W-ad7752c7-10aa-4072-b39b-05ad2fcf3e12-3.jpg
Đạo diễn Nguyễn Thước được phong tặng danh hiệu NSND năm 2012. 

Tôi thấy hơi buồn cười vì tới vòng xét duyệt cuối mình lại không đủ số phiếu  

- Ông nhận Giải thưởng Nhà nước đúng năm tròn 70 tuổi là dấu mốc lớn. Nhưng trước đó tôi còn nhớ thời điểm năm 2011, NSND Nguyễn Thước từng lao đao trong lần làm hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Nhà nước. Tại sao phải đợi tới hơn 10 năm ông mới được nhận giải thưởng này trong khi với những thành tích đạt được đáng lẽ ông phải được trao Giải thưởng Nhà nước từ lâu rồi?

Thực ra giữa hai kỳ xét duyệt đó tôi có gửi hồ sơ thêm 1 lần, dù qua tất cả các vòng xét duyệt nhưng cuối cùng thì bị văng. Thường sẽ có câu trả lời là không đủ phiếu. Tôi luôn nghĩ mình đủ tiêu chuẩn để được xét duyệt, nhất là sau lần bị kiện tụng đó tôi còn có thêm nhiều giải nữa.

Hồ sơ của tôi đã qua tất cả các vòng xét duyệt và đều được 100% số phiếu. Tôi biết có những lần duyệt không ai hỏi hay đặt vấn đề gì cả nhưng vẫn có người không bỏ phiếu nên thấy hơi buồn cười.

Có lần tôi hỏi một người ở Vụ Thi đua khen thưởng rằng tại sao không đặt ra quy định rõ ràng để gặp trường hợp nếu thấy có vấn đề thì cùng đưa ra bàn, không xứng đáng thì gạt và nếu có ý kiến nọ kia thì dựa vào số phiếu. Tôi biết trường hợp không gặp vấn đề gì hay có ý kiến nhưng đã được giải thích rõ ràng nhưng vẫn có người không bỏ phiếu. Tôi không hiểu. Ở đây có vấn đề cá nhân trong chuyện này không hay thiếu đi sự công bằng. Còn cá nhân tôi vẫn thiếu số phiếu bầu dù có rất nhiều giải. 

- Nghệ sĩ thường coi trọng danh dự. Nhiều người nếu làm hồ sơ và bị đánh trượt tới 2 lần rất nản và không muốn xin danh hiệu thêm lần nào nữa. Cá nhân ông đã bao giờ nản khi làm hồ sơ xét duyệt tiếp? 

Lần xét duyệt thứ nhất sau những lùm xùm như vậy và qua trao đổi với Bộ VHTTDL tôi chủ động làm đơn rút hồ sơ xin Giải thưởng Nhà nước để bảo toàn danh hiệu NSND vì thời điểm đó tôi xin cả hai. Tôi xin rút để thuận mọi việc. Bởi tôi còn nhiều tác phẩm đã đoạt giải và lần sau có thể xin tác phẩm khác, lúc đó thấy thời gian của mình còn dài. 

Đến lần tiếp theo tôi lại nhận câu trả lời là không đủ phiếu. Chủ tịch Hội Điện ảnh khi đó là ông Đặng Xuân Hải hỏi tôi buồn không? Tôi nói: Nếu nói em không buồn là em nói dối. Buồn thì có buồn nhưng cái buồn đó thoảng qua rất nhanh. Cũng an ủi là cơm chưa ăn thì gạo còn đấy vì thực ra số giải tôi còn rất nhiều.

Vì thế, tôi nghĩ nếu lần này không được sẽ xin nữa. Bởi đó là danh dự. Cả đời sống với nghề và đam mê của mình, với tất cả những giải thưởng và tác phẩm đạt được thì tôi tự thấy bản thân rất xứng đáng. Tôi tự nói với lòng mình là vẫn xin mà chẳng vì lý do gì.

W-34a9130d-5b9a-4e56-b245-e59df24d7045-3.jpg
Loạt giải thưởng của NSND Nguyễn Thước. 

