Đây là tâm sự của nữ biên tập viên Phan Ý Linh - nhà sản xuất phim tài liệu tại Trung tâm sản xuất các chương trình Giáo dục VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Tự hào vì được có mặt trong những giờ phút khó khăn của đất nước
Chị Linh chia sẻ, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, với vai trò là người làm phim tài liệu, chị và các cộng sự hiểu rằng việc ghi lại toàn bộ quá trình mà ekip đối diện và xử lý dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết.
Biên tập viên Phan Ý Linh tại hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: NVCC |
“Đây sẽ là một dữ liệu lịch sử quan trọng cho quốc gia và thế hệ sau này, cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi người dân Việt Nam; những nỗ lực, phát minh sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam trong việc chung tay với thế giới đẩy lùi dịch bệnh”, chị Linh bày tỏ.
Nhớ lại những khoảnh khắc tác nghiệp khi đó, chị Linh cho hay, điều này đã mang lại cho chị một sự xúc động và biết ơn tới các ban lãnh đạo, các đồng nghiệp đã luôn đồng hành và hỗ trợ hết mình để ekip của chị có thể tác nghiệp hiệu quả và an toàn nhất trong những ngày dịch bùng phát phức tạp.
Thời điểm giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, tất cả hoạt động đều tạm ngưng và cũng tương tự đối với việc sản xuất chương trình tại Đài Truyền hình Việt Nam, sức khoẻ và việc phòng tránh lây lan được đặt lên hàng đầu. Khi đó, chị Linh và các cộng sự đã có bức tâm thư gửi lên Tổng Giám đốc của Đài.
Chị Linh cùng đồng nghiệp thực hiện ghi hình 14 ngày trong BV Bạch Mai tại thời điểm BV bị phong toả. Ảnh: NVCC |
Trong bức tâm thư có viết:
“Với tư cách là một người dân, chúng tôi tuân thủ những yêu cầu của Nhà nước trong khoảng thời gian khó khăn này. Tuy nhiên, với tư cách là người làm nghề, chúng tôi muốn đóng góp công sức của mình cùng với các anh em đang thực hiện nhiệm vụ ở những khía cạnh khác.
Chúng tôi hoàn toàn nhận thức về sự rủi ro trong quá trình tác nghiệp và sẽ tuân thủ mọi yêu cầu về y tế để không tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế nước nhà.
Kính mong Tổng Giám đốc xem xét nguyện vọng và đồng ý để cho nhóm sản xuất được tác nghiệp.”
Với nguyện vọng như vậy, bộ phim tài liệu về "Covid - Cuộc chiến tại Việt Nam" được chính thức bấm máy vào ngày 15/3/2020 tại các điểm dịch phức tạp như bệnh viện Bạch Mai, Công an cửa khẩu hay biên giới Hà Giang...
Chị Linh và quay phim trong giờ nghỉ giải lao tại lán của bạn Xá (dân tộc Mông), là sinh viên đang học tại Hà Nội. Vì dịch nên Xá về nhà tại Hà Giang và dựng lán để bắt sóng học online (tháng 4/2020). Ảnh: NVCC |
Chị Linh kể lại, khi đó, trong ekip, vợ của kỹ thuật viên Quang Việt vừa mới sinh con được 3 ngày nhưng anh đã quyết định đồng hành cùng bộ phim vì anh hiểu rằng nhóm không thể sản xuất mà thiếu anh. Cũng đúng thời điểm này, vợ của quay phim Phan Thanh Hùng trong ekip cũng vừa sinh em bé...
Nhưng tất cả những người đồng nghiệp này đều đang có mặt tại căn nhà chung do ekip thuê để tập hợp thiết bị, nhân sự, nhằm tránh ảnh hưởng tối đa tới các nhân sự khác trong Đài cũng như gia đình vì ekip ghi hình tại nhiều địa điểm phức tạp.
