Chị luôn xác định mệt thì nghỉ, mỏi thì dừng chân, chứ không bao giờ bỏ cuộc, bởi buông xuôi là mất tất cả. Chị mong muốn mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của người khuyết tật chứ đừng nhìn vào sự khác biệt của vẻ bề ngoài. Với chị, cuộc sống như một tấm gương soi, mình chỉ nhận được kết quả tốt đẹp khi mình mỉm cười...

Đó là những suy nghĩ và mong muốn của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1981), ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa). Chị Hiền là con gái đầu trong gia đình có 3 chị em gái (các em của chị đã lập gia đình).

Nếu không vượt qua rào cản thì càng “khuyết tật” hơn

Ngay từ khi sinh ra, chị không may mắc phải căn bệnh còi xương tuyến yên. Dù đã hơn 30 tuổi, nhưng chiều cao của chị rất “khiêm tốn”, chỉ cao 88cm (và nặng 22,5kg).

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền luôn bận rộn với công việc kinh doanh của mình


Mới tiếp xúc ban đầu, trông chị chỉ như một đứa trẻ lên 5. Nhưng ẩn chứa sau vẻ ngoài “khiêm tốn” ấy là một người phụ nữ giàu nghị lực, vượt lên số phận, không chỉ tự nuôi sống chính bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người.

Vừa bận rộn với những hóa đơn, chứng từ thanh toán, chị vừa trò chuyện: “Trước đây đi học, chính sách chưa được như bây giờ, mọi cái gần như phải tự lực. Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản, định kiến cả hữu hình và vô hình. Trong suy nghĩ của nhiều người thì người khuyết tật (NKT) học để làm gì, như người bình thường còn chả làm được gì nữa là NKT”.

Hiểu được hoàn cảnh của mình, không có sức khỏe nên từ những ngày còn bé, chị đã xác định nếu mình không học thì không làm được gì cả. Hơn nữa, chị ngẫm ra rằng, mình không học thì bạn bè và mọi người vẫn sẽ học, không làm thì mọi người vẫn sẽ làm và như thế, mình sẽ tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội.

{keywords}
Không chỉ là người mẹ, cô Đinh Thị Hợp còn luôn là người bạn đồng hành cùng con mình


“NKT nếu không vượt qua rào cản thì càng “khuyết tật” hơn. Tôi luôn có suy nghĩ mình chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời, nếu mình cứ mãi nghĩ đến sự khuyết tật bẩm sinh của mình mà tự ti, không phấn đấu thì suốt đời mình không vươn lên được”, chị Hiền chia sẻ.

Từ đó, chị luôn nỗ lực để có thể thay đổi bản thân, số phận và thay đổi cách nhìn về NKT nói chung và người phụ nữ khuyết tật nói riêng. Hành trình phấn đấu vươn lên của chị cũng đã luôn gặp các rào cản, có những cái tưởng như không vượt qua được. Nhưng chị luôn xác định mục tiêu và không cho phép mình lùi bước.

{keywords}
Chị Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (bên phải ảnh) và nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan - Ảnh NVCC


Niềm động viên lớn đối với chị là gia đình, bạn bè, người thân và thầy cô giáo đã giúp đỡ, luôn bên cạnh, trao hết niềm tin, kỳ vọng và chị không muốn niềm tin ấy bị phá vỡ. Vì thế, có những lúc bế tắc, nhưng chị xác định mệt thì nghỉ ngơi, mỏi thì dừng chân chứ không bỏ cuộc, bởi với chị, buông xuôi là mất tất cả.

“Hãy nhìn vào chính khả năng, đừng nhìn vào sự khác biệt vẻ bề ngoài...”

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cho nên từ phổ thông đến đại học, chị được trang bị kiến thức đầy đủ. Năm 2004, tốt nghiệp đại học Lao động xã hội, về nhà, chị nhận báo cáo của các công ty tư nhân về kê khai thuế hàng tháng.

