![]() |
Không cần ra sạp mua đĩa CD/DVD, nhạc chế giờ xuất hiện đầy rẫy trên mạng. Ảnh minh họa. |
Từ cassette đến CD, VCD
Vẫn còn khá nhiều người nhớ hình ảnh những chiếc xe đạp lủng lẳng treo đầy đồ thập cẩm từ bấm móng tay, thắt lưng đến bịt mõm chó. Hai bên chiếc xe đạp tòng teng đôi loa luôn phát hết cỡ những bài hát quen thuộc đã được “cải biên” được trình bày theo kiểu liên khúc với chất giọng nhừa nhựa, não nề. Cách xâm nhập của nhạc “chế” đầu tiên qua những băng cassette như vậy nên chưa được phổ biến. Đến khi công nghệ đĩa CD, VCD nhập cuộc, nhạc “chế” đã phát triển đột biến cả về số lượng lẫn chất lượng theo hướng mỗi ngày một thô tục, suy đồi hơn.
Nếu trước đây ca từ nhạc “chế” vẫn “hiền lành” kiểu “Hết tiền tiêu người yêu tôi cũng bán, bán 5 trăm tôi lấy tiền tiêu...”, “Anh cho em tiền đô, tiền đô để sắm đồ, tiền đô để đi phố…” thì nay cùng với số lượng đĩa CD và VCD được in ra, những bài hát “chế” liên tục được bổ sung từ những bản nhạc chính thống thành chợ trời, tệ nạn xã hội: “Sáng sáng anh đua xe trên các rạp xi nê để kiếm tiền nuôi em, nào ngờ em ơi, em bán thân cho Việt kiều, em bán thân cho ngoại kiều”, “Gặp nàng tiên áo trắng tôi quên người đã phụ tình tôi...”…
Không chỉ dừng lại với những ca từ phản cảm, kích động bạo lực, bi quan chán đời, để hút khách những đầu nậu băng đĩa đã lồng ghép vào đĩa nhạc “chế” những hình ảnh “tươi mát”. Những VCD nhạc “chế” được ưa chuộng nhất có thể kể là bikini xẩm “chế”, liên khúc bikini nhạc “chế” và pêđê chửi.
Nhạc “chế” lên mạng
Sau khi tấn công thị trường băng đĩa, nhạc “chế” nhảm nhí tiếp tục tràn ngập trên Internet. Giới trẻ, đối tượng chính của nhạc “chế” giờ không mất công ngồi chờ đầu nậu sản xuất, trên các diễn đàn mạng, họ chia sẻ những phiên bản khác nhau của nhạc “chế”, do sưu tầm hoặc tự mình “sáng tác”.
“Nhạc chế, dễ như con dế tử tế”, đó là slogan của một fan nhạc “chế” trên mạng. Quả thật quá dễ để truy cập được vào các trang web có nhạc “chế” để post hoặc download. Hầu như trên các forum âm nhạc nào cũng đều có topic nhạc “chế” và bất cứ ai cũng có thể làm “nhạc sĩ” và “ca sĩ” nhạc “chế”. Ở những trang web như: teen9x.net, music.top1.vn…, cư dân mạng có thể tải lời, nghe, hát nhạc “chế” và upload giọng hát của mình lên mạng cho mọi người cùng “thưởng thức”.
Không cần cầu kỳ thu âm, chỉ bằng phần mềm thu âm đơn giản là có thể post bài lên và nổi tiếng trên mạng. Dân ghiền “chế” nào cũng biết đến cú sốc được gây nên bởi 5 chàng trai đồng tác giả của “Chuyện tình lan can” “chế” từ “In the army now” của Status Quo: “Trong đêm trăng thanh, em gọi nhầm tên anh - Anh lao lên tung quả đá song phi. Em đập vào lan can, Ô ú ô, em đập vào lan can”. Còn vô số ví dụ mà xét về độ sốc chỉ cần nghe qua tên gọi: “Trường học đua xe”, “Chuyện tình 3 củ khoai”, “Đem tiền cho gái”, “7 ngày rồi cưới”, “Đại hội võ lâm”, “Anh là vô địch”, “OK! Chia tay”, “Ma nữ đa tình”, “Bài ca mồi nhậu”, “Chó sủa vầng trăng khóc”, “Ở bên người ấy em có Dylan đi”…
Nhạc sĩ An Thuyên nhận định, nhạc “chế” là một thứ “hàng giả” trong nền âm nhạc Việt Nam, cũng giống như các mặt hàng khác trên thị trường như bột canh giả, mì chính giả... có các đội quản lý thị trường thu giữ, xử phạt thì nhạc “chế” cũng cần phải được bài trừ, được xử lý vì nó làm tổn hại đến nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là giới trẻ. Đã đến lúc cần sự mạnh tay từ phía nhà quản lý để những bài hát chính thống không còn phải kéo sau lưng những rác thải, phế phẩm văn hoá độc hại.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 129 ra ngày 28/10/2009.