Cái gì cũng phải trả giá
- Mới đây, khi giao lưu với khán giả ở Đà Nẵng, anh có chia sẻ hồi trẻ rất đẹp trai. Ngày xưa, người ta mặc định đi làm diễn viên thì phải đẹp, không biết thời thanh xuân NSND Bùi Bài Bình có đẹp trai khiến bao cô gái 'đổ gục' không?
Đó chỉ là câu chuyện vui thôi bởi không phải chỉ có con trai cao to, con gái xinh mới đi làm nghệ thuật được. Khi học lớp diễn viên khóa 2 của ĐH Sân khấu Điện ảnh, chúng tôi có nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Bạn nữ xinh đẹp đóng tiểu thư đài các, người đậm chất nhà quê lại rất hợp vai gái làng. Nam cũng vậy, to cao, đẹp trai nhập vai công tử nhà giàu, vẻ mặt hợm hĩnh chuyên đóng phản diện. Chỉ có người nói ngọng, méo mồm không làm diễn viên được.
- Vì sao anh lại quyết định đi làm diễn viên?
Cũng tình cờ thôi, năm 1972 khi Hà Nội bị Mỹ ném bom, tôi sơ tán ở Hà Đông. Lúc đó mới học lớp 8 và đang chán thì mấy anh bạn rủ thi tuyển diễn viên ở Hoàng Hoa Thám. Nghĩ là thi chơi thôi mà vô tình trúng. Trước đó, tôi không có ý định trở thành diễn viên vì gia đình không ai theo nghệ thuật, bố là công nhân còn mẹ làm ở hợp tác xã.
Bố mẹ đều phản đối nhưng may là 4 chị gái yêu văn nghệ nên động viên ông bà cho tôi đi học diễn viên. Bởi ngày xưa khi vào trường Sân khấu Điện ảnh là phải cắt hộ khẩu rồi lên tập trung ở trường, mỗi tuần chỉ được về nhà 1 lần vào ngày Chủ nhật.
- Và đến giờ, anh có thấy lựa chọn của mình là đúng?
Làm diễn viên phải đủ 3 yếu tố: năng khiếu, rèn luyện và thời cơ. Vì có tài và chăm chỉ mà người ta không mời đóng phim hay không gặp vai phù hợp cũng phải chuyển nghề. Sĩ số lớp tôi là hơn 20 nhưng 4-5 người rơi rụng.
Học xong, năm 1977 tôi về Hãng phim truyện Việt Nam và nhận ngay tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Hồi thi tuyển diễn viên, vào đúng bàn của cụ nên khi làm phim Kén rể, đạo diễn đã lùng bằng được chàng diễn viên hóm hỉnh có 2 răng khểnh ở trường Điện ảnh và cử trợ lý mời tôi diễn thử.
- Anh nói từng phải mài răng khểnh để đóng vai Bác Hồ trong 'Nhà tiên tri' nhưng cũng nhờ chiếc răng khểnh đó mà NSND Bùi Bài Bình có được vai diễn đầu đời. Anh có phải cân não trước khi đưa quyết định và bà xã Ngọc Thu có phản đối?
Thực ra, tôi phải nhổ 1 răng và mài 1 răng để được đóng vai Bác Hồ thời điểm ngoài 50 tuổi. Tôi nghĩ mình cũng có tuổi rồi, chẳng cần răng khểnh làm gì nữa để nhận vai. Bà xã không phản đối bởi là diễn viên nên quá hiểu đặc thù công việc của nhau. Cô ấy nói: "Anh thích thì hy sinh thôi, chẳng có gì đến với mình mà êm như nhung cả. Cái gì cũng phải trả giá".
- Gần 50 năm làm diễn viên, ngoài lần phải mài răng vì vai diễn, có khi nào anh phải 'hy sinh' vì nhân vật như vậy?
Nếu nói là hy sinh vì vai diễn thì hơi quá vì không có gì to tát. Tuy nhiên, tôi thừa nhận gặp nhiều may mắn khi được làm việc với hầu hết các đạo diễn lão làng và nhận toàn vai chính từ lúc ra trường tới những năm 1990. Hồi trước được một vai chính khó lắm, có nghệ sĩ cả đời làm nghề chưa được vai chính nào, không nhận một giải thưởng gì. Lớp tôi chỉ 4-5 người được giải diễn viên.
Đám cưới nghèo, bánh kẹo phải 'xin' từ cô Trà Giang, chú Lâm Tới
- Anh học cùng lớp với những ai?
Tôi học cùng Minh Châu, Phương Thanh, Vũ Đình Thân, Thanh Quý, Hữu Mười.... Bà xã tôi cũng là người không may mắn dù xinh đẹp. Trong sự nghiệp điện ảnh, cô ấy chỉ đóng vài vai ngắn, nổi nhất là chị Út Tịch trong Mẹ vắng nhà.
- Không biết Ngọc Thu gặp Bùi Bài Bình là may mắn hay Bùi Bài Bình gặp Ngọc Thu là may mắn? Anh chị gặp nhau trong hoàn cảnh nào?
