Cho đến thời điểm này, Viettel vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Hiện Viettel đã có mặt tại 9 nước với dân số gấp 2 lần dân số Việt Nam. Viettel đang có một thị trường bằng 2 lần Việt Nam. Thế nhưng, nếu so với các tập đoàn viễn thông nước ngoài thì Viettel đầu tư ra nước ngoài sau đến 20 năm. Các công ty đối thủ đầu tư ra nước ngoài đã hoàn vốn và có lãi. Những thị trường mà Viettel đầu tư là những thị trường rất khó khăn. 

Mới đây Viettel đã đầu tư vào những quốc gia tiềm ẩn nhiều bất ổn về chính trị như Burundi hay đến với những quốc gia đã trải qua thảm họa như Haiti… Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Trước khi quyết định đầu tư vào những thị trường này, chúng tôi  đều xác định sẽ có nhiều rủi ro, đặc biệt là về chính trị. Các quốc gia này đều đa chế độ, đa đảng. Đất nước của họ nghèo nên sự bất ổn diễn ra thường xuyên. Vì đã xác định, nên Viettel có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Chúng tôi nhận định, dù chính quyền hay chế độ chính trị có thay đổi, thì lý do Viettel đến đó chủ yếu vẫn là để xây dựng mạng viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ cho đất nước, góp phần hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ấy.  Khi chúng tôi đã chuẩn bị thật kỹ cho những gì có thể xảy ra và chúng tôi đã có đề phòng rồi thì không có gì là bất ngờ và cũng không có gì gây ra sợ hãi".

“Nhờ kinh nghiệm làm tại nhiều quốc gia khó khăn nên việc xây dựng tổ chức và tuyển chọn nhân viên tại những nơi này được chúng tôi đặc biệt chú ý. Người Viettel đi nước ngoài không chỉ được trang bị kiến thức mà còn phải có ý chí, sức khỏe, sự quyết tâm, những trải nghiệm trong cuộc sống… Cán bộ quản lý của chúng tôi đều đã chinh chiến qua nhiều thị trường khác nhau đi làm tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, kỉ luật quân đội mà những cán bộ, nhân viên được rèn luyện qua những khóa huấn luyện quân sự khi mới bước chân vào Viettel, môi trường quân đội ở Viettel cũng đã tạo nên ý chí cho con người Viettel khi rơi vào các hoàn cảnh khó khăn", ông Lê Đăng Dũng nói.

Ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh rằng, khó khăn chính là sức mạnh tạo nên sự quyết tâm cho người Vietel. Người nào đã xung phong đi hoặc người nào được chọn đi nước ngoài, phải khẳng định đều có ý chí và sự mạnh mẽ hơn những người làm việc trong nước.

“Khó khăn chính là sức mạnh tạo nên sự quyết tâm cho người Vietel. Người nào đã xung phong ra đi hoặc người nào được chọn đi nước ngoài, đều phải là những người có ý chí và sự mạnh mẽ. Chúng tôi cũng là những người quen chịu khổ, chịu khó. Đó cũng là một trong những tố chất của người Việt Nam. Ai có thể tin được người Việt Nam đi làm giám đốc thị trường mà ăn ngủ cũng như anh em, cũng nằm rừng, cũng cùng anh em đi kéo cáp… .Tuy nhiên, cơ hội cũng nằm trong khó khăn” ông Lê Đăng Dũng nói thêm.

Trong buổi làm việc với Viettel, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành tựu của Viettel đã đạt được vừa là niềm tự hào của đất nước, của quân đội và còn chứng mình chủ trương xây dựng, phát triển các doanh nghiệp quân đội của Đảng và Nhà nước là đúng đắn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng Viettel không thỏa mãn với thành tựu, không chủ quan trên con đường hiện thực hóa khát vọng, không chần chừ để bị tụt hậu, bị vượt qua mà cần nỗ lực quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu của khu vực và thế giới, cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Viettel tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng các cơ chế, chính sách hiệu quả để tạo động lực, đồng thời thu hút và xây dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.