Trước tình trạng bị lép vế trên thị trường nội địa, nhiều nhà sản xuất nông sản Việt đang chủ động chinh phục người dùng trong nước bằng những trái ngon quả ngọt, vật nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
“Ma trận” hàng nông sản giữa lòng Hà Nội
 
Khoảng 4h30 phút sáng, chợ đầu mối Cầu Mới (Ngã tư sở, Hà Nội) tấp nập hàng hóa nông sản đổ về với vô số các loại rau, củ, quả… cảnh mua - bán hết sức nhộn nhịp.
 
Nói về nguồn gốc các mặt hàng đang bày bán tại đây, người bán hàng cho biết, chỉ một số lượng nhỏ bí đỏ được mua tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và Ba Vì (Hà Nội); cải bắp cũng một phần được thu mua tại Ninh Giang (Hải Dương), còn đa số rau, củ do lái buôn đưa từ biên giới phía Bắc về.
 
{keywords}
Nông trại nuôi thả gà ta của anh Hòa đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn Thương hiệu Gà36 - Ảnh: Thanh Bình

Theo ông Triệu Quang Thìn, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội, hiện rất khó để người dùng phân biệt và chọn mua được các sản phẩm trong nước.
 
Chẳng hạn như nhìn bên ngoài, nếu để ý kỹ thì quả bí của ta vỏ sần hơn, trọng lượng nhỏ hơn bí Trung Quốc; cải bắp của ta không cuộn chắc cứng như rau Trung Quốc mà cầm thấy xốp hơn, nhẹ hơn... Vì vậy người tiêu dùng cần phải thông thái mỗi khi đi chợ.
 
Mặt khác, báo chí hiện nay cũng phân tích khá nhiều về thói quen ưa dùng hàng “nhập khẩu”, hàng xách tay ngay cả với các sản phẩm nông sản như hoa quả, gạo, thịt.. của người tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến hàng trong nước dù có chất lượng, đẹp về mẫu mã và giá thành rẻ vẫn luôn bị “lép vế” ngay sân nhà.
 
Trong khi đó, hàng nông sản Việt Nam nhiều phen bị bị thương lái nước ngoài làm cho điêu đứng. Không ít lần hàng nông sản ách tại cửa khẩu biên giới do những “chiêu trò” của thương lái nước ngoài. Còn những hàng hóa không rõ nguồn gốc lại tuồn về Việt Nam chính từ biên giới.
 
Vì vậy, việc thay đổi thái độ tiêu dùng của người mua đối với các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là rất quan trọng.
 
Cùng nông dân phát triển thương hiệu nông sản Việt
 
Với truyền thống nông nghiệp, người nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những hàng nông sản đặc sản của các vùng miền. Khi người tiêu dùng Việt tin tưởng vào kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân Việt chính là góp “một tiếng vỗ tay” cổ vũ cho những nông sản Việt chất lượng cao tìm được chỗ đứng ngay trong nước.
 
Kết hợp kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm, người nông dân Việt tự tin sẽ cho ra đời những trái ngon quả ngọt, vật nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
{keywords}
Nỗ lực của anh Phan Văn Hòa (giữa) đã được ghi nhận bằng việc gắn biển công nhận “Nông trại nuôi thả gà ta đạt chuẩn Thương hiệu Gà36” - Ảnh: Thanh Bình

Anh Phan Văn Hòa, chủ nông trại nuôi thả gà ta ở Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc khẳng định: “Được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra là quyết định đến sống còn của nông trại. Để Thương hiệu Gà36 đồng ý cấp chứng nhận đạt chuẩn, chúng tôi đã rất nỗ lực để hoàn thành các yêu cầu chất lượng mà họ đưa ra”.
 
Lãnh đạo Thương hiệu Gà36 cũng cho hay, “Việc hỗ trợ tối đa cho người nông dân như anh Hòa những điều kiện cần thiết để ra đời một con gà đạt tiêu chuẩn đã giúp chúng tôi ổn định thực phẩm đầu vào. Bên cạnh đó góp phần giúp bà con chăn nuôi đúng quy cách, tạo việc làm hiệu quả ngay chính vườn trại nhà mình.
 
Chúng tôi tin là nếu được đầu tư bài bản, đúng tiêu chuẩn, bà con có thể làm được và làm tốt. Thương hiệu Gà36 sẵn sàng hỗ trợ nhiều nông dân khác chăn nuôi hiệu quả như gia đình anh Hòa”.
 
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào hàng Việt, thương hiệu Việt. Hưởng ứng Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là việc làm thiết thực hơn bao giờ hết để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả và ổn định. Đó là sự đoàn kết, lời động viên, ủng hộ, thể hiện tinh thần dân tộc…
 
Sự đoàn kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, đặc biệt phải kể đến là thái độ ủng hộ của người tiêu dùng. Người nông dân tự tin với việc làm ra cây trái, vật nuôi… khẳng định chúng ta có thể làm được, có thể tạo ra những nông sản chất lượng, thực phẩm sạch”.
 
“Cần có nhiều doanh nghiệp hơn nữa quan tâm đến người nông dân, bao tiêu đầu ra, giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế ngay chính vườn nhà mình”, PGS.TS Tiến nhấn mạnh.
 
Huy Thủy