Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến dự thảo nghị quyết của QH phê duyệt đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu hơi tham vọng, khó thực hiện
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, đề án đưa ra một số mục tiêu hơi tham vọng, khó thực hiện.
“Ví dụ tăng thu nhập của người dân, 10 năm tăng gấp đôi thì vùng miền núi 5 năm tăng gấp 2,5 lần là quá cao. Hay đến 2025 đạt mục tiêu 90% giao thông thôn bản kiên cố hoá thì khó lắm. Trong khi QH đặt ra 10 năm đường giao thông đến trung tâm xã đi được 2 mùa”, ông phân tích.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển |
Về nguồn lực, ông cho rằng 5 năm bố trí 230.000 tỷ, rồi cứ mỗi năm tăng thêm thì phải tính kỹ thêm về khả năng cân đối.
“Đây là việc quan trọng Chính phủ phải tính kỹ để 2020 đưa vào trung hạn. Nhiều khi đưa vào rồi nhưng bố trí từng năm một nhiều điểm còn đuối. Tôi lo là Chính phủ không cân đối được chứ còn riêng đồng bào dân tộc miền núi sang QH chỉ cho thêm”, ông Hiển nói.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, đề án này hết sức quan trọng, nên để Thủ tướng hoặc một phó thủ tướng phụ trách thay vì bộ trưởng.
Theo ông Việt, lý do mà suốt mấy chục năm Đảng, Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc nhưng phát triển rất chậm là có tình trạng đầu tư vào khu vực này thấp.
“Tôi thường nói ở trên cao nhưng đầu tư rất thấp, ở dưới thấp nhưng đầu tư rất cao, sao mâu thuẫn thế”, ông Việt băn khoăn.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh tiếp tục nêu thực tế: “Nói là rừng vàng nhưng có ai chịu lên trên ấy không. Tôi chưa thấy nhà khoa học nào lên đấy ở cả. Mà trên ấy tôi chỉ thấy toàn đại ca nhiều, đại gia ít. Đề án này kêu gọi thu hút các đại gia lên là xây dựng được ngay, còn toàn đại ca chặt rừng, chặt gỗ thì làm sao phát triển được”.
Hết dự án, cán bộ về, sống chết mặc bay
Ông đề nghị trong 10-15 năm tới ban hành chính sách thế nào để người dân ở rừng sống bằng rừng, khá bằng rừng chứ với cơ chế như hiện nay không thể làm giàu bằng rừng.
Theo ông Việt, cái quan trọng để phát triển vùng miền núi là cho cần câu, không phải cho con cá, phát triển bằng cơ chế chính sách.
“Nghe nội dung đề án này, riêng 9 đề án thành phần, không cẩn thận biến thành dự án ra QH lại phản cảm”, ông lưu ý.
Ông Việt cho rằng vấn đề chính là cách làm, làm sao nhận thức bà con chuyển đổi, là bám dân làng, bám bà con, bám địa bàn.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt |
“Chứ còn đầu tư dự án xong rồi rồi bỏ đó, sống chết mặc bay là không ăn thua. Hết dự án, cán bộ về là dự án bỏ”, ông Việt cảm nhận nội dung của đề án chưa sát bà con.
Theo ông, bà con cần gì thì mình chăm lo cái đó, đi từ nhỏ tới lớn. Không phải đề án lớn thế này mà cuối 5-10 năm sau lớp sau lại bảo mấy ông này đề ra lung tung mà không làm được. “Phải biết dân mình cần gì để chăm lo từng bước một”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh nhấn mạnh.
Ông cho rằng việc đầu tư vào vùng miền núi phải dựa vào điều kiện kinh tế chứ thông qua nghị quyết rồi mà không có tiền thì cũng làm không xong. Vì vậy phải tập trung vào cơ chế chính sách, bà con cần gì tạo điều kiện cho họ làm. Cụ thể là cơ chế giữ đất, giữ rừng, giữ mối quan hệ, giữ ổn định chính trị, ngoài ra, phải chăm lo tư tưởng của bà con.
Nhiều đại gia bắt đầu tìm về miền núi
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng không nên suy nghĩ có cái gì đó tự ti quá mà cần nhìn nhận tiềm năng của khu vực miền núi hiện nay có rất nhiều vùng đất tốt. Ngoài ra còn có tiềm năng về vốn rừng, dược liệu, du lịch… Nhìn thế này để có tư duy phát triển kinh tế bền vững.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải |
“Anh Việt nói đại ca nhiều hơn đại gia. Trước kia đại ca nhưng gần đây rất nhiều đại gia, DN tìm về miền núi để đầu tư công nghệ, các tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm miền núi vì đất chỉ miền núi mới có, mới còn”, ông Hải nói.
Ông dẫn chứng nhiều nhà khoa học lên Hà Giang để nghiên cứu dược phẩm vì chính đặc điểm khí hậu Hà Giang tạo nên dược phẩm rất đặc sắc.
“Mình cứ nghĩ thế nhưng đây là tiềm năng có thể làm giàu. Sâm ngọc linh cũng vậy, không có DN đầu tư vào Gia Lai, Kon Tum không có vùng sâm rộng lớn được. DN đầu tư vào thì đồng bào mới phát triển được”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
Tăng đại gia ít ‘đại ca’, đất nước mới giàu
Ông cha ta nói “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, nhưng lâu nay ta chỉ quan tâm “nhất phần điền”, sinh ra nhiều đại gia. Còn “tam sơn tứ hải” thì ít đại gia mà lắm "đại ca".
Thu Hằng