Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% huyện đạt chuẩn huyện NTM
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% huyện đạt chuẩn huyện NTM. Chỉ tiêu nghị quyết được UBND tỉnh cụ thể hoá bằng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, trong đó đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu thực hiện.
Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu trong năm 2024: Huyện Bến Cầu đạt chuẩn NTM; duy trì 65/71 xã đã đạt chuẩn NTM, 25 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025; có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2024 có 68/71 xã.
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, tỉnh đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 gồm: Triển khai thực hiện các nội dung thuộc 06 Chương trình chuyên đề trọng tâm năm 2024; nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn.
Đồng thời, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; giảm nghèo bền vững từ việc tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, phấn đấu 71/71 xã đạt Tiêu chí 11 – Nghèo đa chiều; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn.
Chuyển giao công nghệ hiệu quả của lực lượng trí thức KH&CN và nông dân
Đặc biệt, Tây Ninh tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác, chuyển giao công nghệ rất hiệu quả của lực lượng trí thức KH&CN và nông dân trong xây dựng NTM Tây Ninh bền vững. Thời gian qua, đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc áp dụng khoa học và công nghệ trong thúc đẩy các miền quê NTM tỉnh Tây Ninh theo hướng hiện đại, bền vững.
Đơn cử, giải pháp nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường của Nguyễn Thị Thuỳ Dương (huyện Bến Cầu) đã tạo được chuỗi liên kết trong phát triển nghề nuôi dế từ khâu nguyên liệu (trồng mì, lấy lá cho dế ăn), nuôi dế, nhân giống dế, chế biến (nhà xưởng sơ chế sản phẩm, kho dế đông lạnh)… với quy mô lớn (87 hồ nuôi dế) được xây dựng với kỹ thuật mới; qua đó nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế…
Hay như giải pháp mô hình nuôi cà cuống theo hệ thống tuần hoàn của nông dân Nguyễn Hữu Đức (thị xã Trảng Bàng) và Nguyễn Thị Hồng Loan (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh), là mô hình nhân nuôi cà cuống giống, cà cuống thương phẩm và bán trứng ếch giống bằng cách nuôi ếch bố mẹ để tạo ra nòng nọc làm thức ăn cho cà cuống theo hướng tuần hoàn khép kín, phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Mô hình được xem là đối tượng vật nuôi mới vừa có giá trị dược liệu vừa có giá trị thực phẩm có nhiều tiềm năng phát triển.
Giải pháp “Hiệu quả mô hình canh tác, liên kết sản xuất dưa lưới Fagri tại Công ty TNHH Nông nghiệp Tương Lai (huyện Tân Biên)” của Đặng Hữu Nghĩa (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) và Phạm Thị Thu Hiền (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) là mô hình áp dụng công nghệ cao (sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý đất, đưa ong mật vào trong nhà màng để giúp thụ phấn cho hoa…) cùng với thực hiện chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; qua đó dưa lưới Fargi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP 3 sao, có mặt trong các siêu thị, cửa hàng Bách Hoá Xanh…
Ngoài ra còn các giải pháp khác như “Ứng dụng quy trình sản xuất trứng nước (Moina) dựa theo quy luật tuần hoàn làm thức ăn cho cá bột, chạch lấu giai đoạn 4-15 ngày tuổi”; “Ứng dụng kỹ thuật nhân giống lươn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”; “Sử dụng phân đạm hữu cơ thay thế một phần phân đạm vô cơ trong canh tác bí đỏ trên vùng đất cát pha tỉnh Tây Ninh” hay “Mô hình nuôi cà cuống thương phẩm bán tự động quy mô công nghiệp hiệu suất cao”… đều đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn.