Sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ mua siêu cây, nuôi thú dữ, xây lăng mộ ướp xác hay dát vàng cả căn hộ... là cách để các đại gia Việt chứng minh độ "chịu chơi" và thể hiện đẳng cấp của mình.

Bỏ tiền tỷ nuôi thú dữ

Không còn là chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc… mà giờ đây thương hiệu đại gia phải đi liền với nuôi… thú dữ. Để thể hiện đẳng cấp, các đại gia cũng không ngần ngại tậu cho mình vài ba con trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ hay cá sấu cho “vui cửa vui nhà”.

{keywords}

Phong trào nuôi thú dữ được giới đại gia cực kỳ ưa chuộng. 

Điển hình là đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) đang nuôi khoảng 100 loài thú quý hiếm trong vườn thú Đại Nam. Trong đó, có những loài nằm trong Sách đỏ có nguy cơ bị tận diệt trên thế giới như: Hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc, hà mã,...

Một vị đại gia khác ở quận 12, TP.HCM cũng tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích… thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu đớp mồi. Phía sau vườn nhà của đại gia này còn có một khu chuồng nhốt 2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu cùng 1 con tinh tinh.

Ông Ngô Duy Tân, một đại gia có tiếng khác ở Bình Dương cũng là chủ của đàn hổ 31 con và 8 con báo hoa mai. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền ăn cho bầy “thú cưng” này cũng ngốn hết trên 100 triệu đồng.

{keywords}

Hổ trong chuồng của đại gia Bình Dương

Các đại gia quan niệm, càng lùng tìm được những con thú lạ, độc, thậm chí đứng đầu sách đỏ càng tốt. Họ sẵn sàng sang tận Lào, Campuchia, Ấn Độ hay các nước châu Phi để thỏa mãn mong muốn của mình.

Thú chơi “siêu cây”

Trong giới mê cây cảnh Việt Nam, cái tên Phan Văn Toàn (Toàn "đô la") ở TP. Việt Trì, Phú Thọ được xem là một trong những đại gia chơi ngông nhất. Toàn “đô la” sở hữu 3 khu vườn lớn, cây bét nhất của anh cũng có giá 50 triệu đồng, cây “tầm tầm” cũng vài trăm triệu đến vài tỷ, còn đẹp nhất có hai cây, gồm cây tùng “ông Bụt” và cây sanh “dáng làng”.

{keywords}

Toàn “đô la” bên cây sanh Ông Bụt giá hơn 20 tỷ đồng.

Giới chơi cây cảnh nghệ thuật Phú Thọ định giá tổng giá trị cây cảnh Toàn “đô la” sở hữu lên đến 300 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2010, Toàn "đô la" đã rất bạo tay chi đến 1,2 triệu USD (tương đương hơn 20 tỷ đồng), để rinh một cây sanh 200 tuổi về trưng Tết.

Đại gia Nguyễn Văn Phiến, biệt danh Phiến "cá", cũng là người rất nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh tiền tỷ. Ông là chủ nhân của khu vườn sinh thái nằm ở trung tâm TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với hàng nghìn cây cảnh các loại với đủ chủng loại, kích cỡ, độ tuổi, thế giáng và giá trị. Trong đó có rất nhiều cây cổ thụ hình thù độc đáo, quý hiếm và có tuổi đời cả trăm năm.

{keywords}

Cơ ngơi trị giá cả trăm tỷ của đại gia Phiến "cá". 

Chiếc giường 7 tỷ của công tử Bạc Liêu

Chiếc giường đắt nhất Việt Nam hiện nay thuộc về quyền sở hữu của ông Nguyễn Minh Hùng (ngụ P.7, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ông Hùng nổi tiếng là người sở hữu nhiều cổ vật quý có tổng trị giá lên đến 100 tỷ đồng. Đặc biệt, 5 chiếc giường trước đây của Công tử Bạc Liêu được chú ý hơn cả.

{keywords}

Chiếc giường đắt nhất Việt Nam.

