Nghiên cứu của GSTS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, trong một đất nước, khi nói đến nhân dân là nói về nông dân, khi nền kinh tế đất nước vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không gian sinh tồn chủ yếu của cư dân là nông thôn, thì sự ổn định của khu vực này là sự ổn định của đất nước, sự phát triển của khu vực này là sự phát triển của dân tộc.

Giải quyết được vấn đề nông dân là giải quyết được các vấn đề khác của đất nước; giải quyết được những “câu chuyện” của người nông dân thì sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, dời non lấp biển. 

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn. Đến nay, có 70% số xã đạt chuẩn NTM, đời sống nông dân được nâng cao, nông nghiệp ngày càng hiện đại và đang từng bước vươn mình từ nền nông nghiệp truyền thống còn đậm nét tiểu nông sang nền nông nghiệp số. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã hướng trọng tâm vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, cũng như đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP quốc gia, lấy đất đai và tự do hóa thị trường làm động lực, giải phóng sức sản xuất của đất. Trên tinh thần định hướng chung của Nghị quyết, cần quan tâm đầy đủ, toàn diện và đứng mức hơn về người nông dân (địa vị chính trị, thân phận xã hội, vai trò kinh tế). Lâu nay, do quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp, đến phát triển kinh tế nông thôn, đến đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP nên vai trò và vị trí của người nông dân chưa được giải quyết đúng tầm.

Chính sách đầu tư công đã thể hiện điều đó, các câu chuyện buồn xung quanh việc cưỡng chế, thu hồi đất đai khi nhà đầu tư, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, trong giải phóng mặt bằng để mở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các sân golf; việc giãn dân xây dựng các công trình thủy điện nhưng người dân mất rừng, mất ruộng sống ngay dưới chân cột điện cao thế của nhà máy thủy điện vẫn tù mù với chiếc đèn dầu... đã nói lên điều đó. Dường như câu hỏi làm thế nào để nông dân thực sự là chủ thể, là người làm chủ nông thôn vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Có ý kiến cho rằng, nói đến phát triển nông nghiệp là bàn đến các vấn đề như tăng trưởng, cạnh tranh, bảo tồn các nguồn tài nguyên,... và người ta thấy thực trạng là: nguồn lực (đất, nước, rừng, sinh thái...) đang bị suy giảm và cạn kiệt. Giải pháp nào cho các vấn đề này trong tương lai trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng (giá quốc tế tăng, tỷ trọng mua ngoài ngày càng lớn...), lợi thế cạnh tranh quốc tế có nguy cơ bị giảm sút, áp lực chất lượng trên thị trường ngày càng ngặt nghèo, yêu cầu ổn định cung ứng ngày càng cao...

Nói đến phát triển nông thôn là nói đến các nội dung về không gian kinh tế, hạ tầng, dịch vụ công, nghèo đói, bản sắc văn hóa, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Thực trạng hiện nay là: thiếu quy hoạch phát triển, hạ tầng yếu kém, dịch vụ công vừa thiếu, vừa kém hiệu quả, chi phí cao, quản lý tài nguyên bất cập, môi trường bị ô nhiễm...

Nói đến nông dân là nói đến số lượng và chất lượng cuộc sống của người nông dân, như thu nhập, tổ chức dân cư, liên kết cộng đồng, giám sát xã hội, dân chủ hóa, dân trí... Tình trạng hiện nay là: thu nhập thấp, bấp bênh, ly nông, ly hương bất đắc dĩ, thiếu việc làm, đối mặt với nhiều loại tệ nạn xã hội, dân chủ bị vi phạm, chất lượng sống thấp, vị thế thấp, tiếp cận dịch vụ công yếu, thiếu bình đẳng...

Vấn đề tam nông cần được nhìn nhận trong bối cảnh phát triển mới với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu cùng với những cú sốc tự nhiên và các nhân tai bất thường, khó đoán định (dịch bệnh, chiến tranh).  

Những vấn đề đặt ra đó được đề cập trong Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, mục tiêu chung của chính sách tam nông, suy cho cùng, là: 1- Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, làm nông là một nghề có tri thức, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phát triển và bảo vệ Tổ quốc, để người nông dân tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của mình; 2- Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đó là nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững; 3- Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, tạo ra cơ hội cho một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng không khác gì cơ hội của một đứa trẻ sinh ra ở thành phố; nhưng vẫn là nông thôn Việt Nam, mang đậm văn hóa của cộng đồng mình, của dân tộc mình, của đất nước mình.

Do vậy, GSTS Trần Đức Viên cho rằng cần quan tâm đến các nội dung sau trong phát triển: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn, trong tăng trưởng cần chú ý đến tiến bộ xã hội, chú trọng đến vấn đề công bằng trong phát triển; Thứ hai, tăng phúc lợi từ điều chỉnh lợi ích xã hội, Nhà nước chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh và phân phối phúc lợi này; Thứ ba, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; muốn vậy, cần “cởi trói” được 3 nút thắt trong kinh tế nông thôn: kết cấu hạ tầng, chất lượng nhân lực và quản trị cộng đồng. Trong đó chú ý, nông thôn văn minh, hiện đại khác một thành phố văn minh, hiện đại, cần thực hiện như thế nào để nông thôn vẫn là nông thôn, nơi chứa đựng văn hóa và văn hiến Việt Nam, đồng thời thực sự trở thành nơi đáng sống - là một câu hỏi lớn cần được trả lời tường minh, khoa học.

Xuân Quý, và nhóm PV, BTV