Nội thất thông minh đang là xu hướng tiêu dùng của một bộ phận khách hàng, đặc biệt là những người thích không gian tối giản. Nhưng, nếu chọn lựa các sản phẩm này một cách cẩu thả, người tiêu dùng có thể gặp những rủi ro chết người.
Chất lượng bỏ ngỏ
Nội thất thông minh là dòng sản phẩm tích hợp hai, ba công năng trong một sản phẩm. Chẳng hạn, một chiếc giường sau khi ngủ có thể được làm giá sách, kệ trang trí, bàn ăn, bàn làm việc, tủ quần áo. Tại TP.HCM, hiện có đồ nội thất thông minh nhập khẩu và của các cơ sở mộc trong nước; giá cũng “thượng vàng hạ cám”, không ít trong số đó bỏ qua các yếu tố an toàn.
Nhiều gia đình chuộng loại giường ẩn tủ xếp đứng |
Tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, chủ cửa hàng cho biết, loại giường ẩn tủ là sản phẩm được nhiều hộ gia đình tìm mua nhất. Khi hạ xuống là một chiếc giường, khi dựng lên lại giống một chiếc tủ. Tuy nhiên, bản thân người bán không chắc chắn về khả năng chịu lực của các linh kiện khi tích hợp thêm tính năng. Một dòng sản phẩm khác cũng thu hút khách là giường thông minh gắn với bàn học, kệ sách. Giá những sản phẩm này bình quân 12-15 triệu đồng/chiếc.
Ông Nguyễn Văn Thổ - chủ một cơ sở mộc ở tỉnh Đồng Nai - cho biết, chiếc giường thông minh vận hành trơn tru hay không phụ thuộc vào phụ kiện trợ lực đi kèm. Có hai loại phổ biến: bộ trợ lực lò xo và bộ trợ lực theo cơ chế piston (thủy lực). Chính các bộ trợ lực này giúp cho người dùng, thậm chí một đứa trẻ, cũng có thể hạ giường xuống, nâng đứng lên một cách nhẹ nhàng.
Những phụ kiện đòi hỏi tính an toàn cao như vậy đang được rao bán rất phổ biến, nguồn gốc gần như không rõ. Với một bộ phụ kiện giường thông minh có cơ chế piston, có nơi bán 2-3 triệu đồng/bộ, có nơi bán giá 1,3 triệu đồng/bộ, mỗi bộ bao gồm bộ trợ lực lò xo, bản lề, nắp đậy, khuyên chống, chốt đỡ, ốc vít và kèm theo bản vẽ hướng dẫn những người có thể biết chút ít về mộc cũng có thể làm được những sản phẩm này. “Những bộ phụ kiện này chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Nhiều nơi tự nhận sản phẩm do mình tự sản xuất thật ra đều mua phụ kiện về lắp ráp, gia công” - ông Nguyễn Văn Thổ nói.
Ông Huỳnh Quang Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cũng khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp nào trong nước sản xuất giường thông minh kiểu như trên mà hầu hết nhập từ Trung Quốc về rồi gia công, lắp ráp.
Thiệt mạng vì giường thông minh
Hôm 28/9, anh Đỗ X.X. được đưa từ tỉnh Khánh Hòa vào bệnh viện ở TP.HCM trong tình trạng chấn thương sọ não, hôn mê sâu do chiếc giường thông minh sập trúng đầu.
Theo lời kể của người nhà, gia đình có mua một chiếc giường thông minh với giá gần 10 triệu đồng. Sau mỗi đêm ngủ, anh X. luôn xếp giường đứng lên để tiết kiệm diện tích. Ngày 28/9, khi đang ngồi chơi gần đó, chiếc giường bỗng dưng đổ ập xuống đầu khiến anh X. bất tỉnh. Gia đình lập tức đưa anh vào Bệnh viện Khánh Hòa cấp cứu nhưng do tình trạng quá nặng nên họ chuyển anh vào TP.HCM. Anh X. được phẫu thuật nhưng vẫn không qua khỏi.
Theo ông Nguyễn Văn Thổ, giường thông minh bị sập có thể do sử dụng những bộ trợ lực kém chất lượng. Chẳng hạn, bộ trợ lực piston chỉ đủ lực cho loại giường nhỏ từ 1,2m trở xuống, sử dụng nệm bông mỏng, nhẹ. Nhưng để tiết kiệm chi phí, nhiều cơ sở lắp ráp đã dùng bộ trợ lực này cho loại giường trên 1,2m và người dùng còn gắn thêm nệm cao su nặng. Theo thời gian, bộ trợ lực này quá tải, sẽ tự sập xuống.
Các nước trên thế giới đều có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm nội thất, nhất là đối với giường và ghế. Ví dụ, một cái ghế bán cho người 150kg ngồi thì phải qua kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, mới được nhập vào nước họ. Trong quá trình sử dụng, nếu người dùng gặp tai nạn thì nhà sản xuất sẽ bị kiện ra tòa và bồi thường số tiền rất lớn. Do đó, các nhà sản xuất rất thận trọng và chấp hành nghiêm ngặt.
Ở Việt Nam, việc kiểm soát về tiêu chuẩn an toàn chưa chặt nên có nhiều sản phẩm trôi nổi, không đảm bảo an toàn vẫn được nhập về. Trong quá trình sử dụng, khi gặp sự cố, người dùng cũng ngại kiện cáo, tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng “tung hoành”.
Xu hướng mua bàn, ghế thông minh về tự lắp ráp rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, độ an toàn sản phẩm phụ thuộc vào cấu trúc, phụ kiện, thiết kế ban đầu của nhà sản xuất chứ không nằm ở khâu người dùng mua về rồi lắp ráp. Nếu phụ kiện tốt và người dùng tự lắp ráp đúng theo hướng dẫn, vẫn an toàn.
Ông Thanh cho rằng, sản phẩm nội thất thông minh của Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá bán rẻ nhưng chất lượng thường kém. Sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt Nam làm từ gỗ cứng, còn sản phẩm của Trung Quốc làm từ các loại gỗ mềm, xốp như cây gòn - một loại cây mà không doanh nghiệp Việt nào dám dùng - để tiết kiệm chi phí, giá vật tư. “Đó là chưa kể, hàm lượng formaldehyde trong nhiều sản phẩm gỗ của Trung Quốc luôn vượt ngưỡng cho phép, gây hại sức khỏe cho người dùng” - ông Huỳnh Quang Thanh nói.
Theo Báo điện tử Phụ nữ TP HCM