{keywords}
Dù bản thân khiếm khuyết nhưng chị đã nỗ lực và tốt nghiệp 2 trường đại học - Ảnh: NVCC


Chưa bằng lòng với những gì đã có, đến cuối năm 2004, chị Hiền quyết tâm thi và đậu vào ngành Tài chính kế toán của trường Đại học Vinh. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp và có trong tay 2 tấm bằng đại học, chị tiếp tục làm kế toán cho các doanh nghiệp tư nhân.

Có trình độ và đã tích lũy cho mình được vốn kinh nghiệm, năm 2010, chị đi đến quyết định táo bạo là thành lập Công ty TNHH Sản xuất, Dịch vụ và Thương mại Suri. Công ty của chị chuyên sản xuất các đồ bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá, vận tải san lấp mặt bằng và dịch vụ thể thao giải trí.

{keywords}
Hiện nay, chị là Giám đốc một doanh nghiệp tại Thanh Hóa


Công ty đã tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gần 20 lao động chính. Doanh thu hàng năm của công ty trung bình mỗi năm hơn 5 tỷ đồng và đem lại nguồn thu nhập cho cá nhân chị hàng tỷ đồng/năm. Hiện tại, chị đang trăn trở tìm một ngành nghề phù hợp để tạo thêm công ăn, việc làm và có một nghề phù hợp với NKT và phù hợp với tiến độ phát triển chung của xã hội.

Chia sẻ về những khó khăn trong công việc, chị Hiền cho biết: “Do đi lại hạn chế nên việc mở rộng phát triển thị trường không chủ động được. Nhiều người còn nghi ngại liệu sản phẩm của NKT thì nó có khuyết tật không”.

{keywords}

Chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen trong chương trình "Tự hào phụ nữ Việt Nam" - Ảnh: NVCC


Nói về dự định sắp tới, chị Hiền cho biết: “Mong muốn của mình là có một ngành nào đó có chiều sâu, bền vững chứ không vì sự thông cảm mà đến với mình. Mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của NKT, đừng nhìn vào sự khác biệt vẻ bề ngoài”.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chị Hiền còn tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Thường vụ Liên chi Hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên - Sinh viên khuyết tật Thanh Hóa.

Cô Đinh Thị Hợp - mẹ chị Hiền, chia sẻ: “Con đi lại phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Suốt 12 năm phổ thông và 7 năm học đại học, bố mẹ phải bố trí công việc đưa đón con, lo cho con được bằng bạn, bằng bè. Thấy con thông minh nên bố mẹ cũng chiều lòng, là hậu phương vững chắc cho con”.

{keywords}
Với chị, cuộc sống như một tấm gương soi, mình chỉ nhận được kết quả tốt đẹp khi mình mỉm cười...


Nhìn cô con gái của mình đang tất bật với công việc, cô Hợp tâm sự: “Thấy buồn vì con mình sinh ra không bằng bạn bè, thương con thiệt thòi, nhưng phấn khởi vì con rất lạc quan, yêu đời. Gia đình luôn động viên cho con cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống, khuyến khích con và không chỉ là người mẹ mà còn là người bạn luôn đồng hành, giúp con trong cuộc sống. Là bố mẹ không còn gì vui hơn khi con không chỉ luôn tự mình đứng lên mà còn giúp đỡ bạn bè”.

Với chị Nguyễn Thị Thu Hiền, quan điểm về cuộc sống như một tấm gương soi. Mình chỉ nhận được kết quả tốt đẹp khi mình mỉm cười...


Với nỗ lực, cố gắng của mình, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị:

2 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bằng khen của Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam

Bằng khen của Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam

Bằng khen của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa

Bằng khen của Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Thanh Hóa

Bằng khen của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam”...

Tháng 12 tới đây, chị còn vinh dự nhận giải thưởng KOVA

(Theo Dân trí)