Đầu tháng 7, TAND tỉnh An Giang sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản với 23 bị cáo là nguyên lãnh đạo, cán bộ UBND huyện Chợ Mới cùng các giám đốc công ty xây dựng.

Theo cáo trạng của VKSND cùng cấp được ban hành hồi đầu tháng 2, trên cơ sở kết quả điều tra xác định, từ năm 2019 đến năm 2021, UBND huyện Chợ Mới nợ hàng tỷ đồng để chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết Nguyên đán…

phong.jpg
Lực lượng chức năng làm việc với ông Lăng Thanh Phong (Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới). Ảnh: Tiến Tầm

Thường trực UBND huyện Chợ Mới sau đó đã tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của ông Ngô Hoàng Hiếu (Chủ tịch), Vũ Minh Thao (Phó chủ tịch), Nguyễn Hồng Viễn (Phó chủ tịch), Nguyễn Văn Ven (Chánh Văn phòng HĐND - UBND), Lê Quốc Điền và Nguyễn Tuấn Minh (Phó chánh Văn phòng) để bàn phương án tìm nguồn tiền trả nợ. 

Trong các cuộc họp, ông Hiếu chỉ đạo chọn xã để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí gửi tiền về cho UBND huyện sử dụng; đồng thời giao cho ông Viễn cùng Văn phòng HĐND - UBND huyện tham mưu cho Thường trực UBND huyện phương án thực hiện. 

Sau các cuộc họp, ông Viễn trực tiếp hoặc phân công cho các ông: Ven, Điền hoặc Minh liên hệ với Chủ tịch UBND các xã Hòa An, Tấn Mỹ, Hòa Bình, Hội An để yêu cầu quyết toán lấy tiền gửi về huyện. 

Tại xã Hoà Bình:

Ông Ven liên hệ với Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Đặng Thanh Bình truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND huyện yêu cầu quyết toán khoảng 300 triệu đồng.

Tiếp đó, ông Bình bàn bạc với Nguyễn Văn Tuấn (Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng - Dịch vụ Hải Đăng) đang thi công một số công trình do xã này làm chủ đầu tư để giảm bớt một số hạng mục, qua đó rút tiền kinh phí xây dựng từ các công trình gửi về cho xã sử dụng thì được Tuấn đồng ý.

Tuấn không thi công một số hạng mục của các công trình trên như: Không thay mới khung sắt hàng rào nhà lưu niệm Linh mục Võ Thành Trinh mà lấy khung sắt cũ rồi sơn và bê lại; Không lót gạch lại trụ sở, hội trường UBND xã Hòa Bình… nhưng vẫn lập hồ sơ nghiệm thu để quyết toán kinh phí toàn bộ 3 công trình.

Ông Bình phân công kế toán xã làm hồ sơ quyết toán 3 công trình nêu trên gửi kho bạc huyện chi trả cho Tuấn hết số tiền theo dự toán gần 1,5 tỷ đồng (trong đó kinh phí xây dựng thực tế chỉ có hơn 730 triệu đồng) gây thiệt hại hơn 750 triệu đồng.

bi cao minh.jpg
Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Tuấn Minh tại cơ quan công an. Ảnh: Tiến Tầm

Tại xã Hội An: 

Khoảng tháng 10/2019, một tuyến đường trên địa bàn xã Hội An hư hỏng nặng, ông Bùi Minh Trí (Chủ tịch UBND xã) làm tờ trình xin chủ trương gia cố thi công lại tuyến đường này với chiều dài 42m và được UBND huyện Chợ Mới chấp thuận.

Ông Trí liên hệ, ký hợp đồng với một số công ty khảo sát, tư vấn thiết kế. Khoảng 10 ngày sau, vị lãnh đạo xã này đã xuống kiểm tra không thấy hàng cọc được đóng nên điện thoại báo cho lãnh đạo huyện.

Nhận được cái “gật đầu” của Chủ tịch huyện Ngô Hoàng Hiếu, ông Trí mời đơn vị thi công tới trụ sở bàn về việc quyết toán khống 100% khối lượng công trình để chuyển tiền dư về cho xã.

Ông Trí kêu kế toán xã làm khống hồ sơ, nghiệm thu hoàn thành công trình, gây thất thoát hơn 400 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, lãnh đạo 4 xã nói trên bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình, giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công.

Thông qua đó để quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng xác định có một số sai phạm xảy ra tại UBND các xã Long Giang, Long Điền A; các thị trấn Chợ Mới, Mỹ Luông nhưng do không có liên quan đến hành vi phạm tội của ông Hiếu, Viễn… nên sẽ tách ra điều tra, xử lý sau.

Đại diện UBND huyện Chợ Mới yêu cầu những người có liên quan phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước số tiền gây thất thoát và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị can. Sau đó, các bị can cũng đã nộp khắc phục hơn 3,2 tỷ đồng.