- Cây sáo được nạm vàng ròng 24karat và đính pha lê Swarovski, cây violin 300 tuổi trị giá 20 triệu đô la…

Những ngôi sao hàng đầu của làng nhạc cổ điển thế giới chọn nhạc cụ gì để thể hiện đẳng cấp của họ bên cạnh kỹ thuật siêu đẳng và khả năng cảm nhận âm nhạc khác người? Những thông tin dưới đây có thể khiến nhiều người choáng váng.


Nghệ sĩ Sarah Chang.

Người yêu nhạc cổ điển hẳn còn nhớ sự xuất hiện của nghệ sĩ vĩ cầm gợi cảm Sarah Chang trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đầu năm 2010. Không chỉ nổi tiếng với sắc đẹp trời phú, những bộ đầm hết sức thời trang trên sân khấu cùng tiếng violin điêu luyện, Sarah Chang còn nổi tiếng là chủ sở hữu của cây violin quý hiếm bậc nhất thế giới, thứ cô luôn nâng niu như một vật báu.

Nghệ sĩ violin nổi tiếng Sarah Chang, nhân vật chính của hoà nhạc Hennessy 2010 là chủ sở hữu cây violin hiệu Guarneri del Gesu được làm từ năm 1717. Đây là một trong số cực ít những cây violin hiệu này còn sót lại. "Đó thực sự là một món đồ cổ, nó được lưu giữ trong bảo tàng. Nó khá quý hiếm và tôi mua lại cách đây hơn 10 năm. Âm thanh của nó rất sâu lắng, trầm và hình dáng cây đàn cũng rất mềm mại, quyến rũ", Sarah Chang chia sẻ với VietNamNet.

Một nghệ sĩ violin nổi tiếng khác, người được tạp chí TIME chọn là nghệ sỹ nhạc cổ điển trẻ tuổi ưu tú nhất châu Mỹ năm 2001 là Hilary Hahn cũng từng biểu diễn tại VN trong chương trình hoà nhạc Hennessy 2005. Nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy này là chủ sở hữu của nhiều cây violin rất quý trong đó có cây violin Vuillaume sản xuất năm 1864.


Julian Lloyd Webber

Những ai quan tâm đến đời sống âm nhạc cổ điển hẳn không quên sự xuất hiện lần đầu tiên của nghệ sĩ cello người Anh, Julian Lloyd Webber, trong chương trình Hòa nhạc Hennessy 2009. Đi cùng ông luôn có cây cello hiệu ’Barjansky’ Stradivariuss bên cạnh, một cây đàn đã hơn 300 năm tuổi. Đây là nhạc cụ duy nhất Julian Lloyd Webber sử dụng trong hơn 100 buổi biểu diễn trên toàn thế giới những năm qua.

"Lý do tôi chọn cây đàn này vì nó có âm thanh rất tốt. Đặc biệt nó có thể phóng âm thanh rất khỏe trong những khán phòng hoặc nhà hát cực lớn. Cây đàn này cũng được bảo quản trong tình trạng rất tốt. Tôi thì thường xuyên phải lưu diễn trên thế giới rất nhiều mà các nhạc cụ dây lại rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên, với cây đàn cello này thì là một ngoại lệ. Âm thanh của nó rất ổn định, ít khi phải chỉnh lại dây nên tôi đặc biệt yêu thích cây đàn này", Julian Lloyd Webber nói.


Nghệ sĩ cello huyền thoại Mstislav Rostropovich.

Trước Julian Lloyd Webber, công chúng yêu nhạc cổ điển cũng đã có dịp thưởng thức tiếng đàn cello của thuyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich với 2 đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM cách đây 15 năm. Đến Việt Nam, Mstislav Rostropovich mang theo cây cello Duport Stradivarius được ông sử dụng từ năm 1978. Cây cello này được nghệ sĩ làm đàn nổi tiếng người Ý, Antonio Stradivari, làm từ năm 1711. Sau này nó được đặt theo tên của nghệ sĩ cello Jean-Pierre Duport, người đã chơi nhạc cụ này vào những năm 1800.


Mstislav Rostropovich và cây đàn cello đã đi vào lịch sử.

