Người dân ở khu vực ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (P. Cầu Ông Lãnh, Q. 1, TP.HCM) cho biết, ông ngồi đây đã 2 tháng nay để bán thiệp Tết.

Thiệp của ông là những hình ảnh sống động. Đó là một tòa lâu đài, một chiếc thuyền đang căng buồm ra khơi, một nhánh hoa tươi... Tất cả đều đẹp và sống động khi người dùng mở ra và nằm ẩn mình khi xếp lại.

Những tấm thiệp được ông trưng bày trên một tấm ván đặt trên xe đạp. Phía trước xe, giỏ xách chứa thiệp. Phía sau là tấm biển với dòng chữ 'bán thiệp 20.000đ'. 

{keywords}
Những chiếc thiệp Tết được làm ấn tượng.

Ông vẫn ngồi tựa lưng vào gốc cây, chăm chú nhìn ra đường. Một chiếc xe ghé vào. Hai cô gái xuống xe tìm những tấm thiệp ưng ý.

'Thiệp của bác đẹp lắm. Con sẽ giới thiệu bạn đến mua', cô gái trả tiền và nói với ông trước khi đi.

Ông lại tiếp tục ngồi tựa vào gốc cây. Nhưng cũng không lâu, một khách khác ghé vào. Lựa một lúc lấy ra được 5 tấm, người khách nhìn ông bằng ánh mắt cảm thông.

{keywords}
Ông Phụng bày bán thiệp Tết trên chiếc xe đạp cũ.

Khách đến với ông không dồn dập. Họ đều là những người đi đường nhìn thấy nên ghé vào.

Khách vắng, một cô gái đi bộ, tay cầm túi trái cây đến trao cho ông, 'con biếu bác ăn cho khỏe'. Ông lão cầm lấy, nói lời cám ơn. Dường như ông xúc động ...

Những hình ảnh trên đây chúng tôi ghi nhận được vào một đêm cuối năm. Trên đường, dòng người ngược xuôi, ông vẫn bình thản ngồi bán thiệp Tết.

Ông tên Lê Văn Phụng. Những người biết ông thường gọi là ông Giàu 68 tuổi. Quê ông ở Châu Phú (An Giang). 'Người ta gọi tôi là ông Giàu nhưng anh thấy đó, tôi có giàu gì đâu. Giờ này ai cũng quây quần bên con cháu, tôi thì phải kiếm ăn ... ', ông nói rồi nở nụ cười chua chát.

{keywords}
Những chiếc thiệp được làm bắt mắt nhưng hiện nay rất ít người mua.

Theo lời ông, mấy chục năm trước, ông gặp một cô gái cùng quê, cùng hoàn cảnh không nghề nghiệp, không ruộng vườn, ai thuê gì làm nấy như ông. Hai người yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân.

'Lúc đang yêu, ai cũng thấy cuộc đời sao đẹp thế nhưng khi thành vợ chồng, đối diện với đói no mới thấy rõ thực trạng cuộc sống'. Ông buồn rầu kể lại với chúng tôi.

'Khi cuộc sống thiếu thốn, tôi lên Sài Gòn tìm việc làm. Vợ tôi ở nhà. Giữa đất khách phồn hoa, một thanh niên tỉnh lẻ kiếm được một việc làm không dễ. Tôi đành phải đi làm phụ hồ... Nghề phụ hồ thì anh biết rồi đó, lương chẳng bao nhiêu. Vậy mà tôi phải cố gắng tằn tiện dành dụm gửi về cho vợ sinh sống.

Được một thời gian, tôi nói cô ấy cùng lên Sài Gòn với tôi nhưng cô không chịu. Những lúc túng quẫn cãi nhau, ai cũng giành cái đúng về phần mình. Thế rồi chúng tôi chia tay. Tôi sống một mình đến tận bây giờ.

{keywords}
Sau khi đi bộ đội về, ông Phụng từng làm nhiều nghề khác nhau: phụ hồ, giữ xe, lượm ve chai...

Nhớ lại, ông Giàu kể tiếp. Tôi trải qua nhiều nghề nhiều việc khác nhau. Làm phụ hồ được vài năm, tôi xin một chân giữ xe. Tiếp đến, tôi bốc vác trong cảng rồi đi lượm ve chai. Có công việc tôi làm vài năm nhưng cũng có việc kéo dài mười mấy năm. Ngẫm lại, một quãng thời gian khá dài, một mình không vợ con, không bà con thân thích, tôi sống giữa Sài Gòn bằng sự chân thật và ngay thẳng nên được rất nhiều người yêu mến.

Gần đây, một chị chuyên bán thiệp trong chợ Bến Thành thấy tôi lượm ve chai vất vả quá đã bảo tôi kiếm chỗ ngồi rồi chị giao thiệp cho bán. Bán được bao nhiêu tôi lấy tiền lời còn vốn trả lại cho chị. Thấy công việc này cũng nhàn tôi nghe theo. Thấm thoắt đã được 2 tháng rồi', ông bộc bạch.

Nhưng thiệp chỉ bán được trước Tết, sau Tết, ông lại lo không biết phải làm gì để kiếm sống.

Nghĩ đến cảnh tuổi già vẫn phải nhọc nhằn lo toan, ánh mắt ông nhìn xa xăm hơn. Dường như chẳng còn lời nào để an ủi động viên, chúng tôi chia tay ông với lời chúc mừng năm mới tốt đẹp hơn. Thật tâm, chúng tôi cũng mong ông được như thế.

Khu chợ mỗi năm chỉ họp một lần ở Sài Gòn

Khu chợ mỗi năm chỉ họp một lần ở Sài Gòn

 Khi họp chợ, tiểu thương không có sạp mà ngồi ngay trên lề đường. Đặc biệt hơn nữa, chợ chỉ họp một lần/năm và mỗi lần họp chỉ kéo dài 10 ngày.   

Trần Chánh Nghĩa