- Sắm máy giặt, tủ lạnh về chỉ để cho oai với hàng xóm chứ không dùng vì sợ tốn điện. Đi vệ sinh xong không xả nước, để ai đi sau xả luôn một thể cho đỡ tốn. Nhưng bực nhất phải kể tới việc trời mùa hè nóng nực như thế này, đang ngon giấc nửa đêm là mẹ chồng sập cầu dao.

Tôi là con gái miền nam làm dâu đất bắc, lấy chồng xa đã khổ lại không may lấy đúng vào gia đình có bố mẹ chồng “vắt cổ chày ra nước”. Trong mắt họ tôi là một đứa con dâu chẳng hề biết đến tiết kiệm và lúc nào cũng cần được dạy về đức tính này. Nhưng tiết kiệm theo cách của họ, tôi thật sự sắp chịu không nổi.

Việc đầu tiên phải kể đến là tiết kiệm điện. Tất cả bóng điện trong nhà đều là bóng tiết kiệm điện, vậy nhưng không hôm nào mẹ chồng tôi cho bật đèn trước 7h tối. Chủ trương của bà là tận dụng ánh sáng tự nhiên, khi nào tối hẳn thì đã có sáng trăng hoặc ánh sáng của đèn đường. Tới lúc được bật điện thì cứ tắt bật liên tục. Có khi vào nhà tắm bị quên gì đó, chạy đi lấy là y rằng lúc quay lại đã bị mẹ chồng tắt điện.

Máy giặt, tủ lạnh đều đủ cả nhưng hình như mua về chỉ để cho oai với hàng xóm. Cả bố lẫn mẹ chồng đều thống nhất quan điểm: dùng làm gì tốn điện nước, hại quần áo.

Kinh khủng hơn phải kể đến khoản tiết kiệm nước của ông bà. Mẹ chồng bảo “mỗi lần ấn nút xả nước, nước chảy ào ào là xót hết ruột” cho nên giặt giũ xong là phải để nước lại… dội bồn cầu. Đã tiết kiệm đến thế, nhưng lần nào đi vệ sinh xong ông bà cũng không chịu xả nước luôn mà phải góp vài lần cho đỡ tốn. Mùi nước giặt để lâu cộng thêm vài lần vệ sinh không xả nước khiến nhà tắm lúc nào cũng có mùi đặc trưng chỉ cần ngửi là muốn ói.

Đã vậy muốn xử lí cũng không được vì cọ rửa ông bà lại kêu tốn nước với lại “chỗ để bậy bạ chứ có phải ngồi ăn đâu mà cần sạch sẽ”.

Rửa mặt xong, bố chồng bắt phải để nước ở lavabo lại để ai đi vệ sinh còn rửa tay. Nước rửa rau thì để dành rửa bát, rửa bát xong nước đó lại dùng tưới rau.

{keywords} 

Đó là khoản tiết kiệm điện nước, đến khoản ăn uống cũng không khá hơn. Cả bố và mẹ chồng tôi đều là người có lương hưu nhưng chưa bao giờ thấy ông bà dám ăn ngon. Một lần đi chợ là thức ăn sẽ được mua cho cả tuần. Thức ăn thì chẳng mấy khi có thịt, chỉ toàn ăn cá với lí do “thời buổi thức ăn cái gì cũng bẩn thì chỉ nên ăn cá”. Nhưng thật ra là vì ông bà tiết kiệm tiền, vì cá cũng chỉ dám ăn loại cá mè hay rô phi nhỏ, loại cá rẻ nhất.

Cũng với loại cá ấy, hết kho tương rồi lại ướp muối hoặc bột thính để cho lên than nướng. Nói đến đây mới nhớ, nhà có bếp ga nhưng mẹ chồng bắt dùng bếp củi để tiết kiệm và còn có than để nướng cá. Một miếng cá mẹ chồng tôi ướp thì phải ăn kèm mấy miếng cơm vì mặn. Lần nào bà cũng kêu lỡ tay, nhưng thật ra là vì làm thế đỡ tốn khoản nước chấm (muối trắng bao giờ cũng rẻ hơn một chai nước chấm).

Vốn dĩ bản tính tôi phóng khoáng nhưng từ lúc về nhà chồng tôi đã phải ép mình sống cuộc sống tù túng, nghèo không rõ nghèo, khổ không ra khổ. Vì mọi vật chất trong nhà chồng đều không thiếu, nhưng không được dùng. Nhiều lần tâm sự nhờ chồng góp ý với bố mẹ, nhưng anh đều ậm ừ rồi quên.

Mấy hôm nay không hiểu sao cứ nửa đêm gần sáng lại mất điện. Thời tiết thì nóng nực là thêm bầu bí, mấy hôm liền tôi tưởng không sống nổi. Đang lầm bầm chửi thầm điện đóm khó hiểu thì lén nghe thấy chồng mình nói với mẹ rằng: “Thôi mẹ đừng sập cầu dao nữa, vợ con đang bầu bí không có quạt nó không ngủ được. Cuối tháng tiền điện hết bao nhiêu con gửi mẹ”, lúc ấy tôi mới biết nguyên nhân. Nghĩ mà ức chế, ít nhất không thương con thì cũng phải thương cháu. Đằng này mẹ chồng tôi chỉ vì vài đồng bạc mà bất chấp sức khỏe cả cháu mình, tôi thật không hiểu nổi.

Được chồng hứa sẽ xin ra ở riêng, tôi mừng rơn vì tưởng thoát khỏi cảnh bố mẹ chồng siêu hà tiện. Ai ngờ hồi chiều hai vợ chồng chở nhau đi khám thai thì chẳng may xe thủng săm. Lúc thay xăm mới xong chồng tôi còn đòi lại xăm cũ, nói mang về cắt làm dây thun không phí. Lúc đấy tôi mới ngớ người, hiểu rằng chồng với bố mẹ chồng cũng không khác gì nhau về bản chất “vắt cổ chày ra nước”. Chợt nghĩ tới đứa con trong bụng, không biết rồi mẹ con tôi sẽ sống sao với cái gia đình này. Không lẽ tôi phải bỏ về Nam với bố mẹ đẻ? Mọi người bảo tôi nên làm sao để cải tạo nhà chồng mình đây?

Độc giả Huệ Anh (Phú Thọ)