Năm 1812, Duport cho Napoleon Bonaparte mượn cây cello quý giá này. Năm 1843, con trai của Duport đã bán nó với giá 22.000 Phăng Pháp (FRF). Duport Stradivarius về sau được nhà sản xuất nhạc cụ Jean Baptiste Vuillaume sử dụng như hình mẫu chuẩn. Duport là một trong những dòng cello hiệu Stradivari giá trị nhất hiện còn. Cây cello Duport Stradivarius được Mstislav Rostropovich sử dụng từ năm 1974 cho tới khi ông mất (2007). Năm 2008, nó đã được gia đình ông bán cho quỹ âm nhạc Nippon của Nhật (Nippon Music Foundation). Tổ chức chuyên cho các nghệ sĩ mượn nhạc cụ này đã mua lại cây đàn với giá 20 triệu đô la, mức giá kỷ lục cho một nhạc cụ.


Andrea Griminelli giới thiệu cây sáo bằng vàng ròng trong chuyến lưu diễn tại VN.

Cách đây 4 năm, công chúng Hà Nội đã từng choáng váng khi được chiêm ngưỡng cây sáo nạm vàng ròng của nghệ sĩ sáo người Ý Andrea Griminelli, người từng được New York Times đánh giá là một trong 8 nghệ sĩ hàng đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Andrea Griminelli lần đầu tới VN biểu diễn trong chương trình Hòa nhạc Hennessy lần thứ 12. Tới Hà Nội, Andrea Griminelli mang theo 1 cây sáo bằng vàng 24karat và 1 cây sáo bằng bạc bên ngoài đính pha lê Swarovski do hãng này sản xuất riêng cho ông. Đây là hai cây sáo có một không hai trên thế giới.  

Trong  một cuộc giao lưu với độc giả VietNamNet khi được hỏi "cây sáo của anh có gì đặc biệt?", Andrea Griminelli cho hay: "Tôi có rất nhiều cây sáo khác nhau. Tôi vừa mới có thêm một cây sáo mới bằng vàng. Cây sáo nào có một âm thanh rất đặc biệt, rất sáng, rất dễ dàng để thay đổi cảm xúc theo ý tôi. Cũng giống như một chiếc Ferrari, việc khởi động nó khá khó nhưng khi khởi động thành công thì bạn có thể lái nó rất dễ dàng và nhanh.



Sẽ rất khó khăn cho các nghệ sĩ khác biểu diễn cây sáo này nhưng với tôi thì dễ dàng. Tôi còn có một cây sáo bằng bạc nữa. So với cách đây 30 năm, phần lớn các cây sáo làm bằng kim loại bây giờ có giá rất rẻ. Nhưng cây sáo bạc của tôi ưu việt hơn rất nhiều. Các nghệ sĩ sáo ngày nay có điều kiện thuận lợi hơn trong việc chơi sáo. Cũng giống như Violin, hình dáng của nó về cơ bản không có gì thay đổi so với khi nó ra đời hơn 500 năm về trước, nhưng sáo bây giờ đã có rất nhiều cải tiến".

Xuất hiện trong các buổi hoà nhạc đỉnh cao tại VN, bên cạnh các nghệ sĩ volin, cello cùng nhiều giọng opera nổi tiếng thế giới còn có nhiều nghệ sĩ piano hàng đầu như: Lang Lang, Jean-Yves Thibaudet, Maxim Mogilevsky, Svetlana Smolina, Lambert Orkis... Tuy nhiên, công chúng VN lại không có cơ hội được chiêm ngưỡng những cây đàn piano riêng của họ vì nhiều lý do.

"Không giống như những nghệ sĩ chơi các nhạc cụ khác như violin hay guitar, chúng tôi không thể mang cây piano đến khắp nơi trên thế giới được. Mỗi nơi tôi biểu diễn đều có một điều kiện khác nhau, mỗi nơi sẽ có một cây đàn khác nhau và lúc đó đành phải phó mặc điều đó. Nếu gặp được một cây đàn tốt thì có thể dẫn tới một đêm diễn hoàn hảo và dù cây đàn đó có tồi đi chăng nữa thì cũng vẫn phải cố gắng hết mình. Khán giả không cần biết cây đàn đó là tốt hay dở, họ chỉ cần thưởng thức những giai âm hoàn hảo mà chúng tôi mang tới. May mắn là thời gian gần đây ở các nhà hát và các khán phòng trên thế giới đều có những cây piano chất lượng cao cả", nghệ sĩ piano người Pháp Jean-Yves Thibaudet nói.

Hạnh Phương