Một số ý tưởng phổ biến về ung thư bắt đầu và lan rộng, mặc dù sai về mặt khoa học, nhưng dường như nhiều người lại cho rằng nó có lý, đặc biệt khi những ý tưởng này lại có gốc rễ từ những lý thuyết cũ.

{keywords}

Những tư tưởng sai lạc về ung thư có thể dẫn đến những lo lắng không cần thiết thậm chí cản trở quá trình ngăn ngừa ung thư hiệu quả và các quyết định điều trị đúng đắn. Bài viết này cung cấp những thông tin mới nhất dựa trên cơ sở khoa học về những lời đồn hoang đường và nhận thức sai lầm về ung thư thường gặp.

Ung thư có phải là án tử hình?

Tại Mỹ, khả năng chết vì ung thư đã giảm mạnh từ những năm 1990. Tỷ lệ sống sót 5 năm sau điều trị một số loại ung thư ví dụ như ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tuyến giáp đã  vượt trên 90%. Tỷ lệ sống sót sau điều trị ung thư 5 năm cho tất cả các loại ung thư kết hợp lại hiện nay là khoảng 66%.

Đó là điều quan trọng cần ghi nhớ, tuy nhiên rằng các tỷ lệ này dựa trên dữ liệu nghiên cứu một lượng bệnh nhân rất lớn. Một bệnh nhân ung thư cụ thể sẽ sống bao lâu và liệu rằng họ có chết vì căn bệnh ung thư mà họ mắc phải hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm ung thư của họ phát triển nhanh hay chậm, ung thư xâm lấn nhiều hay ít trên cơ thể, bệnh nhân có tiếp cận được phác đồ điều trị tốt hay không, sức khỏe tổng thể của người đó ra sao và nhiều yếu tố khác.

Việc ăn đường làm cho ung thư diễn biến xấu đi?

Không. Mặc dù có nghiên cứu chỉ ra rằng tế bào ung thư tiêu thụ nhiều đường (đường glucose) hơn tế bào khỏe mạnh bình thường, nhưng không có một nghiên cứu nào chứng minh được ăn đường sẽ làm cho ung thư diễn biến xấu đi hoặc là nếu bạn không ăn đường thì ung thư sẽ teo lại hoặc biến mất. Tuy nhiên, một chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bệnh nhân ung thư tăng cân và béo phì có liên quan tới việc tăng nguy cơ phát triển một vài loại ung thư.

Các chất làm ngọt nhân tạo gây ra ung thư?

Không. Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về sự an toàn của các chất làm ngọt nhân tạo (các chất thay thế cho đường tự nhiên) saccharin - đường sacarin (tên thương mại là Sweet 'N Low®, Sweet Twin®, NectaSweet®); đường hóa học - cyclamate; đường hóa học ít năng lượng - aspartame (tên thương mại là Equal®, NutraSweet®); Kali đường - acesulfame potassium (tên thương mại là Sunett®, Sweet One®); đường sucralose - làm từ củ cải đường hoặc cây có vị ngọt (tên thương mại là Splenda®) và không tìm được bằng chứng chúng gây ra ung thư ở người. Tất cả các chất làm ngọt nhân tạo này đường gọi chung là đường hóa học và được thông qua bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ. Để có thêm thông tin về vấn đề này, vui lòng tìm đọc báo cáo về “Chất làm ngọt nhân tạo và Ung thư - Artificial Sweeteners and Cancer.

Ung thư là bệnh truyền nhiễm?

Về cơ bản, ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm tức là không dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Tình huống duy nhất mà trong đó ung thư truyền từ người này sang người khác là qua cấy ghép nội tạng hoặc tế bào. Một người nhận nội tạng hoặc tế bào từ một người hiến tặng mắc ung thư trong quá khứ có thể tăng nguy cơ ung thư phát triển qua bộ phận cấy ghép của người nhận trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ là vô cùng thấp - chỉ rơi vào khoảng 2 trường hợp trong số 10,000 ca cấy ghép nội tạng. Các bác sĩ luôn tránh sử dụng nội tạng và tế bào của người hiến tặng có tiền sử mắc ung thư.

Ở một số người, bệnh ung thư gây ra bởi một số loại vi - rút (ví dụ một vài loại vi-rút gây bướu ở người, hay vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung) hoặc vi khuẩn H.Pylori gây các bệnh về dạ dày (Helicobacter pylori). Trong khi một số loại vi-rút hoặc vi khuẩn có thể lây truyền từ người sang người, các loại ung thư do các loại vi-rút nêu trên gây ra lại không thể lây truyền từ người này sang người khác.

Thái độ tiêu cực và tích cực có liên quan đến rủi ro mắc ung thư hoặc quyết định sự hồi phục trong điều trị ung thư?

Tới nay, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào chỉ ra mối liên kết giữa thái độ của một người đối với việc người đó có nguy cơ phát triển bệnh ung thư hoặc chết vì ung thư. Nếu không may mắc ung thư, hoàn toàn là bình thường nếu người đó đôi khi  cảm thấy buồn đau, tức giận, thậm chí tuyệt vọng đôi khi lại lạc quan và vui vẻ. Những người có thái độ lạc quan vẫn có thể duy trì các mối quan hệ xã hội, năng động và các hoạt động thể chất. Các hỗ trợ tinh thần có thể giúp họ đối mặt với ung thư một cách tốt nhất.

