Kawah Ijen là ngọn núi lửa nằm ở phía đông Java, Indonesia, được hình thành từ khoảng 3.500 năm trước với độ cao gần 2.800m. Nơi đây nổi tiếng với hồ axit sulfuric nồng độ cao nằm trên miệng núi lửa. Chính sắc xanh ngọc bích đẹp mê mẩn của hồ cùng với cảm giác mạo hiểm, phiêu lưu trên hành trình chinh phục Kawah Ijen đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới đây trải nghiệm. 

W-l1000887-pano-edit-copy-1.jpg
Hồ axit sulfuric với màu nước xanh ngọc bích trên miệng núi lửa.

Tại Kawah Ijen còn tồn tại một trong những công việc được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới - nghề khai thác lưu huỳnh, được thực hiện theo cách thủ công và rất thô sơ. Những người công nhân sẽ phải leo lên miệng núi lửa đang hoạt động, sau đó tìm kiếm và đục vỡ những khối lưu huỳnh đông đặc rồi vận chuyển xuống chân núi. 

W-l1000778-1.jpg
Cạnh luồng khói độc đang bốc ra, những người công nhân đang miệt mài khai thác lưu huỳnh. 
W-l1000932-2-1.jpg
Những vật dụng để khai thác và vận chuyển đều vô cùng thô sơ. 

Liều mạng để mưu sinh trong điều kiện khắc nghiệt nhất thế giới, mỗi ngày mỗi công nhân sẽ phải vác 70-90 kg quặng lưu huỳnh xuống núi từ 2 đến 3 lần. Tuy nhiên mức thu nhập trung bình của họ chỉ rơi vào khoảng 5 USD/ ngày.

W-z71-4601-1.jpg
Công nhận vận chuyển lưu huỳnh xuống núi để bán lại cho các nhà máy xung quanh với giá rất rẻ. 
W-l1000639-1.jpg
Các khối lưu huỳnh khai thác từ núi Ijen được sử dụng để sản xuất nhiều loại sản phẩm. Trong lịch sử, lưu huỳnh được sử dụng làm thuốc súng còn ngày nay chủ yếu được sử dụng cho mỹ phẩm và tẩy trắng.

Không có đầy đủ các dụng cụ bảo hộ như mặt nạ hay găng tay khi tiếp xúc với khí độc, khói bụi 12 tiếng mỗi ngày, tuổi thọ của những công nhân làm việc tại đây chỉ khoảng 40- 50 tuổi. Họ thường xuyên bị các bệnh về hô hấp, khó thở, tắc nghẽn đường thở, suy giảm chức năng nội tạng dẫn tới tử vong. 

W-l1000940-1.jpg
Những công nhân tại đây không được trang bị dụng cụ phòng độc cơ bản. 

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển mạnh của du lịch, ngày càng có nhiều du khách đổ về đây. Điều này đã mở ra những nghề nghiệp mới trên vùng đất “vàng của quỷ”. 

W-l1000650-1.jpg
Mỗi ngày có hàng trăm du khách đến chinh phục ngọn núi lửa. 

Rất nhiều công nhân đã từ bỏ công việc khai thác lưu huỳnh để trở thành “taxi man” với những chiếc xe kéo tự chế. Quãng đường chinh phục Kawah Ijen dài 4km với nhiều đoạn dốc và cua, cộng với bầu không khí đông đặc bởi khói bụi khiến nhiều du khách cảm thấy khó khăn và kiệt sức. Để việc lên, xuống an toàn hơn, nhiều du khách lựa chọn thuê chiếc “taxi chạy bằng sức người” này với giá từ 800 nghìn đến 1 triệu Rupiah Indonesia (từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng).

W-l1000613-1.jpg
Chân dung một “taxi man” trên đỉnh Ijen.
W-z71-3300-1.jpg
Những "taxi man" đang ngồi chờ khách. 
W-l1000501-1.jpg
Mỗi khách sẽ cần một người đẩy và hai người kéo bằng dây thừng. 

Với những người từng là công nhân tại đây, mức thu nhập từ du lịch không chỉ cao hơn nhiều mà độ nguy hiểm cũng được giảm thiểu. Nhiều người cũng học thêm tiếng Anh để có thể giao tiếp với du khách, thậm chí trở thành hướng dẫn viên du lịch. 

W-l1000487-1.jpg
Niềm vui của công nhân đổi nghề khi một ngày kín khách và được tip thêm. 

Năm 2023, cuộc họp của Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 216 tại Pháp ngày 24/5 đã quyết định đưa công viên địa chất Ijen trở thành thành viên của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Quyết định đã góp phần giúp Ijen thu hút thêm lượng lớn khách du lịch quốc tế. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền, người dân cũng liên kết với nhau để làm du lịch một cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn. 

W-z71-4524-1.jpg