5 chiếc giường này được đóng bằng gỗ sưa, có tuổi thọ khoảng 300 năm và đều có chiều dài 2,5m, rộng 2m. Mặt trước, mặt sau, từ trên xuống dưới của chiếc giường chỗ nào cũng được chạm khắc cẩn xà cừ với nhiều hoa văn tinh xảo. Trên bề mặt chiếc giường còn được lót bằng nhiều viên đá cẩm thạch Vân Nam (Trung Quốc) nên khi nằm lên sẽ có cảm giác mát lạnh.

Theo nhiều nghệ nhân, để làm nên mỗi chiếc giường cổ này cần phải đến 30kg ốc xà cừ, giá cả thị trường hiện nay khoảng 200 triệu đồng/kg. Như vậy, tính riêng tiền ốc đã lên đến 6 tỉ đồng.

Ông Hùng cho biết có người hỏi mua một chiếc giường với giá 7 tỉ đồng, người khác ra giá 300.000 USD nhưng ông nhất quyết không bán. Ông Hùng ước tính giá trị của 5 chiếc giường mà ông đang sở hữu lên đến khoảng gần 70 tỉ đồng.

Đại gia Hòa Bình xây lăng mộ chờ ướp xác

Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hoà Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh "Đức gấu". Ông nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn vì xây dựng một khu lăng mộ chờ ướp xác mình.

Hầm mộ ướp xác được ông Đức khởi công từ năm 2000, hoàn thiện năm 2006. Để xây dựng lăng mộ cho chính mình, ông ngao du khắp Việt Nam rồi sang cả Trung Quốc, Ấn Độ để tìm hiểu kỹ thuật ướp xác. Sau đó, phải mất 3 năm rưỡi thuê 30 thợ lành nghề kỳ công đẽo đục đá trên đỉnh một ngọn núi ở Lương Sơn (Hòa Bình) sâu cả chục mét, chuẩn bị cho việc ướp xác khi ông và vợ về với tổ tiên.

{keywords}

Cận cảnh lăng mộ của đai gia Hòa Bình.

Ông Đức cũng không ngại đi tìm các dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ướp xác tốt nhất. Ông vào tận núi Bà Đen, Tây Ninh - nơi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn để tìm hiểu địa chất, địa hình nơi đây. Ông cũng tới Ninh Thuận rất nhiều lần để đặt mua than trai - một loại than rất hiếm. Bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu Cổ Am, tinh dầu Gù Hương ướp xác... đến nay tất cả đã được ông Đức chuẩn bị đầy đủ đặt tại lòng hầm mộ.

Số tiền chi cho việc xây ngôi mộ có một không hai này không được ông Đức tiết lộ, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người đây hẳn là một con số khổng lồ.

Đại gia Hà Thành dùng 140 cây vàng dát nhà vệ sinh

Nghiện dát vàng từ thang máy tới căn hộ, một đại gia Hà Nội đã bỏ ra 140 cây vàng để dát vàng cho cả toilet. Từ giá treo khăn, tới vòi hoa sen, vòi rửa thậm chí là cả hộp đựng giấy vệ sinh của phòng tắm được mạ vàng, khiến cho căn hộ trở nên độc và xa xỉ bậc nhất Việt Nam.

{keywords}

Vòi hoa sen và các phụ kiện vệ sinh dát vàng.

Được biết, toà nhà của vị đại gia này được hoàn thiện theo tiêu chuẩn sang trọng bậc nhất với thang máy, phào của sảnh toà nhà, thiết bị vệ sinh căn hộ mạ vàng 24K và thanh lan can căn hộ được mạ vàng 18K. Không những vậy, sảnh và nhà vệ sinh cũng được lát đá marble, loại đá có mức giá gấp 10 lần gạch thông thường. Nước sinh hoạt là loại nước tinh khiết có thể uống ở bất cứ đâu.

Đại diện chủ đầu tư cho hay, ông quyết định mạ vàng cho công trình, để "vừa khẳng định sự vĩnh cửu, vì vàng không bị oxy hóa, vừa tăng thêm giá trị cho căn hộ, mà người mua hoàn toàn không phải trả thêm chi phí này". Để mạ vàng như ý, ông đã lập riêng một xưởng mạ vàng.

(Theo Dân trí)