Năm 2022, thị trường ô tô Việt vẫn chịu những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các hãng xe nỗ lực tìm giải pháp cho tình trạng đứt gãy nguồn cung linh phụ kiện, thiếu chíp bán dẫn, chi phí sản xuất và vận chuyển leo thang,...
Hệ thống phân phối ô tô, đại lý chật vật “vượt” chỉ tiêu trong bối cảnh hàng loạt mẫu xe chủ lực khan hàng, tăng giá, ngân hàng siết room tín dụng... Dẫu vậy, bức tranh toàn cảnh vẫn khởi sắc nhờ áp dụng tư duy kinh doanh mới, chuyển hướng sản xuất, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa.
Biến nguy thành cơ, các hãng xe đẩy mạnh nội địa hóa
Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30-40% vào năm 2020, 40-45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Nội địa hóa là “mảnh đất hoang sơ” nhưng rất tiềm năng. Nếu khai phá tốt sẽ hạn chế tối đa tình trạng bị phụ thuộc nguồn cung thường xảy ra ở các dòng xe ăn khách, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các dòng xe nhập “ngoại”.
Thấu hiểu điều này, sau khi đưa Fortuner quay trở lại lắp ráp vào năm 2019, Toyota đã tiếp tục bổ sung hai “tân binh” Toyota Veloz Cross và Avanza Premio vào danh mục xe lắp ráp trong nước (CKD) vào tháng 12/2022, nâng tổng số xe đang lắp ráp tại Việt Nam lên con số 5. Việc này nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, tạo đà cho Veloz tăng tốc tốt hơn trong cuộc đua doanh số trong năm 2023 tới đây.
Kết thúc tháng 12/2022, Veloz Cross bán được 14.014 xe trở thành 1 trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường chỉ sau 9 tháng ra mắt. Có thể thấy, nhu cầu của thị trường về các mẫu xe MPV cỡ nhỏ vẫn còn rất lớn và tiềm năng gia tăng lớn.
“Làn sóng” nội địa hóa dường như đã và đang lan tỏa khắp thị trường. Rất nhiều thương hiệu tham gia lắp ráp trong nước. Cho đến thời điểm hiện tại, những mẫu xe lắp ráp trong nước đều đã được chú trọng cải tiến thiết kế, bổ sung nhiều trang bị tiện ích, đánh vào thị hiếu khách hàng trẻ ưa thích công nghệ.
Không chỉ đạt mục tiêu lắp ráp phục vụ nhu cầu trong nước, nhiều hãng xe hướng đến việc xuất khẩu ô tô sang các nước trong khu vực ASEAN, các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, châu Âu.
Theo các chuyên gia, nội địa hóa là bước đi đúng đắn, cho phép các hãng xe hơi tận dụng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tối ưu hóa lợi nhuận kinh doanh bằng việc giao đến tay người tiêu dùng những dòng xe giá tốt, thiết kế bắt mắt, trang bị hấp dẫn. Trường hợp của Toyota với dòng sản phẩm chiến lược năm 2022 như Veloz Cross và Avanza Premio là một ví dụ điển hình.
Đưa Veloz và Avanza vào nhà máy lắp ráp trong nước, Toyota hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường xe CKD, đảm bảo nguồn cung ra thị trường, nỗ lực tạo công ăn việc làm cho người lao động. Điều này chứng minh cam kết đóng góp cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam của Toyota.
Thị trường khởi sắc nhờ tư duy kinh doanh mới
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và VinFast, doanh số toàn thị trường năm 2022 đạt 509.141 xe ô tô các loại - con số ấn tượng nhất trong gần 30 năm phát triển của ngành ô tô Việt Nam. Trong đó, nếu chỉ tính riêng mảng xe du lịch thì với 413.455 xe đã được đến tay người tiêu dùng. Trong đó, nhiều hãng xe có doanh số và tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, Toyota Việt Nam dẫn đầu mảng xe du lịch 2022 với 92.625 xe bán ra thị trường (bao gồm xe Lexus)...
Hiện tại, Toyota là thương hiệu có tới 3 sản phẩm được vinh danh trong Top 10 mẫu xe ăn khách gồm Toyota Vios, Toyota Corolla Cross hay Toyota Veloz Cross với doanh số lần lượt là 23.529 xe, 21.473 xe và 14.104 xe.
Trong số các hãng xe có mặt tại Việt Nam, Toyota là hãng xe hiếm hoi chọn cách cân bằng giữa hai hình thức nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Thành công này của Toyota bắt đầu bằng hướng đi khác biệt.
Bên cạnh đó, Toyota tiếp tục hợp tác với Bộ Công thương năm thứ 3 liên tiếp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, Toyota còn đồng hành và hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện. Danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã tăng lên 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại.
Từ những bước đi tiên phong, Toyota tiếp tục thăng hoa về mặt doanh số, khẳng định vai trò của một hãng xe hơi hàng đầu thế giới hiện nay, góp công đưa thị trường ô tô từng bước phục hồi với đà tăng trưởng liên tiếp trong 5 tháng cuối năm, để rồi khép lại năm 2022 bằng một kết quả thành công ngoài mong đợi.
Bích Đào