Len lỏi sâu trong rừng già, anh Nguyễn Việt Hùng - thành viên “Đội chăm sóc động vật hoang dã” của Vườn quốc gia Vũ Quang lặng lẽ quan sát những cá thể động vật vừa được tái thả lại tự nhiên sau nhiều tháng được cứu hộ và chăm sóc tại vườn.

Từ cuối năm 2018, Vườn quốc gia Vũ Quang thành lập “Đội chăm sóc động vật hoang dã” với mục tiêu bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời gìn giữ đa dạng sinh học của vườn.

Đội hiện có 6 thành viên, công việc hằng ngày là tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã 24/24 giờ.

vu quang2 (1).jpg

“Những cá thể động vật được đưa đến Vườn quốc gia Vũ Quang thường thông qua hai hình thức: do người dân tự nguyện giao nộp hoặc cán bộ tuần tra phát hiện khi chúng đang mắc bẫy, bị thương. Do chưa có trung tâm cứu hộ, nên trong nhiều tình huống khẩn cấp, các thành viên của “Đội chăm sóc động vật hoang dã” trở thành “bác sỹ” bất đắc dĩ, đảm nhiệm sơ cứu, xử lý, can thiệp sâu vào vết thương trên cơ thể động vật.

Công việc cứu hộ động vật hoang dã khá vất vả, có khi còn nguy hiểm. Nhưng khi mỗi lúc đưa được một cá thể động vật được trở về tự nhiên, chúng tôi lại được tiếp sức bởi những cảm xúc đặc biệt khó quên”, anh Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

vu quangBai 2_1.jpg

Cũng theo anh Hùng, làm bác sỹ của động vật nuôi vốn đã khó, với những loài động vật hoang dã càng khó và dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp. Ðiều quan trọng nhất là quá trình cứu chữa, chăm sóc không làm mất đi bản tính hoang dã, để các cá thể dễ hoà nhập môi trường tự nhiên khi tái thả.

Các cá thể bị nuôi nhốt lâu mất tập tính hoang dã và bản năng tự nhiên sẽ không đủ điều kiện sinh tồn, vì vậy “Đội chăm sóc động vật hoang dã” thường phải mất nhiều thời gian để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho các cá thể này, sau đó đưa ra khu bán hoang dã cho thích nghi dần rồi mới đưa về môi trường tự nhiên.

vu quangBai 2_2 (1).jpg

Bên cạnh đó, để giữ được ngôi nhà chung cho các loài động vật hoang dã, Ban Quản lý Vườn đã phối hợp với các bên liên quan thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên giai đoạn 5 năm, từ tháng 7/2021 - 6/2026. Mục tiêu của dự án nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng, đồng thời duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã có giá trị bảo tồn cao, biến vườn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai.

Từ sự hỗ trợ của dự án, vườn đã lập 2 tổ công tác, thực hiện 21 đợt tuần tra trong 114 ngày để tháo gỡ các bẫy thú còn sót lại trong rừng. Cùng với đó, hoạt động giám sát thông qua bẫy ảnh tại vườn đã triển khai từ tháng 11/2023. Các điểm bẫy ảnh có khoảng cách mỗi điểm là 2,5 km. Khi có cảm ứng nhiệt, cảm ứng chuyển động của động vật hoang dã thì các máy cảm biến sẽ tự động chụp, hoặc quay lại hình ảnh trong phạm vi di chuyển. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành đặt và thu 85 điểm.

Ban quản lý vườn cho biết, dựa vào kết quả điều tra bằng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, ghi nhận hình ảnh hai cá thể voi rừng gồm một con đực, một con cái trưởng thành. Hiện hai con voi sống trên một hòn đảo rộng khoảng 400 ha, thuộc khu vực huyện Ngàn Trươi.

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cũng phối hợp với vườn, thực hiện quá trình đặt, thu điểm bẫy ảnh nhằm phục vụ giám sát đa dạng sinh học. Nhóm thực hiện cũng ghi nhận 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm thông qua bẫy ảnh.

“Lần đầu tiên, chúng tôi có trong tay dữ liệu để xác nhận quần thể động vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đồng thời, kết quả điều tra cũng cho thấy những tín hiệu tích cực nhờ sự đầu tư đúng đắn từ phía Chính phủ Việt Nam, chung tay cùng các tổ chức trong nước và quốc tế để bảo tồn động vật. Giờ là thời điểm vàng bắt đầu chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nạn bẫy bắt động vật”, ông Nick Cox - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học tại vườn cho biết.

vu quang6.png

Nhờ hàng loạt hoạt động được triển khai, môi trường tự nhiên và sự đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã được duy trì, có nhiều dấu hiệu tích cực, tạo điều kiện để Vườn phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thu hút du khách ghé thăm. Từ đó tạo nguồn thu cho các hoạt động bảo tồn và nâng cao nhận thức cho mọi người cùng chung tay giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng.

Ảnh: Ban quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang