Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, gồm 54 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (trên 13 triệu người chiếm 13,8% dân số trong cả nước). Các dân tộc thiểu số có quy mô dân số không đồng đều (12 dân tộc dân số từ 100.000 người đến trên 1 triệu người, 21 dân tộc dân số từ 10.000 người đến 100.000 người, 15 dân tộc có dân số từ 1.000 đến 10.000 người, đặc biệt có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người: dân tộc Sila 840 người, Pu Péo 705 người, Brâu 313 người, Rơmăm 352 người, Ơđu 301 người).
Các dân tộc thiểu số của nước ta hầu hết đều có tiếng nói riêng, nhiều dân tộc có chữ viết riêng. Chữ viết với 2 dạng: Chữ viết cổ (gồm chữ Chăm, Khmer, Thái, Nôm Tày - Nùng, Dao, Mông, Hoa, Lào) và chữ viết Latinh (chữ Mông, Êđê, Jairai, Bana, Hrê, Rắclây…).
Bản gốc “Quam tô mương” bằng chữ Thái cổ |
Các bộ chữ cổ của một số dân tộc thiểu số đã có truyền thống lâu đời đến nay vẫn phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Các bộ chữ này đã tồn tại cùng với nền văn hoá và tín ngưỡng của các dân tộc từ đời này qua đời khác.
Chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta là nhất quán, đúng đắn và thể hiện đầy đủ nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935) đã xác định: “Các dân tộc… được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá…” (Văn kiện 1, tr481). Chủ trương đó đã được quán triệt xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V, khoá VIII tiếp tục xác định: “… Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định: “Ngoài tiếng phổ thông, các dân tộc có chữ viết riêng được khuyến khích học chữ dân tộc… dùng tiếng nói dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng dân tộc”.
Chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số đã được thể chế hoá trong Hiến pháp, các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Điều 5 - Hiến pháp năm 1992 viết: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Các bộ Luật như: Luật Giáo dục, Luật Phổ cập giáo dục Tiểu học, Luật Tố tụng hình sự, Luật Toà án, Luật Báo chí, Luật Xuất bản… đều ghi rõ, cụ thể về quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Năm 1961, Chính phủ có Nghị định số 206/CP, ngày 27/11/1961 phê chuẩn các phương án chữ Tày - Nùng, chữ Mèo, chữ Thái cải tiến; đồng thời quy định phạm vi, mức độ sử dụng 3 thứ chữ đó. Năm 1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 153/CP ngày 20/8/1969 về việc “Xây dựng, cải tiến và sử dụng chữ viết các dân tộc thiểu số” trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các ngành và các địa phương trong việc xây dựng và phổ biến chữ dân tộc.
Ngày 22/2/1980, Hội đồng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 53/CP “Về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số”.
Quyết định nêu rõ: “Tiếng và chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là phương tiện giao lưu không thể thiếu được giữa các địa phương và các dân tộc trong cả nước, giúp cho các địa phương và các dân tộc có thể phát triển đồng đều các mặt kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật… Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc. Vì vậy, mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và quyền lợi học tập, sử dụng tiếng và chữ phổ thông.
Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước. ở các vùng dân tộc thiểu số, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng và chữ phổ thông.
Cùng với chữ phổ thông, chữ dân tộc tham gia nhiều mặt hoạt động ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong việc giữ gìn và phát triển vốn văn hoá dân tộc. Vì thế, đi đôi với việc hoàn thành phổ cập tiếng và chữ phổ thông, cần ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết của từng dân tộc…”.
Quá trình thực hiện dạy tiếng, chữ viết dân tộc thiểu số bắt đầu từ năm 1959 với việc đưa ngôn ngữ một số dân tộc thiểu số (chữ Thái, chữ Mèo) vào dạy trong các trường vùng đồng bào dân tộc.
Đến năm 1980 (sau khi có Quyết định 53) các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tổ chức dạy học tiếng dân tộc khá rộng rãi cùng với dạy song ngữ với tiếng phổ thông. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận dạy tiếng, chữ viết dân tộc Chăm. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dạy tiếng, chữ viết dân tộc Khmer. Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh dạy tiếng, chữ viết dân tộc Hoa.
Năm 1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/GD-ĐT, ngày 3/2/1997 hướng dẫn việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số. ở các địa phương việc tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến. Đến nay, Bộ đã xây dựng được 8 bộ chương trình cho 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số chính thức đưa vào các trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm có: chữ Chăm, chữ Thái, chữ Bana, chữ Hán, chữ Mông và chữ Khmer, chữ Jarai, chữ Xơđăng.
Việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc, ổn định chính trị, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số phát huy được sự tham gia của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, thực hiện tích cực quá trình xã hội hoá giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.
“Tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước”. Với quan điểm chỉ đạo, cùng với chữ Quốc ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số đã được sử dụng trong các hoạt động văn hoá, trong sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian, trong sáng tác văn học nghệ thuật…
Một số tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số như Sóng Trụ xôn xao (dân tộc Thái), Tiếng hát làm dâu (dân tộc Mông), Đăm San, Xinh Nhã (dân tộc Êđê), Luật tục (dân tộc Jarai, dân tộc Mnông)… được in song ngữ bằng tiếng dân tộc thiểu số và tiếng Việt giới thiệu rộng rãi trong cả nước.
Ngày 14/01/2011 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc. Đây là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc, với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý Nhà nước về dân tộc.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện; ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sau gần 10 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.
Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đã thực hiện nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm ở 18 tỉnh, thành phố trong cả nước, 30 huyện, 40 thôn bản với 20 dân tộc (Mông, Dao, Cờ Lao, Pu Péo, Sán Dìu, Êđê, Mạ, Churu…) đã sưu tầm được 1.200 tài liệu vật khối, 800 phim ảnh tư liệu, 10 băng hình về văn hoá các dân tộc thiểu số.
Công tác tuyên truyền bằng sách, báo, tạp chí, tranh ảnh bằng tiếng dân tộc thiểu số đã được một số địa phương thực hiện về môi trường, về y tế, giáo dục… Cùng với 19 báo, tạp chí cấp không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi do Thông tấn xã Việt Nam phát hành in bằng chữ dân tộc Êđê, Bana, Giarai, Khmer và Chăm.
Nhiều ấn phẩm được xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc - tiếng phổ thông để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ.
Các thư viện cũng nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng dân tộc để lưu giữ lâu dài như: Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa 100% tài liệu bằng tiếng dân tộc; Thư viện tỉnh Sơn La có trên 1.000 cuốn sách bằng tiếng Thái cổ, số hóa được 23.154 trang tài liệu bằng tiếng dân tộc; thư viện dân sinh ngoài công lập tại các chùa Khmer tổ chức phục vụ tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào Khmer các tỉnh, thành phố phía Nam…
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dân tộc trên địa bàn đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động, nội dung nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS như: Khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc thiểu số ở thị xã Vĩnh Châu |
Nhiều tỉnh, thành phố đã có những cách thức bảo tồn hiệu quả di sản tiếng nói, chữ viết. Tỉnh Khánh Hòa mở lớp học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Phú Thọ bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian… Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đầu tư công trình nghiên cứu biên soạn bộ chữ viết tiếng Bhnong; huyện Nam Trà My sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn sách dạy và học tiếng dân tộc Cadong để đưa vào giảng dạy tại các trường học. Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận Thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh tu bổ, bồi nền, số hóa…
Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh cũng đã giành thời lượng nhất định để phát bằng tiếng dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân để đồng bào biết, thực hiện. Ngoài ra còn phổ biến khoa học kỹ thuật, nêu những gương mặt điển hình xuất sắc về lao động giỏi, làm giàu của một số hộ gia đình để đồng bào học tập, thực hiện theo các mô hình phù hợp với từng địa bàn cụ thể của từng địa phương.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng và thực hiện chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số. Các buổi phát thanh tiếng dân tộc thiểu số được sắp xếp, bố trí thời gian, thời lượng hợp lý. Nội dung phản ánh mọi mặt trong cuộc sống như kinh tế, văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học đời sống đến đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chính những nỗ lực bảo tồn trong một hành trình dài, liên tục đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn Bắc
Ảnh: Bảo Phùng