Đã có một số ý kiến cho rằng cần tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Thông tin này đã tác động tâm lý khiến thị trường ngoại tệ chợ đen được dịp làm giá.
Ổn định quá lâu là bất lợi?
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát tăng cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với USD. Đồng nội tệ hiện bị đánh giá cao khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn.
Ông Thành cho rằng, để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế cần giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định. Cùng đó cần thực hiện phương án chủ động phá giá tiền đồng (VND) khoảng 3 - 4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài đang có lợi cho nhập khẩu nhưng bất lợi cho xuất khẩu. Điều này một phần do biến động tỷ giá (năm 2012 ở mức 1%) thấp hơn lạm phát (ở mức 6,8%). Vì vậy, cần điều chỉnh tỷ giá ở mức 3-4% trong 3 năm liên tiếp, giúp đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nghĩa nói: năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vượt trội nhu cầu xuất khẩu và đưa nền kinh tế chuyển dần từ thặng dư thương mại đến thâm hụt thương mại. Bức tranh tỷ giá lúc đó sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là khi các nhà nhập khẩu cần nhiều hơn ngoại tệ và tất nhiên, cán cân thanh toán có thể chuyển dịch theo hướng thâm hụt mạnh, dù năm nay đang là thặng dư.
“Mặt khác, nếu so sánh tỷ giá song phương giữa VND và USD thì VND đang bị đánh giá cao khoảng 23%. Vì thế, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu”, ông Nghĩa nói.
Tỷ giá đâu chỉ mỗi xuất khẩu
Tuy nhiên có không ít ý kiến ngược lại cho rằng phá giá VND lúc này thiệt nhiều hơn lợi. Các phân tích chỉ ra rằng, không ai phủ định quy luật “đồng tiền giảm giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu” nhưng cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái chỉ là một yếu tố.Hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc không quá nhiều vào tỷ giá hối đoái.
Đây là kết quả của các công trình nghiên cứu về sự tác động của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu ở nước ta thời gian qua. Hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thị trường, công nghệ, tiếp thị và uy tín của nhà sản xuất...
Bên cạnh đó, xét về cơ cấu thì đến nay các mặt hàng như điện thoại di động, điện tử máy tính, dệt may, da giày... có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, nhưng những mặt hàng này lại chủ yếu chỉ gia công tại Việt Nam, hầu hết linh phụ kiện đều phải nhập khẩu vì vậy khi phá giá VND sẽ làm đội giá các sản phẩm này lên và sẽ gây khó khăn cho cạnh tranh trong xuất khẩu.
Điều quan trọng là phá giá VND sẽ gây áp lực lên lạm phát bởi nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng hàng ngày vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn. Chẳng hạn như xăng dầu cần lượng ngoại tệ lớn, mỗi tháng lên tới 500 triệu USD để nhập khẩu, chỉ cần tỷ giá nhích lên một chút là thua lỗ và tăng giá ngay. Ngoài xăng là điện. Hiện nợ nước ngoài bằng ngoại tệ của EVN khá lớn và chỉ cần tỷ giá tăng 1 chút thì số tiền trả nợ cũng sẽ tăng thêm tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nếu phá giá VND việc tăng giá các mặt hàng này là khó tránh khỏi. Những sản phẩm này lại là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ, khi tăng giá sẽ làm cho nhiều mặt hàng đồng loạt tăng theo sẽ làm tăng CPI và gây ra lạm phát.
Đấy là chưa kể một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, sữa, hoá chất, thuốc trừ sâu ...ửtong nước chưa sản xuất được, đều phải nhập khẩu với số lượng lớn. Khi tỷ giá tăng dẫn đến giá thành các mặt hàng này tăng sẽ tác động đến chỉ số CPI.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá thay đổi sẽ khiến người dân đổ xô đi rút nội tệ chuyển sang mua ngoại tệ dẫn đến hiện tượng khan hiếm tiền đồng… Như vậy sẽ không thể hạ mà ngược lại phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó giảm. Hơn nữa nó còn làm cho cầu ngoại tệ tăng cao và lại gây áp lực lên tỷ giá.
Mấy ngày hôm nay, chỉ mới nghe các ý kiến phát biểu khuyến nghị nên phá giá VND, trên thị trường tự do tỷ giá đã thay đổi. Tỷ giá bắt đầu tăng từ cuối ngày 18/2/2013 và đến cuối giờ giao dịch ngày 19/2/2013 nhiều nơi mua vào - bán ra 20.990 - 21.020 đồng một đôla.
Tất cả những điều này sẽ làm cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô không thực hiện được, vì vậy việc phá giá VND được cho là có hại nhiều hơn lợi.
Nói về vấn đề này, một chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá mới chỉ là ý kiến của một số cá nhân. Còn quyết định của cơ quan điều hành vẫn phải thận trọng, mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.
Giải thích hiện tượng giá USD tăng mấy ngày qua, vị chuyên gia này cho rằng, sau tết có một lượng tiền đồng lớn quay lại hệ thống ngân hàng. Dư tiền đồng cục bộ có thể khiến một số tổ chức tín dụng “rung rinh” trước tỷ giá.
Vị chuyên gia này cho biết, sáng 20/2, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng là 20.895 nhưng sau khi lên đến 20.890 thì đã lập tức rút về 20.880 rồi 29.875 khi các ngân hàng bán ra. Rõ ràng, đây không phải là hiện tượng đáng ngại
Còn trên thị trường tự do, hoàn toàn có thể là yếu tố tâm lý và lợi dụng để làm giá kiếm lời.
Không thể nói vì xuất khẩu mà nới tỷ giá. Năm 2012 xuất khẩu tốt dù không nới tỷ giá lần nào. Bên cạnh đó, việc nới tỷ giá còn liên quan đến nhiều vấn đề về nợ quốc gia, nợ nước ngoài của DN, tác động lên lạm phát.
“Đặc biệt, việc nới tỷ giá sẽ tạo ra kỳ vọng rất lớn của thị trường, gây bất ổn. Hơn thế, những điều chỉnh bất thường sẽ luôn gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư vào chính sách và sự ổn định vĩ mô của Việt Nam. Vì thế, điều chỉnh tỷ giá là bài toàn về lợi ích, lòng tin chứ không chỉ mỗi câu chuyện xuất khẩu”.
Trần Thủy – Ngọc Sơn