Tờ mờ sáng, ông Lâm Hoàng Tuấn, 48 tuổi, chạy xe máy từ quận 1 về TP Thủ Đức. Dải phân cách đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dọc xa lộ Hà Nội có hàng chục cây me trĩu quả. Đây là nơi kiếm tiền của ông Tuấn, ngày 29/11.

Nỗi lòng của người đàn ông hái me trên đường phố TPHCM - 1

Ông Tuấn níu cành, hái me trên dải phân cách dọc xa lộ Hà Nội sáng 29/11 (Ảnh: Diệp Phan).

Mưu sinh với "vốn 0 đồng"

Ở TPHCM, me được trồng nhiều trên những con đường trung tâm quận 1, quận 3 như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Võ Văn Tần… Những "con đường có lá me bay" từ lâu không chỉ tạo nên cảnh quan tươi mát cho thành phố mà còn là nơi mưu sinh của những người như ông Tuấn.

Thời điểm này, thành phố đang vào vụ me nên mỗi cây ông Tuấn có thể thu hoạch được hơn 20kg. 

Tuy nhiên, những cây me ở khu vực này cao lớn, việc leo trèo nguy hiểm, lại sát nhà dân nên ông Tuấn ít khi ưu tiên. 

Vốn là một tài xế lái xe buýt ở Đồng Nai nhưng sau biến cố gia đình nên 4 năm trước ông Tuấn lên Sài Gòn làm bảo vệ. Tuy vậy, chỉ được một năm, ông Tuấn lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trong lúc buồn chán, đi lang thang trên những con đường ở quận 1, ông thấy có người đàn ông lớn tuổi bán những bịch me tươi trên vỉa hè.

"Tôi chẳng thích làm những công việc ràng buộc thời gian và phụ thuộc vào người chủ nữa nên quyết định theo nghề hái me khi ông lão đó nói rằng: "Nghề này chỉ cần biết leo cây là được", ông Tuấn hồi tưởng.

Nỗi lòng của người đàn ông hái me trên đường phố TPHCM - 2

Ông Tuấn trèo lên thân cây me mà không cần dùng bất cứ dụng cụ bảo hộ nào (Ảnh: Diệp Phan).

Kể từ đó, ông Tuấn quyết định theo nghề. Tuy công việc này chẳng cần bỏ vốn nhưng cũng cần kiếm thêm cây sào và một vài cái bao để đựng me.

Những con đường ở trung tâm quận 1, quận 3 là nơi có nhiều cây me cao lớn, ra trái quanh năm. Tuy nhiên, vì khu vực này cũng có 1 vài người cùng làm nghề nên ông Tuấn thường phải di chuyển khắp nơi trong thành phố để kiếm me hái . Hễ nghe ai mách ở đâu có me, ông Tuấn đều lặn lội đến tận nơi.

Thân hình nhỏ con, người đàn ông leo thoăn thoắt, chẳng mấy chốc đã ngồi gọn trên cây cao, với tay hái từng quả cho vào bao. Với mỗi cây trĩu quả, ông Tuấn hái từ 1-2 tiếng mới hết me. Những trái me ở các cành xa, ông lấy cây sào có gắn móc để níu cành tới lại gần hơn.

Nỗi lòng của người đàn ông hái me trên đường phố TPHCM - 3

Ông Tuấn "chuyền cành" để hái từng trái me (Ảnh: Diệp Phan).

Việc hái me tưởng chừng đơn giản nhưng lại mất rất nhiều công sức. Đầu tiên phải ngồi hàng giờ trên cây chịu nắng, nóng. Chưa kể phải luôn tập trung và cẩn thận nếu sơ suất sẽ bị ngã.

Ông Tuấn thừa nhận không ít lần bản thân bị trượt chân, nhưng may mắn tay đã kịp níu lấy cành nên không bị rớt xuống đất.

"Me là loại cây có thân, cành rất dẻo nên khi hái tôi cũng đỡ sợ hơn", ông cho biết.