Phẫu thuật cắt u hoặc sinh thiết u có thể làm cho ung thư lan ra toàn cơ thể?

Khả năng phẫu thuật làm cho ung thư lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thế là vô cùng thấp. Tuân theo những quy trình chuẩn mực, các bác sĩ phẫu thuật sử dụng những phương pháp đặc biệt và phải làm nhiều bước để ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng trong quá trình sinh thiết hoặc phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Ví dụ, nếu họ phải cắt bỏ tế bào ung thư từ hai phần khác nhau của cơ thể, họ phải dùng hai bộ dụng cụ phẫu thuật khác nhau.

Ung thư sẽ tiến triển nhanh nếu nó bị phơi lộ ra ngoài không khí?

Không. Việc ung thư phơi lộ ra bên ngoài không khí sẽ không làm cho khối u phát triển nhanh hơn hoặc không làm cho ung thư xâm lấn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Dùng điện thoại di động sẽ gây ung thư?

Không. Nguyên nhân của ung thư là do đột biến gen và điện thoại di động là một phương tiện sử dụng năng lượng tần số thấp không gây ảnh hưởng tới gen.

Đường dây điện có thể gây ung thư?

Không. Đường dây điện phát ra năng lượng điện và từ trường. Năng lượng điện được truyền dẫn bởi hệ thống dây, cáp và rất dễ dàng bị che chắn và yếu đi bởi bờ tường và các vật thể. Năng lượng từ trường được truyền dẫn bởi hệ thống dây, cáp là loại phóng xạ năng lượng tần số thấp và cũng không gây hại cho gen.

Các sản phẩm thảo dược có thể cứu, chữa khỏi được ung thư?

Không. Mặc dù một vài nghiên cứu khuyến nghị rằng các phương pháp điều trị thay thế và điều trị bổ sung bao gồm một vài loại thảo dược có thể giúp bệnh nhân chiến đấu và vượt qua các tác dụng phụ của các phác đồ điều trị ung thư của tây y một cách tốt hơn, nhưng không có một sản phẩm thảo dược nào được chứng minh là có hiệu quả điều trị ung thư. Thực tế, một số sản phẩm thảo dược có thể gây hại khi uống chung trong thời kỳ truyền hóa chất hoặc xạ trị bởi vì nó ngăn cản phác đồ điều trị phát huy tác dụng. Bệnh nhân ung thư nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ sản phẩm dược bổ sung hoặc thay thế nào - bao gồm cả vitamin và các thực phẩm chức năng thảo dược - mà họ có thể sẽ sử dụng.

Nếu có ai đó trong gia đình mắc ung thư, tôi có thể cũng sẽ mắc ung thư đúng không?

Không nhất thiết. Nguyên nhân gây ra ung thư là sự biến đổi không bình thường của gen. Chỉ có khoảng từ 5-10% số người mắc ung thư là do gen gây ra do họ thừa kế gen từ bố mẹ mình. Trong các gia đình có thừa kế gen di truyền gây ung thư, thường thì nhiều thành viên trong gia đình sẽ cùng mắc một loại bệnh ung thư. Những loại ung thư này gọi là ung thư có tiền sử gia đình - ung thư có tính chất “cận hệ”.

90-95% số người mắc ung thư còn lại là do đột biến gen xảy ra trong quá trình sống như là một kết quả tự nhiên của việc già đi hoặc là phơi nhiễm một vài yếu tố môi trường ví dụ như khói thuốc lá hoặc nhiễm phóng xạ. Những người mắc ung thư dạng này thì được gọi là ung thư không có tiền sử gia đình hoặc là ung thư ngẫu nhiên.

Nếu như không ai trong gia đình tôi mắc ung thư thì  tôi sẽ không có nguy cơ mắc ung thư?

Không. Dựa trên những dữ liệu nghiên cứu gần đây nhất khoảng 40% nam giới và phụ nữ sẽ nhận chẩn đoán mắc ung thư trong suốt cuộc đời của mình. Hầu hết các loại ung thư là do đột biết gen và có thể xảy ra trong suốt cuộc đời một con người như là kết quả tự nhiên của việc lão hóa, phơi nhiễm một vài yếu tố môi trường như khói thuốc là, phóng xạ. Các yếu tố khác như thực phẩm mà bạn ăn, bạn ăn bao nhiêu và liệu bạn có tập thể dục hay không cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư.

Các chất khử mùi, ngăn mồ hôi gây ra ung thư vú?

Không. Đến nay, những nghiên cứu tốt nhất đều không tìm ra được bằng chứng liên quan giữa các chất hóa học có trong thành phần của các sản phẩm khử mùi, ngăn mồ hôi và nguyên nhân thay đổi các tế bào vú.

Các sản phẩm nhuộm tóc tăng nguy cơ gây ung thư?

Không có bằng chứng thuyết phục nào về việc sử dụng thuốc nhuộm tóc làm tăng nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khuyến nghị rằng những thợ cắt tóc, thợ làm đầu thường xuyên tiếp xúc với một lượng lớn thuốc nhuộm và các sản phẩm hóa chất khác có thể tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang.

Thương Sobey (Theo cancer.org)