- Sau 2 lần bị đánh trượt Giải thưởng Nhà nước, cảm xúc của ông thế nào khi chờ kết quả xét duyệt lần thứ 3, có hồi hộp và lo lắng?

Cũng hồi hộp bởi lần trước nếu xét về tiêu chuẩn so với nhiều người mà tôi biết họ chưa được giải vàng nào nhưng vẫn qua còn mình có giải vàng lại không qua. Điều đó rất buồn cười. Vì thế, tôi rất mong chờ không biết ở lần thứ 3 lại xảy ra điều trớ trêu như thế nữa không. 

- Cụm 3 tác phẩm giúp ông nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2022 có phải những bộ phim ông tâm huyết nhất và đánh giá cao nhất?

Đó là những phim tôi thích nhất và cũng tự đánh giá đó là những tác phẩm để mình tự hào. Phim Không chỉ là thương hiệu bàn về thương hiệu Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu và làm thế nào để đẩy mạnh thương hiệu Việt. Dù đề tài khô khan nhưng khi làm xong và gửi bản phim cho các nhân vật của mình, họ xem và bốc máy nói chuyện với tôi hàng tiếng đồng hồ để chia sẻ. Sau phim đó, tôi nghĩ mình cần nói chuyện một cách phải quấy về thương hiệu Việt. Đó là điều thú vị ở những người làm phim tài liệu vì mỗi lần làm xong 1 phim là mỗi lần nạp thêm kiến thức. 

Phim Đất lạnh đề cập tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tôi chọn quay tại Thái Bình - đó không phải tỉnh nghèo nhất nhưng lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong vấn đề này. Bộ phim giúp tôi giành giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam. Đất lạnh nói về thất vọng thực nhưng lại thúc đẩy người ta hơn là hy vọng giả.  

Phim Cỏ xanh im lặng làm về anh hùng Hồ Giáo - một nhân vật đặc biệt, người nông dân làm việc rất giản dị là chăm bò, chăm cỏ nhưng 2 lần được phong Anh hùng. Đến cuối đời bác cũng không nhận chức vụ gì cả, có lẽ chức vụ lớn nhất Hồ Giáo nhận là Tổ trưởng tổ chăn nuôi.

Khi bác nghỉ hưu năm 80 tuổi, tôi nghe tin và có cảm xúc rất mạnh nên quyết định thực hiện kế hoạch dù nhiều người đã làm phim về bác. Thông điệp bộ phim giản dị thôi: người ta có thể làm những việc rất nhỏ nhưng hãy làm với tình yêu lớn. Tôi dựng tác phẩm này vào năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu và coi đó là bộ phim hay nhất của đời mình.

ab65ce50 9263 4986 9cfc 13822802fa3d.jpg
NSND Nguyễn Thước và nhà văn Nguyễn Văn Thọ cùng nhận Giải thưởng Nhà nước. 

- Lần đầu tiên trong lịch sử có hai anh em trong gia đình cùng nhận Giải thưởng Nhà nước tại một kỳ trao giải. Ông có thể chia sẻ về niềm vui này? Có vẻ như việc bị trượt 2 lần xét duyệt trước là để chờ nhận cùng nhà văn Nguyễn Văn Thọ?

Đối với tôi đây là niềm vui, vì đó là sự công nhận của cả đời làm việc của mình. Với gia đình tôi, niềm vui này được nhân đôi. Lần đầu tiên có 2 anh em cùng được Giải thưởng Nhà nước trong một đợt. 

Không buồn vì con gái không theo nghề bố

- Nhận Giải thưởng Nhà nước ở tuổi 70 song với những người làm nghệ thuật, đây không phải đích đến cuối cùng vì còn có bậc thang cao hơn nữa là Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông có đặt mục tiêu sẽ nhận được thành tựu này trong khi không còn nhiều thời gian làm phim như hồi trẻ nữa?

