Nghiên cứu về David Beckham, Lady Gaga, học làm nàng tiên cá... là những ngành học lạ nhưng vô cùng bổ ích của các trường đại học trên thế giới.
1. Nghiên cứu về Harry Potter
Năm 2010, Đại học Durham ở Anh trở thành trường đầu tiên trên thế giới đưa tác phẩm này vào chương trình giảng dạy trong khóa học Harry Potter và Kỷ nguyên Ảo ảnh, theo BBC.
Những sinh viên ngành Giáo dục tại Durham phải đặt bộ truyện vào ngữ cảnh giáo dục, văn hóa và xã hội đồng thời lý giải những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của chúng. Thông qua đó, họ làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Harry Potter và nền giáo dục ở thế kỷ 21.
Qua 22 buổi giảng cùng 11 cuộc hội thảo, các sinh viên sẽ rèn luyện được kỹ năng cần thiết cho công việc như khả năng suy nghĩ độc lập, phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề...
2. Nghiên cứu về David Beckham
Khóa học về David Beckham diễn ra trong 12 tuần. Sinh viên sẽ tìm hiểu về các kiểu tóc, cuộc hôn nhân với Victoria Beckham của David, cũng như lý giải nguyên nhân anh trở thành "biểu tượng của các biểu tượng".
Nguyên nhân là vì David Beckham là một phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu về nền văn hóa bóng đá nước Anh.
3. Học làm nàng tiên cá
Trường dạy làm nàng tiên cá đầu tiên được thành lập tại Singapore năm2015 bởi Syrena - nghệ sĩ đầu tiên tại quốc đảo sư tử vào vai nhân vật này để biểu diễn.
Trường tuyển sinh tất cả những người biết bơi và hứng thú với nàng tiên cá. Học phí cho một khóa học khoảng 490 USD (gần 11 triệu đồng), chưa bao gồm phí thuê đuôi.
Theo Syrena, khóa học đào tạo nàng tiên cá giúp học viên phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Họ có thể giữ dáng, tăng cường sức khỏe, thư giãn và kết bạn với những người có chung sở thích.
4. Nghiên cứu về Lady Gaga
Đây là ngành học tại trường ĐH Nam Carolina của Mỹ, nghiên cứu về toàn bộ sự nghiệp của Lady Gaga qua góc nhìn xã hội học. Bởi các giáo sư của trường cho rằng, con đường dẫn tới thành công của nữ ca sĩ kỳ quái có rất nhiều điều thú vị đáng để học hỏi.
5. Béo phì học - Nghiên cứu về béo phì
Béo phì là một trong những vấn đề sức khoẻ đáng báo động nhất hiện nay, vậy nên ở trường Đại học George Washington đã có riêng một khoá học chuyên nghiên cứu về căn bệnh này qua sách vở, phim ảnh, bộ môn nhân chủng học và cả những buổi hội thảo.
6. Nghiên cứu về đám ma
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng có tới hơn 30 bang ở Mỹ có các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu về ngành này, nổi bật là Khoa học Tang lễ tại ĐH Quận Columbia. Tại đây, các sinh viên có thể nghiên cứu sâu về xác chết và dịch vụ lễ tang .
Để tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành các môn học như Giải phẫu học, Sinh lý học, Bệnh lý học, Định hướng Dịch vụ Tang lễ, Lý thuyết Xác ướp, Kỹ thuật ướp xác, Nghệ thuật Phục hồi thi thể, Luật Dịch vụ Tang lễ và Quản trị Kinh doanh.
7. Khóa học "trải nghiệm cái chết"
Tuy không phải là một ngành học trong trường đại học, nhưng nó đang là ngành học hot đối với giới trẻ Hàn Quốc khi đây là quốc gia có số người tự tử nhiều thứ 2 trên thế giới.
Học viên tham gia lớp học này chính là các em học sinh, sinh viên đang chịu áp lực thi cử, những người bị trầm cảm hoặc những người có ý định tự tự vì cảm thấy bản thân bất tài, vô dụng… mục đích là tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Trong khóa học này, họ được in ảnh thờ, chào tạm biệt người thân, mặc quần áo của người chết, bày tỏ ước nguyện cuối đời của mình và nằm trong quan tài đóng kín. Sau 10 phút họ sẽ được trả lại sự sống.
8. Học làm quý tộc
Đây cũng không phải là một ngành học bắt buộc tại một trường đại học nào, nhưng lại được ưa chuộng ở các trung tâm giáo dục tại Trung Quốc.
Theo ông Liu Hanyang, Giám đốc 1 trung tâm đào tạo nghi thức ở Thượng Hải, giới siêu giàu và giàu ở Trung Quốc hiện không xem trang sức, quần áo đắt tiền là chuẩn mực đo “địa vị” của mình nữa, mà chuyển sang quan tâm đến hành vi, lối ứng xử sao cho phải thật lịch sự, cao cấp.
Tại lớp học, các học viên sẽ được hướng dẫn nhiều cách để trở thành người thuộc tầng lớp thượng lưu đúng nghĩa như học bắt tay, giao tiếp bằng mắt, trao đổi, phát biểu ý kiến sao cho thật chuyên nghiệp, hiệu quả và thậm chí là học cách gắp thức ăn cho người khác trên bàn tiệc.
(Theo Đất Việt)