- Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân tập trung thẩm vấn giám định viên để làm rõ nguyên nhân khiến Đỗ Đăng Dư chết trong buồng giam.
Phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Văn Bình (SN 1998, trú ở Chương Mỹ, Hà Nội) tội cố ý gây thương tích nóng ngay từ phần xét hỏi khi các luật sư của gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư tập trung thẩm vấn những người liên quan để làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Bình khai như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Bị cáo cho hay, hành vì của mình là sai trái và vô cùng ân hận vì những gì đã gây ra.
Bị cáo Vũ Văn Bình tại tòa |
Có mặt tại tòa, mẹ nạn nhân cho rằng: "Không thể mấy cái đấm, cái đạp mà con tôi chết như thế". Trong nước mắt, giọng nghẹn ngào, người mẹ mất con trình bày: "Tôi nghĩ pháp luật là đúng, tôi nghĩ gửi con đi cho nó thành người, không ngờ... Tôi yêu cầu, các bác cầm cân công lý thì phải làm cho đúng. Con của tôi chưa đến tuổi chết...".
Và để làm rõ nguyên nhân chết của Đỗ Đăng Dư, các luật sư của người bị hại dành nhiều thời gian để thẩm vấn hai vị giám định viên quân đội.
- Nguyên nhân cái chết của nạn nhân được xác định là do vật tày tác động vào trán phải, vùng sát chân tóc. Theo thực nghiệm điều tra, bị cáo khai, đã nện gót chân vào nạn nhân từ trên xuống đỉnh đầu. Ông có thể lý giải, nện gót chân từ trên đỉnh đầu xuống thì có thể gây vết thương ở trán được không?
Khi chân giơ lên đạp xuống thì có xu hướng co lại để lấy cân bằng. Ngay cả bị cáo nói nện ba phát liên tục thì cũng không xác định được phát nào ở đâu. Tôi nói nạn nhân bị tác động lực vào đầu khi đầu đang ở tư thế tự do. Lực tác động từ trên xuống, từ phải sang trái. Nạn nhân bị vật tày tác động vào trán. Lúc khám nghiệm tử thi, luật sư đứng ở đó. Khi chúng tôi làm việc, hàng ngày có hai người nhà nạn nhân, VKS. Chúng tôi khám đến đâu, đọc tổn thương, ai thắc mắc thì tôi giải thích, đồng ý rồi tôi mới chuyển sang chỗ khác. Hôm đó tôi đã giải thích rất kỹ cho người nhà nạn nhân.
- Việc bị cáo dùng gót chân tác động nên đầu nạn nhân có mạnh như búa nện không?
Câu hỏi này khó trả lời. Bị cáo đạp ba phát nhưng tôi chỉ thấy có một chỗ ở trán có tụ máu dưới da, các chỗ khác không thấy. Không thấy tụ máu trong xương, hay bị rạn. Hộp sọ không sao, chỉ có tụ máu dưới da đầu. Não có bị phù, do rối loạn vận hành, có chảy máu ở đốt cột sống thứ nhất. Khi có lực tác động quá mức thì có tổn thương ở đốt đội.
- Với tay chân không làm sao có thể đánh chết người được. Ông biết là trong điều kiện buồng giam thì không có vũ khí gì được?
Trong kết luận pháp y của tôi, tôi chỉ nói nạn nhân bị vật tày tác động. Các anh điều tra nói gót chân phù hợp thì nó là gót chân. Nếu vật tày gây tụ máu thì là tác động tương đối mạnh.
- Nhận định của ông, tư thế đánh như thế, liệu có gây tử vong?
Nếu gây ra thương tích vào đầu thì không có cơ hội sống. Thành phần tổ chức não trong sọ chủ yếu là nước nên dễ bị tổn thương. Ví dụ các anh xem đấm bốc, ông này choang cho ông kia một quả, khi ngã xuống không dậy nổi luôn.
Với tư thế đầu tự do, anh đạp thẳng hay dùng gót chân nện, khi đó cơ gấp đùi làm việc là rất khỏe, lực tác động của nó rất khỏe. Anh đứng một chân, anh giơ một chân đá, khi đó cơ kéo gấp rất mạnh. Và không bao giờ nện ba phát được vào cùng một chỗ vì đứng một chân là không thể đứng vững.
- Chỉ bằng chân tay có thể gây thương tích hộp sọ như vậy không?
Cách đây nhiều năm, tôi có khám nghiệm một vụ mà hai ông chỉ tẩm quất cho nhau thôi cũng có thể gây chết... Ta không thể nói tay không, chân không có gây chết người được hay không, mà nguyên nhân phải là do lực tác động cụ thể gây ra hậu quả cụ thể.
- Ở đùi trái của nạn nhân có vết thương đã bị từ cách đó hơn 10 ngày, trong hồ sơ vụ án chỉ nói vết thương này là do ngã ở bệ xí. Vết thương như vậy mà 15 ngày sau vẫn sưng nề, bác sĩ giải thích gì về việc này?
Tôi tập trung vào cơ chế gây ra nguyên nhân chết theo yêu cầu. Vết thương đó không phải nguyên nhân gây chết. Chúng tôi thấy các vết đó không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nạn nhân.
Lời khai của cán bộ quản giáo
Tại phiên tòa hôm nay, hai cán bộ quản giáo là người trực tiếp quản lý buồng giam C15 cũng được triệu tập đến tòa để lấy lời khai.
Anh Dũng, cán bộ quản giáo khai: "Lúc đó không phải ca trực của tôi, đang nghỉ ở nhà thì tôi nhận được tin báo của chỉ huy về việc trong buồng giam C15 do tôi quản lý xảy ra chuyện các cháu đánh nhau. Tôi phi đến cơ quan, vào gặp gỡ và cho cháu Dư đến bệnh xá".
Theo lời khai của anh Dũng, anh quản lý 3 buồng giam các can phạm vị thành niên, các buồng đều không có vấn đề xích mích, mâu thuẫn gì. Anh thường xuyên vào gặp gỡ nói chuyện, nhắc nhở các can phạm tuổi vị thành niên bởi nhận thức được can phạm tuổi này có tâm sinh lý vô cùng phức tạp.
Cán bộ trại giam tên Cường cho hay, là cán bộ phụ trách phía ngoài buồng giam, hôm xảy ra sự việc, anh nghe thấy Bình kêu cứu, rồi nghe như có người bị ngã. Khi vào trong buồng giam đã thấy ba can phạm đang đỡ Dư.
Phiên tòa kết thúc lúc 12h. Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
T. Nhung