Gần đây, có nhiều tuyên bố cấp tập của Tập Cận Bình, Chủ tịch Nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc và cũng là Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương (CMC) liên quan tới những cải cách quan trọng với quân đội nước này (PLA).

Lật con bài chính trị của ông Tập Cận Bình

Dựa trên các tuyên bố chính thức và những đồn đoán nhiều nhà quan sát kỳ cựu đã sốt sắng liệt kê một loạt vấn đề xung quanh những cải cách quan trọng với PLA.

Chẳng hạn, các nhà quan sát đặc biệt chú ý việc ông Tập thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược và cân nhắc quy mô phát triển của lực lượng này trong PLA xét về các hoạt động chức trách cũng như vai trò và sứ mệnh chính xác của nó. Các chuyên gia phân tích cũng đề cập đến các vấn đề như những thành viên trong tương lai của CMC và mức độ hợp tác của các lãnh đạo cấp cao nhất trong PLA sẽ như thế nào sau các cải cách.

Hiểu cặn kẽ hướng cải cách này sẽ giúp người ta hiểu được đường hướng hiện đại hóa PLA trong tương lai gần cũng như phán đoán được phần nào mối quan hệ giữa ông Tập với quân đội. Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Tập đang có "ảnh hưởng lớn” với quân đội nước này.

“Đả hổ”, không quên “diệt ruồi”

{keywords}

Ông Tập đang có "ảnh hưởng lớn” với quân đội nước này. Ảnh: Reuters

Khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012, ông đã tuyên bố chống lại cả "hổ" và "ruồi", ám chỉ việc ông sẽ xử lý các quan chức lãnh đạo cấp cao cũng như các viên chức cấp thấp nếu có dính líu vào những hành động tham nhũng. PLA cũng không phải là ngoại lệ.

Phát súng cảnh cáo đầu tiên đã nhắm vào "các con hổ". Năm 2014, cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu đã bị bắt với cáo buộc "đổi tiền lấy chức vị". Tiếp đó, một cựu Phó chủ tịch CMC khác là Quách Bá Hùng cũng bị bắt với cáo buộc tương tự.

Những vụ bắt giữ này chưa từng có tiền lệ, và cả ông Từ và ông Quách đều nắm giữa các vị trí cấp cao nhất trong PLA. Tính đến đầu tháng 3/2016, ít nhất 44 quan chức quân đội đã bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, con số thực tế có thể cao hơn.

Và, đã có ít nhất 16 quan chức PLA cấp thấp cũng đang đối mặt với những cáo buộc liên quan tới hối lộ.

Gần 1.600 cá nhân trong hệ thống đang bị điều tra, khai trừ Đảng hoặc đã bị bắt giữ vì cáo buộc liên quan tới tham nhũng kể từ khi ông Tập tuyên chiến với tham nhũng.

Khác với cách xử lý của người tiền nhiệm, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập khá mạnh tay khi áp dụng kỷ luật  với các đối tượng này bằng việc khai trừ khỏi đảng và các hình thức xử phạt nghiêm khắc khác.

Kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, những người kế nhiệm ông có xu hướng chú trọng đến cách suy nghĩ mang tính thực tế và khoa học, hơn là tiến hành công việc hàng ngày theo tư tưởng của Mao. Tuy nhiên, ông Tập tin rằng, sự thiếu can thiệp của các lãnh đạo dân sự đã dẫn tới việc PLA xa rời sự giám sát của đảng. Điều này, lý giải tại sao nhiều quan chức PLA đã tham nhũng, lộng quyền.

Do đó, nhân lễ kỷ niệm 85 năm cái gọi là Đại hội Cổ điền, ông Tập đã triệu tập 420 trong số các quan chức cấp cao nhất của mình tới họp tại thị trấn nhỏ Cổ Điền ở Đông Nam tỉnh Phúc Kiến. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Đảng tái triệu tập giới lãnh đạo quân đội tại Cổ Điền sau Chủ tịch Mao - biểu tượng chắc chắn sẽ không bao giờ mất đi trong giới chức cấp cao.

Quyền can thiệp tuyệt đối

Một động thái khác của ông Tập cũng đã được tung ra, đó là việc Tập thay "Hệ thống chuyên trách Phó chủ tịch CMC" bằng một "Hệ thống chuyên trách chủ tịch CMC".

Theo ông Tập, việc không có thực quyền chính là căn nguyên dẫn đến các bê bối tham nhũng như cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Cải cách mới đã trao cho ông Tập toàn quyền đối với PLA và đích thân can thiệp khi cần thiết. Theo một nguồn tin, ông Tập đã dành trung bình nửa ngày mỗi tuần có mặt tại văn phòng tại CMC để giải quyết các vấn đề của quân đội. Đây cũng là việc chưa từng có đến nay.

Đặc quyền can thiệp trực tiếp đã đưa ông Tập tiến một bước gần hơn tới việc đạt được quyền tiếp cận và ảnh hưởng không giới hạn với quân đội như hồi Mao Trạch Đông trước đây.

Tuy nhiên, chiến dịch này của ông Tập không phải không đi kèm các rủi ro. Áp lực mạnh mẽ từ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình động chạm đến các phe nhóm lợi ích nên ít nhiều đã có những phản ứng dữ dội.

Rõ ràng, ông Tập đã đưa quân đội chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào khác kể từ sau Mao Trạch Đông. Và hiện tại, khi các bộ quản lý chung của PLA đã được tái cấu trúc và đặt trực tiếp dưới CMC, các tư lệnh có thể phải báo cáo trực tiếp trước một cơ quan tham mưu liên quân mới hoặc thậm chí là chính CMC.

Các bộ tư lệnh vùng chiến sự mới của ông Tập, vốn được tuyên bố như một phần của các cải cách sâu rộng trong quân đội, dự kiến sẽ trao quyền không giới hạn cho các sĩ quan chỉ huy để ra các quyết định then chốt.

Bất chấp một số đồn đoán theo hướng trái ngược, sự quả quyết của ông Tập trong việc kiểm soát quân đội ít có khả năng tác động tiêu cực đến những nỗ lực hiện đại hóa đang tiếp diễn của PLA. Một phần "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình là tạo ra một quân đội mạnh, có khả năng ngăn chặn và nếu cần thiết có thể tấn công các đối thủ kỳ cựu, bao gồm cả Mỹ.

Giờ đây, người ta đang chờ xem kết quả của chiến dịch tái xác lập sức mạnh kiểu lãnh đạo tối cao đối với PLA của ông Tập Cận Bình sẽ được kế thừa như thế nào với người kế nhiệm ông sau này.

Quỳnh Anh tổng hợp từ The National Interest

* Lật con bài chính trị của ông Tập Cận Bình
* TQ một thế kỷ ô nhục và vinh quang từ quá khứ
* Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào
* TQ tăng chi cho công an, quân đội phòng ngừa bất ổn
* TQ cải tổ lớn quân đội