Điều đó không ai có thể trả lời (cười). Chúng tôi sinh năm 1956, học cùng khóa diễn viên và gặp nhau ở trường điện ảnh. Nhóm bạn gồm toàn người Hà Nội cứ đến chiều thứ 7 là rủ nhau đi tàu điện gần Bưởi về. Nhà tôi ở ngã tư Tô Hiến Thành còn Thu ở chợ Giời. Chiều Chủ nhật, lại cùng đi tàu lên trường. Duyên số chứ tôi cũng không có ý định lấy đồng nghiệp.
- Học cùng lớp, hai người bắt đầu yêu nhau từ khi nào?
Chúng tôi yêu nhau khoảng năm 1975 - 1976. Trong trường rất nghiêm và có quy định không được yêu đương khi đi học. Nhưng ai yêu ai thì biết cả, tùy quan hệ mà ngăn cấm. Bọn mình quan hệ trong sáng, chẳng có gì lén lút nên cũng không bị cản trở.
- Ở lớp có bao nhiêu bạn học xinh thế sao Bùi Bài Bình chỉ chấm mỗi Ngọc Thu?
Đó mới gọi là duyên số. Cô ấy không phải xinh nhất lớp, không bằng Phương Thanh hay Thanh Quý nhưng lại là chị cả của 5 người em. Tôi cảm mến vì Thu là người tần tảo, chăm chỉ. Cô nào nhà gốc gác ở Hàng Ngang, Hàng Đào sang chảnh thì mình không tơ tưởng được và họ cũng chẳng yêu mình.
- Yêu nhau từ khi đi học, đến năm nào anh chị làm đám cưới?
Năm 1981, chúng tôi quyết định xây dựng gia đình. Khi đó đám cưới nghèo lắm. Tôi phải xin đồ của các cô chú, anh chị diễn viên ở Đoàn kịch điện ảnh gồm khoảng 50 người như cô Trà Giang, chú Lâm Tới... Mỗi người được nhận tiêu chuẩn 1 tháng là mấy gói kẹo, cân đường.... tất cả dồn hết cho hai đứa làm đám cưới.
Lễ cưới có ít kẹo, hạt dưa, bao thuốc... mời mọi người đến chung vui, đơn giản mà nhẹ nhàng, ấm áp lắm! Quà mừng là cái phích nước hay chậu men, có người tặng luôn tập tã trẻ con mang từ Liên Xô về. Năm 1982, chúng tôi có con trai lớn và dùng đến tập tã đó.
Nấu cơm, giặt giũ, việc gì tôi cũng làm tất
- Điều gì giúp duy trì cuộc hôn nhân của anh chị suốt hơn 40 năm từ thuở hàn vi đến giờ?
Một là phải hợp nhau, hai là phải biết nhường nhịn, làm gì cũng phải nghĩ mình còn có một gia đình. Cuộc sống vất vả, khổ sở nhưng phải chia sẻ, cứ nghĩ cao sang quá thì không được. Chúng tôi sinh 2 con trai, 1 đứa năm 1982, 1 đứa năm 1997. Ngày xưa, lương diễn viên ít lắm nên làm gì có tiền.
Năm 1990, có căn nhà ở phố Tô Hiến Thành tôi đánh liều bán cà phê. Ban đầu chỉ mở một nửa nhà, một nửa che ri-đô để ở nhưng sau đông khách nên quyết định dẹp nốt cái giường bên trong. Vậy mà chúng tôi duy trì được quán 30 năm. Giờ thì thôi rồi vì các con đã lớn còn mình cũng có tuổi.
- Diễn viên hạnh phúc là được làm nghề. Anh vẫn nhận vai đều nhưng chị thì không. Thấy chồng đi làm phim, bà xã ở nhà có buồn?
Thực sự cô ấy cũng muốn đi đóng phim lắm nhưng không hợp nhiều vai như Minh Châu, Thanh Quý. Cô ấy không ngăn cản hay suy nghĩ gì đâu. Ở tuổi này phải có sức khỏe và đam mê mới đi làm phim được vì nghề này vất vả, lăn lộn từ sáng sớm đến đêm, trưa chỉ ngủ nửa tiếng, chế độ ăn chỉ là cơm hộp.
Thu nhập không được bao nhiêu, chỉ là có đồng ra đồng vào cho vui. Tôi cũng được mời đóng quảng cáo nhưng vì không biết nguồn gốc sản phẩm đó ra sao nên không nhận. Nhịn đi một tí nhưng thanh thản và không lo lắng gì.
- Gần đây, anh trở lại màn ảnh với vai ông Thành lái xe ôm trong 'Lối nhỏ vào đời' và ông Toại của phim 'Gia đình mình vui bất thình lình'. Nhân vật nào giống Bùi Bài Bình ngoài đời hơn?
Thực ra tôi thích ông Thành vì hợp với vai có thân phận, cuộc đời vất vả. Còn ngoài đời tôi hài hước hơn ông Toại trên phim, nhưng khác ở chỗ là làm đủ việc từ nấu cơm đến giặt giũ khi vợ đi vắng.
- Nhiều người nói anh chỉ hợp vai khắc khổ, cho đóng vai sướng không được?
Tôi không hợp với vai quan chức hay công an nhưng từng đóng vai đểu cáng rồi. Đó là vai khốn nạn nhất ở nông thôn trong Gió làng Kình, Ma làng và đều thành công.
NSND Bùi Bài Bình trong 'Gia đình mình vui bất thình lình'