Nông dân đổi đời trên vùng cây dược liệu

Phát huy lợi thế của địa phương, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng những cánh đồng dược liệu, góp phần phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo là cách làm thiết thực tại nhiều địa phương.

Từ thoát nghèo

Anh Nguyễn Duy Gấm (thôn 4, xã Trà Nam, Nam Trà My, Quảng Nam) trước đây chỉ làm nương, rẫy nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Từ khi chuyển đổi sang trồng giảo cổ lam, kinh tế gia đình anh được cải thiện rõ rệt. Anh cho biết, từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây giảo cổ lam. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ kỹ thuật của huyện, anh dần nắm vững kỹ thuật chăm sóc giúp vườn cây không ngừng phát triển, tạo ra nguồn thu nhập tốt, phát triển kinh tế, cuộc sống khấm khá, ổn định hơn.

Anh Dương là một trong nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu để thoát nghèo. Mô hình này đang được nhân rộng đến hầu khắp các xã ở huyện Nam Trà My. Dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, phù hợp phát triển nhiều cây dược liệu quý như  sâm ngọc linh, sâm nam, sâm nước, giảo cổ lam, đương quy, sa nhân tím… huyện Nam Trà My có chủ trương vận động, hỗ trợ bà con trên địa bàn trồng cây dược liệu, tạo đà để thoát nghèo bền vững.

Địa phương đã tích cực hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp nhiều gia đình đổi đời với thu nhập cao gấp 5 - 6 lần so với trồng các loại cây khác. Đây là hướng đi mới, mang lại thu nhập cao cho người xã Trà Nam nói riêng, huyện Nam Trà My nói chung.

Đến việc tạo sinh kế lâu bền

Để giúp người dân thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững, tại nhiều địa phương, việc phát triển cây dược liệu được thực hiện với cơ chế gắn nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông dân trên cơ sở sản xuất, tiêu thụ khép kín, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Trong đó phải kể đến Lào Cai, nơi đang nỗ lực đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo giá trị kinh tế cao.

Trước đây, mỗi năm cả gia đình anh Má A Máo (thôn Má Tra, huyện Sapa) chỉ trông chờ vào một vụ lúa với thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng, cuộc sống luôn trong cảnh thiếu thốn. Nhờ trồng atisô, mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu khoảng 30 triệu đồng. Một trường hợp điển hình ở Sapa có thể kể đến anh Thào A Từ ở thôn Suối Hồ. Với việc hợp tác trồng atisô với Traphaco Lào Cai từ năm 2011 đến nay, anh đã chuyển đổi từ 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng atisô, mỗi năm cho thu khoảng 7 - 8 đợt cắt lá, thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Được biết trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Sapa chú trọng phát triển vùng cây dược liệu lên 200ha, tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng theo quy hoạch. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất sản xuất, Sa Pa tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác dược liệu.

{keywords}
 

Huyện kết hợp với các đơn vị nghiên cứu uy tín để chọn lọc, lai tạo các giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.... Về đầu ra cho sản phẩm, ngoài sản lượng lớn nguồn dược liệu trên địa bàn xuất bán cho Công ty Traphaco Sapa, huyện còn tạo khuyến khích gắn sản phẩm dược liệu với du lịch, đưa người dân tiếp cận với khách du lịch, bán ra thị trường.

Không chỉ tại Sapa, trên địa bàn Lào Cai có hàng chục doanh nghiệp đang liên kết với nông dân các huyện vùng cao có khí hậu ôn đới để trồng các loại cây dược liệu tam thất, đương quy, chè dây, bạch truật, cát cánh, đẳng sâm…Tỉnh Lào Cai đang tích cực nghiên cứu và thực hiện các giải pháp khuyến khích nông dân các địa phương chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có, lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, chương trình 135… để hỗ trợ nguồn vốn trồng dược liệu cho nông dân.

Để khai thác tốt thác lợi thế tự nhiên, tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng diện tích đạt 3.700ha và chủng loại đạt 22 loại cây dược liệu, sản lượng khoảng 12 nghìn tấn/năm.

N.Hân - Phương Cúc - Ngọc Cương (tổng hợp)