“Những khó khăn và hiểm nguy cho chúng tôi hiểu thêm về bản thân cũng như những giới hạn của mình. Thay vì ngần ngại, chúng tôi cảm thấy thật tự hào vì được có mặt trong những giờ phút khó khăn của đất nước.
Dù có những ngày ekip chỉ có mỳ tôm và trứng luộc mua tại siêu thị cho bữa trưa và tối vì khi đó không có cửa hàng ăn uống nào được mở, thì cũng chưa một lúc nào cảm thấy mệt mỏi mà lồng ngực luôn căng tràn nhiệt huyết”, chị Linh chia sẻ.
Chị tin rằng, tất cả những người làm báo đều đang hành động với động lực từ tình yêu. Những gì có động lực từ tình yêu sẽ luôn khiến mình không phải hối tiếc. Nó được lan toả, được cộng hưởng và tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ để chúng ta thăng hoa trong công việc mà chưa bao giờ cần dừng lại để hỏi bản thân rằng “Mình có đang dấn thân hay không?”.
Bám lấy sự thật, tiếp cận một cách chân thành
Nữ biên tập viên cho hay, nhóm ekip của chị vẫn luôn áp dụng lời dạy của Bác cho những tác phẩm báo hình được ra đời.
Một mục đích chung, một định hướng cho những tác phẩm của ekip đó là phản ánh những điều bình dị, chân thực của đất nước và con người Việt Nam. Đưa khán giả tới những cái đẹp của cuộc sống, những câu chuyện mộc mạc truyền thông điệp đơn giản về tình yêu, nhằm lay động sự chân thiện trong trái tim mỗi người để từ đó chúng ta yêu thương nhau và quý trọng cuộc sống xung quanh hơn.
“Có một câu nói như sau 'Hãy đi đến tận cùng những điều bình dị của dân tộc, ta sẽ chạm tới văn minh của nhân loại'.
Câu nói này luôn là kim chỉ nam cho những đề tài và bộ phim của chúng tôi”, chị Linh bày tỏ.
Ekip có mặt tại Đà Nẵng ngày 28/7/2020, đúng ngày TP nhận lệnh phong toả để tiếp tục ghi hình bộ phim tài liệu về Covid mà nhóm đã bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Theo chị, một câu chuyện hoàn hảo chỉ đơn giản là sự hiện hữu thuần khiết của chính nó. Nhiệm vụ của người làm phim tài liệu là bám lấy sự thật, quan sát lặng lẽ, không tác động lên sự thật và tiếp cận một cách chân thành.
Trong quá trình sản xuất, dù gặp may mắn tới đâu cũng sẽ không tránh được những khó khăn. Nhưng ekip luôn giữ cho mình sự lạc quan, học sự kiên nhẫn và thích ứng với hoàn cảnh.
“Sự thành công của một tác phẩm, đối với tôi, là sự bình an, vui vẻ của nhân vật và toàn bộ ekip sau khi kết thúc từng bộ phim.
Thành công là khi nhân vật nghĩ tới mình, họ thấy hạnh phúc vì họ đã có những lúc được trải lòng, được trân trọng, được ghi nhớ lại và được kể lại.
Thành công là khi các cộng sự của mình tin tưởng đồng hành cùng với mình, họ hiểu rằng mình xứng đáng với sự hết lòng của họ trong công việc.
Thành công là khi một tác phẩm ra đời, nhân vật cảm thấy họ được hiểu và mọi người trong ekip đều cảm thấy tự hào vì là một phần của tác phẩm.
Cuối cùng là sự đón nhận của cộng đồng, là niềm khích lệ động viên cho tôi và ekip tiếp tục thực hiện những tác phẩm trong tương lai”, chị Linh nói.
Chị Phan Ý Linh là 1 trong 187 nhà báo tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” diễn ra vào ngày 13/6/2020 nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. |
Báo chí phải là “những người lính đi đầu” trong cuộc chiến chống Covid-19
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, báo chí, truyền thông cần phải luôn sẵn sàng và luôn là “những người lính đi đầu” trong cuộc chiến chống Covid 19.
Hương Quỳnh