Xong việc, ông phải dùng chổi quét dọn lá, cành cây rơi vãi để không bị người dân xung quanh phàn nàn.

Tìm vui trong cuộc đời buồn

Điều ám ảnh nhất với ông Tuấn là những tổ ong trên cây. Năm ngoái, khi trèo lên một cây chuẩn bị hái thì tay ông đụng trúng tổ ong mật nên bị đốt. Vội tụt xuống đường bỏ chạy, ông bị hàng trăm con ong đuổi theo đốt.

"Người đi đường nhìn thấy nhưng chẳng biết giúp tôi thế nào. Chạy được vài trăm mét thì tôi lấy xô nước của một gia đình đặt ở vỉa hè dội lên người, khi đó đàn ong mới chịu tha", ông Tuấn kể.

Người đàn ông còn cho biết, đêm đó những vết ong đốt sưng lên đau nhức nhưng sang hôm sau thì hết và ông lại tiếp tục công việc của mình.

Nỗi lòng của người đàn ông hái me trên đường phố TPHCM - 4

Chiến lợi phẩm sau hơn một giờ, hái được hơn chục kg, ông Tuấn gom vào một bao lớn (Ảnh: Diệp Phan).

Vốn là người không nhà, ông Tuấn thường tìm đến những khu nhà trọ giá rẻ để tá túc qua đêm, tắm rửa. Hôm nào không bán được, ông phải tắm ở nhà vệ sinh công cộng và ngủ ngoài đường.

Rạng sáng, ông Tuấn chạy xe đi hái me. Tới gần trưa, khi đã thấm mệt và thu hoạch được khoảng vài chục kg me đủ loại từ xanh đến chín thì ông mới trở về. Buổi chiều, ông trải bạt ở một góc đường Hai Bà Trưng, quận 1, ngồi bán cho đến tối muộn.

"Giá của me tùy loại dao động 30.000 - 100.000 đồng/kg. Me non để nấu canh, ăn sống. Già hơn chút thì làm mứt hoặc làm phụ gia thực phẩm", ông Tuấn cho biết.

Những hôm ế khách, ông phải để dành đến hôm sau bán tiếp. Khi me hỏng thì phải bỏ đi. Chưa kể những hôm trời mưa, ông Tuấn không thể đi hái nên thu nhập vì thế cũng bấp bênh, có hôm chẳng đủ tiền ăn cơm.

Nỗi lòng của người đàn ông hái me trên đường phố TPHCM - 5

Ông Tuấn thường bán ở góc ngã tư đường Hai Bà Trưng và Lý Tự Trọng, quận 1 từ chiều cho đến khuya (Ảnh: Diệp Phan).

Tháng 11, do lúc đi hái về mệt quá nên ông ngủ thiếp bên vỉa hè. Khi tỉnh dậy thì xe của ông không còn nữa. Đó là chiếc xe thứ 3 ông Tuấn bị mất cắp trong 4 năm lên TPHCM sinh sống.

Để có phương tiện di chuyển, ông mới mua trả góp một chiếc xe máy cũ giá hơn 3 triệu. Tiền bán mỗi ngày ngoài ăn uống, còn phải dành để trả nợ.

Tuy vất vả như thế nhưng ông Tuấn vẫn thấy mình hợp với việc hái me và chưa có ý định làm việc khác. Niềm vui của ông là bắt đầu có một vài khách quen tới mua hàng của ông. Những cô cậu học sinh, sinh viên tuy chẳng khá giả nhưng đôi lúc tặng ông tiền thừa, nán lại tâm sự đôi điều cùng ông trên vỉa hè.

"Tôi từng có việc làm ổn định, có tiền và một gia đình hạnh phúc nhưng biến cố khiến tôi mất tất cả. Giờ tôi chỉ mong đủ sống qua ngày và được tự do để đầu óc thôi nghĩ đến những chuyện tiêu cực. Cám ơn thành phố với những hàng me và những con người tốt bụng đã nuôi sống tôi", ông Tuấn cười, nói.

Theo Dân trí