- Đến ngày 14/11, TP HCM ghi nhận thêm 3 ca bệnh Zika, nâng số người nhiễm virus lên 38 ca; quận Bình Thạnh có nhiều bệnh nhân nhất, với 8 trường hợp.
Bà Thái Thị Hồng Nga – Phó CT quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay, trong 2 tháng (10 và 11), ngành y tế TP ghi nhận 8 ca nhiễm virus Zika trên địa bàn.
Trong đó, phường 24 có 4 ca, phường 2, 17, 22, 25 mỗi nơi 1 ca.
Con kênh đầy rác ở phường 24, Q.Bình Thạnh – nơi có 4 ca nhiễm virus Zika |
Sau khi phát hiện ca bệnh, quận đã tổ chức diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi toàn các phường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nga, công tác giám sát, xử lý điểm nguy cơ – vùng nguy cơ chưa thường xuyên do lực lượng còn mỏng trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, công tác xử lý không triệt để.
Ý thức của người dân đối với công tác diệt loăng quăng, diệt muỗi còn chưa cao.
“Khi ngành chức năng tới phun hóa chất diệt muỗi thì người dân không chịu mở cửa. Nhiều hộ chỉ cho phun bên ngoài sân, nơi có cây” – bà Nga thừa nhận.
Đối với các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ khi giám sát có lăng quăng thì sau khi tái kiểm tra sau 1 tuần đối với các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ vẫn còn loăng quăng nhưng 1 số phường còn e dè, không thực hiện xử phạt.
Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về diệt muỗi, loăng quăng phòng Zika |
13 phường chưa thực hiện xử phạt về vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng cho biết, hóa chất diệt muỗi đã được sự đồng ý từ Bộ y tế, nên nó an toàn với sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đây là hóa chất, nên sẽ có người thấy khó chịu, lo lắng.
Ông Dũng cũng nói rằng việc phun hóa chất là giải pháp tình thế, bởi sau đó muỗi sẽ lại sinh sôi, nên việc quan trọng nhất là vận động người dân diệt loăng quăng.
Đại diện Sở TT&TT TP đề nghị các ngành chức năng xem lại cách tuyên truyền cho hiệu quả, như hiện nay, quá nhiều đoàn vào gõ cửa khiến người dân lo ngại, hoang mang nên bất hợp tác.
Văn Đức