Nếu là fan của Disney, ai cũng nhận ra "nhà Chuột" đang có xu hướng quay về khai thác các thương hiệu phim cũ. Bằng chứng là hàng loạt dự án live-action sẽ ra mắt trong vài năm tới. Tuy vậy, trái với sự háo hức của phần đông người hâm mộ, không ít khán giả thiếu niềm tin ở những bộ phim chuyển thể này. Những dự án live-action có thể thất bại tại phòng vé hoặc các giải thưởng vì những lý do dưới đây.

1. Tư tưởng hoài cổ của khán giả

Công chúng thường có định kiến với các phiên bản làm lại, làm mới của những thương hiệu phim kinh điển. Các bản phim cũ luôn để lại ký ức tốt đẹp vì đã gắn với tuổi thơ khán giả, với lịch sử của điện ảnh thế giới. Vì vậy không ngạc nhiên khi các bản phim remake không tạo được cơn sốt dù làm rất tốt. Những bộ phim hoạt hình vẽ tay của Disney đã là "bức tường thành" khó thay thế nên bản phim live-action sẽ không tránh khỏi sự khắt khe.

2. Đánh mất giọng lồng tiếng kinh điển

Nhiều nhân vật nổi tiếng của Disney được gắn với giọng lồng tiếng xuất sắc. Khi chuyển thể thành phim người đóng, giọng nói nhân vật sẽ bị thay đổi. Điều này có thể làm phật lòng các khán giả trung thành của bản cũ.

3. Đồ họa kỹ xảo quá đà không phải là ý tưởng được chào đón

Các bộ phim Disney thường có bối cảnh thế giới thần tiên, cổ tích, các nhân vật siêu nhiên. Vì vậy việc sử dụng đồ họa kỹ xảo mạnh tay là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên khán giả có vẻ không quá mặn mà với giải pháp này. Bằng chứng là nhiều bộ phim nặng CGI như Alice ở xứ sở kỳ diệu, Mars Need Moms... đã bị chê tơi bời.

4. Không phải nhân vật nào cũng có thể đóng được

Ưu điểm số 1 của hoạt hình đó là cho phép người họa sĩ thoải mái thiết kế tạo hình, nhân vật không bị gò bó trong một vóc dáng cụ thể. Nhiều nhân vật Disney có ngoại hình đặc biệt như Quasimodo (Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà), 7 chú lùn (Bạch Tuyết và 7 chú lùn), Jafar (Aladdin)... rất khó để hóa thân kể cả dùng đến kỹ thuật hóa trang khéo léo. 

5. Thời lượng bị hạn chế

Với những series phim hoạt hình dài, việc chuyển thành live-action tạo ra hạn chế thời lượng, có thể đánh mất sự trọn vẹn của tác phẩm. Các biên kịch sẽ phải chuyển những câu chuyện nhỏ nhẹ nhàng được kể trong nhiều tập phim thành một tổng thể có cao trào, có đóng - mở trong 90 phút. Nếu không khéo léo, bộ phim sẽ trở nên lỏng lẻo và rời rạc.

6. Liệu còn giữ được những giai điệu kinh điển?

Người hâm mộ lo sợ rằng việc thay đổi giọng nói của các nhân vật khi lên phim đồng nghĩa với việc mất đi những giai điệu quen thuộc. Không ít các bài hát nhạc phim của Disney đã trở nên nổi tiếng hơn cả chính bộ phim. Việc thiếu hụt các ca khúc này sẽ khiến bản live-action thiếu hẳn sức hấp dẫn.

7. Không phải bộ phim nào cũng thích hợp làm live-action

Trong số các dự án live-action mà Disney công bố, The Lion King và Winnie-the-Pooh khiến khán giả khá hoang mang về cách chuyển thể. 2 bộ phim không hề có sự xuất hiện của con người, các nhân vật con thú chắc chắn sẽ phải dựng bằng kỹ xảo 100%. Vậy một bộ phim mà nhân vật hoàn toàn là sản phẩm của máy tính thì có được gọi là "phim người đóng"? Theo nhiều fan Disney, những bộ phim như thế này không thích hợp để chuyển thể live-action.

8. Trung thành nguyên tác hay phá cách đổi mới đều gây tranh cãi

Khi một tác phẩm được làm lại, điều mà khán giả quan tâm nhất là nó sẽ trung thành với bản gốc hay được biến tấu hoàn toàn mới. Cách làm nào cũng có thể dẫn đến thất bại cho bộ phim. Nếu phá cách quá đà, bộ phim sẽ đánh mất những giá trị của nguyên bản. Nếu trung thành tuyệt đối với bản gốc như trường hợp Người đẹp và Quái vật, khán giả sẽ đặt câu hỏi "vì sao phải xem một bản mới giống hệt trong khi đã có bản cũ quá đẹp và xuất sắc?". Vậy nên yêu cầu đặt ra với các live-action là trung hòa 2 yếu tố, mà điều này không hề dễ dàng chút nào.

 

Emily