NSND Trung Đức được biết đến là một giọng ca nổi tiếng với các ca khúc truyền thống, các ca khúc viết về Trường Sơn một thời cùng với chất giọng cao, trầm ấm, đầy truyền cảm. Tên tuổi của ông đã gắn với những bài hát cách mạng nổi tiếng như: Chào em cô gái Lam Hồng, Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, Lá đỏ, Tổ quốc gọi tên mình, Vui mở đường, Nhịp cầu nối những bờ vui, Trai anh hùng gái đảm đang, Rặng trâm bầu... Ngoài 70 tuổi, NSND Trung Đức vẫn miệt mài đi hát, đi dạy và nhận mình là người sống rất hồn nhiên.
- Cuộc sống hiện tại của ông diễn ra thế nào?
Tôi có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mặc dù con cháu cũng biếu đồng quà tấm bánh nhưng ngoài đồng lương hưu, tôi còn kiếm được cát sê biểu diễn. Nói chung là tôi sống vui, sống thoải mái từ những đồng tiền mà tôi kiếm được, chưa phải phiền đến con cháu. Ngày nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng và 6 giờ là đi ăn sáng, cà phê với bạn bè.
Tôi vẫn tập thể thao hàng ngày. Mỗi lần tập là hơn 1 tiếng, có thể là bài thể dục cũng có thể là bài quyền. Tôi vẫn luyện thanh đều đặn ngày hơn 30 phút không hề mệt. Giọng của tôi ở thời điểm hiện tại vẫn rất tốt, lên những nốt cao vẫn ổn lắm và bạn bè nghe hát ai cũng ngạc nhiên. Vì thế, tôi vẫn được mời khá nhiều vào các chương trình ca nhạc kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.
Cuộc sống của tôi rất tốt và rất vui. Ngoài tham gia biểu diễn, tôi còn tham gia công tác giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ĐHVăn hóa – Nghệ thuật Quân đội và dạy ngoài cho một số em yêu thích ca hát. Bạn trẻ nào yêu thích ca hát và muốn hát được hay thì tìm đến tôi truyền dạy cho, dạy không lấy tiền, hoàn toàn miễn phí.
- Dạy miễn phí, thời nay rất hiếm người thầy làm được điều này?
Mỗi người thầy có một mục đích sống khác nhau, tôi sống bằng sự hồn nhiên. Tôi thương học sinh lắm vì nghĩ tới cảnh tôi ngày xưa. Tôi xuất thân từ một người lính lái xe, thời đó rất vất vả vì tận mắt thấy sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh hùng của những người lính cách mạng. Tôi là con một nhưng vẫn tình nguyện viết đơn đi bộ đội. Sau những ngày tháng trực tiếp đi chiến trường, tôi được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ngày đó đói lắm, tôi lái xe ở Thái Nguyên về mua cái bánh mỳ ăn tạm rồi đi học nên không đủ tiền đóng học phí. Vào lớp thầy hỏi tiền học phí đâu, tôi trình bày ăn bánh mỳ nên thiếu tiền học thì bị đuổi ra khỏi lớp. Dù nghỉ học nhưng khoảng 20 ngày sau khi có đủ tiền, tôi vẫn mang tới trả thầy những buổi tôi đã từng học.
Khi bị đuổi học thì thầy – NSND Trung Kiên nhận dạy tôi ngay. Và từ đó, tôi tự nhủ rằng sau này tôi có thành tài, dạy học cũng không bao giờ lấy tiền của học sinh. Trừ khi dạy ở trường nó là quy định học sinh phải theo, còn học riêng tôi không bao giờ lấy tiền. Người thầy từng đuổi tôi ra khỏi lớp sau này, khi tôi thành danh có chia sẻ lại rằng ông rất ân hận.
- Nhưng cứ dạy miễn phí như thế, tiền đâu để ông chi tiêu cho bản thân, chẳng hạn mua đồ tẩm bổ để có sức khoẻ dạy tiếp?
Ôi tôi đi làm nhiều thứ có thể kiếm ra tiền. Đi hát chẳng hạn, tôi đi hát suốt đó. Ngày xưa tôi kiếm được tiền từ bài Chào em cô gái lam hồng, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa,.. Đến tận bây giờ, khán giả vẫn chỉ thích tôi hát những bài đó. Tôi lấy tiền cát sê kiếm được ra chi tiêu, nói chung không quá giàu như tôi thấy ổn.
- Dạy miễn phí cho học sinh như thế, niềm vui thu lượm được của ông là gì?
Vui nhất là vừa dạy học cho học sinh cũng là lúc tôi luyện tập cho mình. Học sinh tiến bộ, hát hay theo ý mình là tôi vui. Tôi dạy ai hát thì người đó phải hát rất hay. Hát phải có tâm hồn và xúc cảm thì mới hay được.
- Ở tuổi ngoài 70 ông vẫn rất phong độ, thế thì ngày trẻ, vừa hát hay vừa đẹp trai, hẳn nhiều cô si mê ông lắm?
Ôi nhiều lắm, nhiều thực sự luôn. Nhiều cô chỉ xin tôi một đứa con thôi nhưng tôi từ chối luôn. Tính tôi thẳng và rõ ràng, chuyện nào ra chuyện đó chứ không lăng nhăng vớ vẩn.
- Thế với NSND Thu Hiền thì sao?
Không, tôi với Thu Hiền trong sáng lắm, không có tình ý gì với nhau đâu. Chúng tôi chỉ là bạn bè và đồng nghiệp thân thiết thôi. NSND Thu Hiền là một đồng nghiệp tuyệt vời. Tôi học ở Thu Hiền nhiều thứ lắm. Ngày xưa, tôi hát cổ điển và chính Thu Hiền là người đã dạy tôi hát dân ca. Tôi cũng thuộc dạng nhanh và nhạy nên Thu Hiền dạy gì tôi lĩnh hội khá nhanh, không phải dạy đi dạy lại.
Trước kia tôi và Thu Hiền hay gặp nhau. Tuy nhiên, cô ấy giờ định cư ở TP. HCM nên mỗi lần ra đây cũng không nhiều thời gian nên chúng tôi gặp nhau ít hơn. Thế nhưng tình bạn của chúng tôi vẫn thế.
NSND Trung Đức hát 'Chào em cô gái Lam Hồng'