Địa hình đồi dốc, vách đá cheo leo tại Gia Lai đã tạo nên nhiều con thác vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, được ví như những “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Trong đó, thác Kon Lốc là một trong những con thác khiến người đam mê du lịch khám phá không thể bỏ qua.

Con thác này nằm tại làng Kon Lốc 2, xã Đak Krong, huyện Kbang, cách trung tâm xã gần 8km. Thác Kon Lốc nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi nhiều cây xanh và những hòn đá tảng đồ sộ cả trăm năm tuổi. Con thác đổ xuống từ độ cao khoảng 15m, chảy qua những tảng đá, in bóng cây rừng. Nước đổ ào ào xuống chân thác, đập mạnh vào những tảng đá lớn tạo nên bọt trắng xóa.

{keywords}

Thác Kon Lốc hùng vĩ nhưng thơ mộng trong mùa mưa

Sau thời gian dài ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, mới đây, cô Nguyễn Thị Bích Vân (58 tuổi, Gia Lai) đã quyết định vượt rừng, chinh phục con thác Kon Lốc trong mùa mưa để tìm nguồn năng lượng mới mẻ, tích cực cho bản thân.

Trước đây, cô Vân từng chinh phục con thác này vào mùa khô. Thời điểm đó, do ít nước nên con thác trơ ra những tảng đá khổng lồ. “So với mùa khô, cảnh quan vào mùa mưa hùng vĩ, thu hút hơn nhưng con đường chinh phục thác cũng gian nan, nguy hiểm hơn”, cô Vân chia sẻ.

{keywords}

Cô Vân ghi lại những khoảnh khắc hùng vĩ của con thác

Hành trình 1 ngày chinh phục thác Kon Lốc của cô Vân và 5 người bạn trẻ tuổi bắt đầu từ 5 giờ sáng. Cả nhóm chạy xe máy hơn 130km từ thị xã An Khê, Gia Lai tới làng Kon Lốc 2.

Họ để xe lại bìa rừng, nơi cách con thác khoảng 1km rồi mang theo đồ dùng thiết yếu, đi bộ vào thác. Do đúng mùa mưa nên đường rừng ẩm ướt, lá cây mục nát dưới chân, trơn trượt, vắt, côn trùng nhiều vô kể. “Nằm giữa cánh rừng nguyên sinh, từ bên ngoài rừng đã có thể nghe được tiếng thác chảy rì rầm như bản nhạc hòa”, cô Vân chia sẻ. 

Cô Vân cho biết, trước đây cô thường đi nhóm 2 người nhưng do chuyến đi này khá xa, và vào mùa mưa, nguy hiểm nên cô chọn đi cùng nhóm đông người hơn.

Đường đến đỉnh thác không quá khó nhưng để xuống được chân thác và ghi lại hình ảnh hùng vĩ của nơi đây, cô Vân và cả nhóm phải vượt đoạn đường 0,5km dốc, trơn trượt, cây rừng đổ rạp sau mưa bão.

Có đoạn, mọi người trong nhóm phải đỡ nhau trèo xuống khỏi những tảng đá lớn, trơn trượt. "Do chủ quan không mang theo dây thừng nên những đoạn này, nhóm đi khá khó khăn. Nếu tới vào mùa mưa, du khách nên chuẩn bị dây thừng để đảm bảo di chuyển an toàn hơn", cô Vân chia sẻ.

{keywords}

Từ đỉnh thác xuống chân thác phải trải qua đoạn đường trơn trượt, khó đi

{keywords}

Nhưng bù lại, cô và nhóm được chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của con thác

“Cô Vân tuy đã 58 tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và có đam mê lớn với du lịch. Suốt hành trình, cô không chỉ động viên, khích lệ mọi người mà còn rất chu đáo, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho nhóm”, anh Lê Hoàng - thành viên trong nhóm chia sẻ.

{keywords}

Sau khi chinh phục thác Kon Lốc, nhóm tiếp tục lên đường vào thác Đak Bok (làng Cheng, xã Krong, huyện Đak Bok). Nơi đây có cấu tạo đá hình lục lăng rất đẹp và lạ mắt, giống như ghềnh đá dĩa ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Để vào được thác Đak Bok, nhóm phải đi khoảng 40 phút lội rừng. Đoạn đường đi sẽ gây kích thích với những người có đam mê mạo hiểm nhất là vào những ngày trời mưa.

Tuôn chảy từ độ cao 80m, thác Đak Bok làm thỏa mãn người chinh phục không chỉ bởi tiếng dòng chảy ầm ĩ, bởi thác nước chảy nhanh không gợn, bởi ánh cầu vồng lúc ẩn lúc hiện và còn bởi độ tinh khiết đến mát lạnh của suối nguồn nơi ngọn thác đổ xuống. “Con đường dẫn đến thác rất trơn và khó đi. Mọi người phải bám vào những bụi cây hai bên đường và bò qua những thân cây đổ”, cô Vân chia sẻ.

{keywords}

Cô Vân chụp hình dưới chân thác Đak Bok trong chuyến đi này

{keywords}

Hình ảnh con thác vào mùa khô được bà Vân ghi lại hồi tháng 7/2019

Sau chuyến đi, tuy có chút mệt do lâu ngày không tham gia các hoạt động thể lực cường độ cao nhưng cô Vân thấy tinh thần sảng khoái, phấn chấn hơn hẳn. Cô cũng chia sẻ, khi đi du lịch khám phá, ngoài đảm bảo an toàn cho bản thân, du khách cũng nên có ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã.

Cô Vân đã có khoảng 2 năm tham gia những chuyến đi khám phá mạo hiểm đường đồi núi, rừng già ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Thời gian qua, dù ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, cô vẫn tập luyện, duy trì sức khỏe bằng các bài tập đạp xe, leo cầu thang... Cô Vân chia sẻ, cô có kế hoạch lên đường chinh phục 5 đỉnh núi ở phía Bắc sau khi dịch Covid-19 ổn định.

Linh Trang (Ảnh: Triệu Ngọc - Phạm Tuệ)