Trong chương trình Thanh xuân tươi đẹp tháng 6 với chủ đề Trang sách thanh xuân sẽ phát sóng 20h10 ngày 4/6 trên kênh VTV1, hai khách mời xuất hiện trên chiếc ghế hồi-đáp: biên tập viên Phương Liên và nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng các khách mời sẽ mang tới nhiều câu chuyện thú vị và xúc động về một thời đã xa.

NSƯT Chí Trung, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà văn Đỗ Bích Thuý, tác giả văn học thiếu nhi Hoài Anh, nhạc sĩ - ca sĩ - tác giả Hamlet Trương và nhà báo Trương Anh Ngọc sẽ gửi đến khán giả câu chuyện về những trang sách từng được họ được nâng niu, gìn giữ, mở ra hàng loạt ký ức trong trẻo của tuổi thơ, tuổi thanh xuân và nuôi dưỡng ước mơ lớn để vào đời, vào nghề của mỗi người. 

NSƯT Chí Trung là người rất chăm đọc sách. 

Trang sách thanh xuân gồm 3 phần chính: Những trang sách gối đầu, Những trang sách là của chung và Cuốn sách đưa tôi chạm đến giấc mơ. Ở đó, các khách mời chia sẻ về những cuốn sách, ký ức liên quan gắn liền với tuổi thơ, tuổi thanh xuân và điều khơi gợi ước mơ viết lách của mình. 

Với nhà báo Trương Anh Ngọc là ký ức về những cuốn sách cũ kỹ, tiêu chuẩn in nhoè nhoẹt cùng nỗi niềm tiếc nuối mỗi khi chuyển nhà. NSƯT Chí Trung chia sẻ kỷ niệm ngày nào cũng quanh quẩn ở phố sách và cắm rất nhiều thẻ thư viện ở quanh người để có thể đọc bất cứ khi nào mình muốn. Anh còn bị bạn bè gắn mác "ky bo" vì không cho bạn mượn sách, truyện. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khiến khán giả bật cười khi ấm ức kể về một thời gắn liền với “vấn nạn xé sách” – những trang sách “hơi” lãng mạn, “hơi” mang tính người lớn, yêu đương đều bị mất một cách bí ẩn.

Dí dỏm không kém là câu chuyện tình đặc biệt của tác giả Hoài Anh khi có anh bạn trai đi nước ngoài, gửi quà về cho người yêu mà toàn những là sách; cuối cùng Hoài Anh quyết định “chốt đơn” người ấy làm chồng vì thấy anh quá trân trọng sách, hai vợ chồng còn có hẳn bộ ảnh cưới ở tiệm sách. Khán giả trường quay cảm động với câu chuyện “khát chữ” của cô bé lớn lên ở vùng “xó núi”- nhà văn Đỗ Bích Thuý: thuở sách với Thúy là điều xa xỉ, cô bé thích đọc đến mức đọc hết chữ trên chai thuốc trừ sâu và bao tải phân của gia đình. Với Hamlet Trương lại là câu chuyện về việc đọc sách những ngày thơ ấu là do bố ép buộc vì lo cho tương lai, nhưng chính sự ép buộc ấy đã khiến anh yêu sách và trở thành một nhà văn với gia tài là 14 cuốn sách.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa không nhận mình là "thần đồng thơ ca" bởi theo ông, những vần thơ mình làm ra đều do đọc sách.

BTV Phương Liên – người biên tập chính bộ truyện tranh hiện đại Nhật Bản của cố tác giả Fujiko.F.Fujiko kể lại nhiều câu chuyện thú vị xung quanh tác phẩm nổi tiếng này: đó là ý nghĩa của từng cái tên Việt hoá rất gần gũi với người Việt Nam trong truyện Đô-rê-mon hay hành trình mà NXB Kim Đồng đã mang bộ truyện về làm bạn với trẻ em Việt Nam ngày đó. Nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất hiện trong sự bất ngờ và hào hứng của cả trường quay. “Thần đồng” thơ ca đã ngay lập tức sáng tác một bài thơ với chủ đề “Thanh xuân tươi đẹp” để gửi tặng chương trình và chia sẻ về câu chuyện làm thơ ngày nhỏ: “Mọi người vẫn gọi tôi là “thần đồng”, nhưng tôi có phải thần đồng gì đâu, những vần thơ tôi làm được đều từ việc đọc sách mà ra cả”.

Tình Lê