Giải thưởng Hồ Chí Minh ai cũng mong nhưng tôi cảm thấy không còn nhiều thời gian để thực hiện điều đó. Giá bây giờ tôi 50 tuổi mới có thời gian để phấn đấu. Thực ra sau khi nghỉ hưu tôi còn bận hơn trước. Tôi dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy ở Đại học Sân khấu & Điện ảnh và vẫn tiếp tục làm những bộ phim kỷ niệm.

Năm ngoái, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tha thiết mời tôi làm phim chân dung về NSND Trà Giang. Sau khi đọc kịch bản tôi cũng bật ra một ý là có thể nói về cả một giai đoạn vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam cùng với những bộ phim NSND Trà Giang đóng vai chính. Đó không chỉ là chân dung về nữ diễn viên nổi tiếng mà khắc họa cả một giai đoạn đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều người làm phim về chị nhưng NSND Trà Giang nói với tôi đây là bộ phim hay nhất. 

NSND Nguyễn Thước trong quá trình quay phim về NSND Trà Giang. Ảnh: NVCC

- Dành cả đời cho phim tài liệu và tham gia giảng dạy nhiều lớp sinh viên, vậy các con ông có theo nghề của bố?

Các con tôi không theo nghề bố. Cô con gái thứ 2 của tôi cũng theo học Đại học Sân khấu & Điện ảnh nhưng ở lĩnh vực thiết kế đồ họa, kỹ xảo và đang làm ở Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Tôi không tiếc vì các con không làm phim tài liệu vì điều đó còn do duyên phận. Thêm nữa con gái mà đi làm phim tài liệu vất vả lắm.

- Làm phim tài liệu không chỉ có đam mê mà đòi hỏi sức khỏe, ít thời gian ở nhà. Những người như ông chắc chắn phải có hậu phương rất vững chắc mới yên tâm đi làm phim triền miên từ ngày nọ qua tháng kia?

Tôi đi làm phim quanh năm nên bà xã bảo lấy tôi như lấy bộ đội, nhưng không bao giờ càu nhàu. Cô ấy làm ở văn phòng Hội Điện ảnh nên quá hiểu công việc của những người làm phim. Phải nói tôi như có bệnh, khoảng 1 tháng không đi đâu làm gì là cuồng chân lắm.

- Giai đoạn mới nghỉ ông có bị hẫng dù công việc làm phim thì không có tuổi hưu?  

Tôi không bị hẫng về công việc mà hẫng về tình cảm. Học xong tôi về Hãng phim Tài liệu làm việc cho tới lúc nghỉ hưu, dù có nhiều cơ hội sang làm chỗ nọ chỗ kia nhưng đều từ chối. Hãng phim như ngôi nhà thứ 2 nên lúc chính thức nghỉ hưu và dọn đồ tôi bị hẫng hụt vì không còn được ở đó nữa. Rất may nhà tôi ở gần hãng phim, nhiều học trò vẫn đang làm việc ở Hãng nên việc trở lại nơi này không còn là vấn đề nữa.

- Mấy chục năm ròng rã làm nghề và phải di chuyển nhiều ở những tỉnh xa, có khi nào ông bận làm phim mà bỏ lỡ những sự kiện quan trọng trong gia đình?

Cũng may là tôi chưa bỏ lỡ dịp gì quan trọng vì mọi chuyện mình có thể sắp xếp được nên chỉ có 2 lần không được ăn Tết ở nhà thôi.  

- Đạo diễn vốn thiệt thòi nhưng đạo diễn phim tài liệu còn thiệt hơn vì không được biết đến nhiều như đạo diễn phim truyện điện ảnh hay truyền hình do đặc thù của dòng phim. Có khi nào ông thấy chạnh lòng?

Sự chạnh lòng không thể tránh được nhưng đã vào nghiệp làm phim tài liệu phải chấp nhận điều đó. Phim tài liệu có đối tượng người xem riêng, từng đề tài cũng có tầng khán giả của riêng mình. Phim tài liệu có phát triển hay không còn phụ thuộc vào dân trí nữa. Tôi lấy điều đó để an ủi khi thấy các bạn làm phim truyện được công chúng quan tâm nhiều hơn.