" về việc LDLC cũng lợi dụng lỗi tương tự tuy nhiên không thể nhìn toàn bộ bản đồ như đội của mình.
Trên thực tế không có bất kỳ một quy định rõ ràng liên quan đến việc cấm thủ thuật này cả và đây cũng không được coi là lỗi của game. Tuy nhiên, ban tổ chức đã quyết định tổ chức lại trận đấu giữa hai đội tuyển này. Phía Fnatic đã không hài lòng và xin rút khỏi giải đấu.
eSports đã phát triển những bước tiến lớn. Rất nhiều người đã coi nó như một môn thể thao thông thường. Các giải đấu từ đó mọc lên như nấm. Tuy nhiên công tác tổ chức, cũng như luật lệ không rõ ràng đã gây thất vọng nhiều cho game thủ chuyên nghiệp cũng như người hâm mộ bộ môn này. Đã đến lúc những nhà quản lý và tổ chức cần có cái nhìn chính xác và định hướng rõ ràng cho những thứ mình theo đuổi. Có như vậy eSports mới có thể sánh ngang cùng với những môn thể thao thông thường trở thành một phần không thể thiếu đối với người hâm mộ chúng.
Theo Gamethu